Kênh bán lẻ hiện đại được kỳ vọng chạm mức 18% tổng doanh thu bán lẻ vào 2024
Ngành bán lẻ Việt Nam được kì vọng tăng trưởng đạt hai con số.
Theo Inside Retail, mặc dù một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam vẫn chọn mua sắm ở các chợ truyền thống - nơi họ có thể mua nguyên liệu với số lượng nhỏ, các siêu thị cũng đang cung cấp các gói thực phẩm nấu sẵn phù hợp với nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng thông thường. Do đó, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi ngày càng chiếm được nhiều thị phần trên toàn thị trường thực phẩm và thị trường tạp hóa hơn.
Các sản phẩm thực phẩm, sản phẩm phi thực phẩm và đồ gia dụng cũng được bán trong các siêu thị lớn, mang lại nhiều lựa chọn và tiện lợi cho khách hàng trong nước.
Các cửa hàng bán lẻ hiện đại cũng cung cấp các nhãn hiệu/sản phẩm tư nhân có thể mua độc quyền trong cửa hàng của họ.
Một số cửa hàng mới hơn còn có các tiệm bánh và quán cà phê trong nhà, nơi người tiêu dùng có thể vui vẻ thưởng thức cùng gia đình và bạn bè.
Tầng lớp trung lưu và giàu có ở Việt Nam ngày càng tăng và dân số trẻ ngày càng coi trọng sự tiện lợi và thoải mái. Chính điều này đang thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường cửa hàng tiện lợi, với sự có mặt của Circle K (chuỗi cửa hàng tiện lợi mở rộng ra Hà Nội sau khi có chỗ đứng vững chắc tại TP HCM), FamilyMart, 7-Eleven và GS25.
Sự hiện diện ngày càng tăng của những chuỗi cửa hàng tiện lợi trong nước, như Vinmart+ và các cửa hàng thử nghiệm như Bách Hóa Xanh do Thế giới Di động vận hàng, đang giúp mở rộng thị trường bán lẻ Việt Nam.
Tuy nhiên, các nhà bán lẻ thực phẩm và đồ uống truyền thống vẫn còn thống trị lĩnh vực bán lẻ. Tính đến năm 2018, các nhà bán lẻ truyền thống đã chiếm 94% doanh số bán lẻ hàng tạp hóa và 6% còn lại được phân chia cho các công ty bán lẻ hiện đại.
Theo các chuyên gia trong ngành bán lẻ, doanh số bán lẻ của kênh bán hàng hiện đại được kì vọng sẽ chạm mốc 18% tổng doanh thu bán lẻ thực phẩm vào năm 2024.