Tương lai gần của bán lẻ Việt Nam
Các nhà bán lẻ trong nước thời gian qua cũng đã thể hiện được sự sáng tạo, linh hoạt của mình nhờ lợi thế hiểu biết người tiêu dùng. Ảnh minh họa Thành Hoa
Trải nghiệm khách hàng lên ngôi |
Cuối tuần trước, trang Business Insider đưa tin, chuỗi bán lẻ quần áo GAP tuyên bố sẽ đóng cửa 230 cửa hàng trong hai năm tới do doanh số giảm 7% trong quí có kỳ nghỉ lễ. Trước đó, cũng với lý do hiệu quả kinh doanh giảm sút, thương hiệu Victoria’s Secret tuyên bố sẽ đóng cửa 53 cửa hàng trong năm 2019.
Nhưng, trong lúc các nhà bán lẻ truyền thống đóng các cửa hàng thì các công ty thương mại điện tử, từ chỗ chỉ có những gian hàng tồn tại trên không gian mạng lại bắt đầu xu hướng mở điểm bán cụ thể. Bà Rebecca Pearson, Phó giám đốc CBRE châu Á tại hội thảo “Tương lai của ngành bán lẻ Việt Nam” do Công ty cổ phần Vincom Retail tổ chức mới đây, gọi đó là “từ cú nhấp chuột đến sờ, nắm sản phẩm”. Điều này không chỉ giúp khách hàng chọn mua hàng hóa thông qua các ứng dụng (app) trên thiết bị di động mà còn có thể cảm nhận trực tiếp sản phẩm.
Đồng quan điểm, ông Chris Dobson, Phó chủ tịch Viện Thiết kế bán lẻ, cho biết 50% hoạt động mua sắm hiện nay do truyền miệng, không đến từ những quảng cáo như trước đây. Người tiêu dùng được dẫn dắt bởi những chia sẻ, giới thiệu của người thân, bạn bè đã mua sắm và có trải nghiệm tốt trước đó. Trải nghiệm của khách hàng chính là yếu tố quan trọng nhất của bán lẻ.
Với xu hướng đề cao trải nghiệm này của người tiêu dùng, các thương hiệu hàng đầu trên thế giới đã tích cực chuyển đổi bằng cách thay đổi về không gian cũng như ứng dụng công nghệ cho cửa hàng. Chẳng hạn, Nike đã biến cửa hàng của họ thành ngôi nhà đổi mới sáng tạo, giúp khách hàng có những trải nghiệm thực tế hơn.
Bán lẻ Việt Nam sáng tạo để phát triển
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, nhìn nhận tỷ lệ bán lẻ hiện đại tại Việt Nam chưa tới 30% trên toàn bộ thị trường. Do vậy, các chuỗi cửa hàng thực thể vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của các chuỗi cửa hàng tại Việt Nam ước tính đạt từ 20-30%/năm. Và vũ khí quan trọng nhất để các nhà bán lẻ cạnh tranh khi phát triển chuỗi vẫn nằm ở địa điểm, vị trí của cửa hàng. Đây được coi là yếu tố sống còn.
Cũng theo bà Loan, 2019 sẽ là năm ngành bán lẻ phải đối mặt với những thách thức khi người tiêu dùng ngày càng thay đổi dưới tác động của công nghệ. Tuy nhiên, không nên quá bi quan rằng công nghệ sẽ lấn át. Bằng chứng là khi thương mại điện tử bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, nhiều người cũng lo lắng rằng bán lẻ truyền thống sẽ bị triệt tiêu nhưng thực tế cho thấy chuyện đó không xảy ra mà các loại hình cùng phát triển, cùng cạnh tranh. Các nhà bán lẻ trong nước thời gian qua cũng đã thể hiện được sự sáng tạo, linh hoạt của mình nhờ lợi thế hiểu biết người tiêu dùng.
“Nói về tương lai bán lẻ Việt Nam thì phải có hai từ, đó là công nghệ và sáng tạo. Nếu không có công nghệ và không có sáng tạo thì bán lẻ Việt Nam sẽ không phát triển được trong bối cảnh thế giới hội nhập sâu rộng như hiện nay”, bà Loan nói.
Bà Rebecca Pearson cho biết, đang có thêm nhiều thương hiệu gia nhập thị trường Việt Nam. Khi các thương hiệu tìm kiếm sự phát triển thị trường thì chắc chắn sẽ đưa thêm công nghệ, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng cũng như thu thập dữ liệu thị hiếu tiêu dùng.
Bà Trần Thu Hiền, Phó tổng giám đốc Kinh doanh và tiếp thị, Công ty cổ phần Vincom Retail, cho biết, trong năm 2019, đơn vị này có kế hoạch ra mắt thêm 13 trung tâm thương mại Vincom mới, nâng số điểm trong hệ thống lên con số 79 trên toàn quốc. Bên cạnh đó, các trung tâm cũng sẽ được ứng dụng công nghệ để gia tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng, thu hút khách đến và trở lại qua đó hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các nhãn hàng tại trung tâm.