Cửa hàng bán lẻ Mỹ đóng cửa ồ ạt
Công ty Dollar Tree vừa tuyên bố sẽ đóng cửa 390 tiệm Family Dollar, trong khi nhà bán lẻ quần áo tuổi teen Abercrombie & Fitch dự tính đóng 40 tiệm. Công ty trang phục Charlotte Russe phá sản, đã bắt đầu bán thanh lý các hàng hóa và sẽ đóng cửa hơn 500 tiệm, tăng so với dự kiến ban đầu chỉ đóng 94 điểm bán.
Tập đoàn bán lẻ Amazon cho biết sẽ đóng cửa toàn bộ 87 tiệm pop-up ở các cửa hàng Whole Foods, Kohl và ở các siêu thị Mỹ từ cuối tháng 4 tới
Các công ty bán lẻ khác tuyên bố đóng cửa tiệm ở các siêu thị trong năm nay gồm GAP, thương hiệu thời trang nội y Victoria’s Secret và Chico, J.C. Penney.
Theo tổ chức nghiên cứu Coresight, tính đến ngày 8/3, đã có tổng cộng 4.180 tiệm được các nhà bán lẻ tuyên bố đóng cửa. Chỉ một tuần trước đó, con số tiệm đóng cửa là 4.039.
Khách trong một trung tâm mua sắm trống vắng ở Mỹ - Ảnh : Getty Images
Coresight cũng cho biết đến nay, tổ chức này đã truy vết khoảng 2.264 cửa hàng đã được mở trong năm 2019. Nhưng số tiệm đóng cửa vẫn cao hơn số tiệm được mở, khiến chủ mặt bằng đang tìm những doanh nghiệp mới, hoặc các hình thức kinh doanh mới, để cho thuê lại mặt bằng.
Để giữ sức hấp dẫn của mặt bằng, một số chủ siêu thị phải tích cực sáng tạo hơn, bằng cách xây dựng không gian cho phép một số thương hiệu cùng chia sẻ một tiệm và bán hàng ở đó trong một giai đoạn ngắn, quay vòng số thương hiệu thuê điểm bán. Macerich là chủ siêu thị lớn hàng thứ ba ở Mỹ, có cách kinh doanh này và đặt tên là BrandBox (Hộp Thương hiệu).
Chủ các siêu thị và trung tâm mua sắm cũng tìm kiếm các thương hiệu kinh doanh trực tuyến, như nhà sản xuất nệm giường Casper, thương hiệu áo sơmi Untuckit... để kéo vào các gian tiệm hàng chung ở các tòa nhà của họ. Rồi họ lập các không gian làm việc chung, xây khách sạn, phòng tập thể thao, thậm chí xây căn hộ để lấp không gian ở các tiệm bán lẻ đã phải đóng cửa.
Bà Marie Driscoll, giám đốc mảng hàng cao cấp và thời trang của tổ chức Coresight, nói: “Tôi cho rằng quá trình hợp lý hóa không gian tiệm này sẽ còn tiếp tục”.