|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Instagram là cơ hội hay cạm bẫy với các thương hiệu và nhà bán lẻ?

14:08 | 07/08/2019
Chia sẻ
Instagram có thể sớm trở thành một đối thủ đáng gờm với ông lớn Amazon trong thị trường thương mại điện tử ở tương lai không xa.

Instagram là một nền tảng rất tuyệt vời để chia sẻ ảnh, tương tác với những người nổi tiếng và khám phá những món đồ thời thượng trong mọi lĩnh vực, từ thời trang tới điện tử. Đó thứ mà ngay cả Amazon cũng đang phải rất nỗ lực để tạo ra.

Trong khi đó, các hãng thời trang, nhà bán lẻ và các thương hiệu lớn khác đã thấy tiềm năng.

Tham vọng của Instagram

Các thương hiệu chủ yếu sử dụng Instagram như một công cụ quảng cáo để tiếp cận người tiêu dùng nhưng tham vọng của Instagram không dừng lại ở đó. Họ đã thực hiện hàng loạt điều chỉnh để trở thành nền tảng mua sắm trực tuyến mới, buộc các công ty thay đổi chiến lược hiện tại.

Dù Instagram là "chiến binh" mới trong cuộc chiến thương mại điện tử, các tính năng vượt trội và lượng người dùng đông đảo có thể khiến giới bán lẻ vốn chỉ trung thành với Amazon nhiều năm muốn rẽ sang hướng khác.

Vào tháng 3/2019, Instagram ra mắt tính năng thanh toán mới, cho phép khách hàng mua sản phẩm trực tiếp từ một số trang thương hiệu trên ứng dụng. 

Trước đây, người mua hàng phải rời khỏi Instagram để mua ngoài sản phẩm hoặc liên lạc với nhà bán lẻ, gây ra sự phiền toái và lãng phí thời gian.

Instagram cũng đã thêm công cụ cho phép khách hàng mua sắm trực tiếp trên Stories và Discover. Người mua có thể nhanh chóng sở hữu những sản phẩm Kylie Kenner, Kim Kardashian West và vô số người nổi tiếng khác đang mặc trên Instagram của họ.

Như vậy, Instagram đã khôn ngoan tấn công vào điểm yếu của Amazon cũng như nhu cầu của khách hàng: tính thời thượng của thương hiệu và người nổi tiếng, gu thẩm mỹ phong phú và trẻ trung. Trên Amazon, người dùng sẽ phải lướt qua hàng chục trang sản phẩm để tìm món đồ ưng ý.

Những nỗ lực của Instagram nhanh chóng lôi kéo một số thương hiệu vào cuộc. Các công ty đó phát hiện một thị trường tiêu thụ hàng hóa tiềm năng từ lượt theo dõi rất lớn trên Instagram của họ. 

Các công ty như Adidas tiết lộ họ đang tận dụng công cụ mới bằng cách tung ra các mẫu giày thể thao và quần áo mới trên Instagram trước các nền tảng khác.

190802090432-20190802-instagram-shopping-gfx-exlarge-169

Tính năng thanh toán mới của Instagram. Ảnh: CNN

"Người tiêu dùng của chúng tôi dành rất nhiều thời gian trên Instagram," Emily Maxey, phó chủ tịch tiếp thị của Adidas cho biết. "Người tiêu dùng đang sử dụng Instagram để nghiên cứu các sản phẩm của chúng tôi, kết nối với bạn bè để hỏi ý kiến về sản phẩm của chúng tôi và cuối cùng là mua", bà kết luận.

Theo nhận định của một số chuyên gia, Instagram đang theo đuổi theo chiến lược thương mại điện tử hóa của WeChat (Trung Quốc). Từ một ứng dụng nhắn tin truyền thống, WeChat đã trở thành nền tảng mua sắm, thanh toán điện tử hàng đầu ở đại lục.

Tiềm năng phát triển rất lớn

Thị trường mua sắm trên Instagram có thể đạt tới giá trị 10 tỷ USD vào năm 2021, theo Deutsche Bank. Instagram cũng cho phép các thương hiệu thu hút người mua hàng ngoài các trang web, cửa hàng truyền thống và trang Amazon của họ.

Instagram cho biết 80% người dùng theo dõi thương hiệu họ yêu thích. Hơn 130 triệu người dùng nhấn vào bài đăng trên Instagram để xem thẻ sản phẩm mua sắm mỗi tháng từ khi họ ra mắt ứng dụng.

Hơn 20 thương hiệu, bao gồm NikeAdidas, Uniqlo, Warby Parker, Outdoor Voices, Prada, Dior và Kylie Cosmetics đang thử nghiệm tính năng thanh toán mới của Instagram. Các công ty đó hy vọng tùy chọn mới sẽ giúp khách hàng dễ dàng mua sắm hơn thông qua Instagram và tăng doanh số bán hàng trong tương lai.

Các công ty như Adidas và Burberry khẳng định họ đang hợp tác với Instagram để nhận được ưu đãi lớn hơn trong bối cảnh ứng dụng dần trở thành trang thương mại điện tử. "Chúng tôi có thể là những người tiên phong", Maria Culp, phát ngôn viên của Nike, tiết lộ.

Cơ hội hay cái bẫy cho nhà bán lẻ?

Instagram không tiết lộ mức phí trung gian thương hiệu phải trả khi khách hàng mua sản phẩm thông qua ứng dụng và các thương hiệu dường như đã chấp nhận thỏa thuận tài chính với họ.

Tuy nhiên, trái với sự lạc quan của Instagram và các thương hiệu đối tác, nhiều nhà phân tích cho rằng các nhà bán lẻ bán thông qua nền tảng và nhiều quy tắc mới của Instagram sẽ là thách thức lớn.

Jason Goldberg, giám đốc thương mại của công ty quảng cáo Publics, nhận định sẽ rất khó để các công ty kiếm lợi nhuận trên Instagram bởi các nhà bán lẻ chỉ bán một mặt hàng tại một thời điểm cho người mua thay vì thôi thúc họ mua một giỏ hàng như các trang thương mại điện tử khác. 

"Bạn không thể gợi ý khách hàng mua thêm tất sau khi họ sắm giày vì họ không thấy mục Gợi ý sản phẩm. Ngoài ra, nếu ai đó muốn mua hai thứ, họ phải trải qua 2 lượt thanh toán", ông nói.

Sucharita Kodali, nhà phân tích của Forrester Research, lập luận rằng các thương hiệu nên cảnh giác khi trở nên quá phụ thuộc vào Instagram để bán hàng bởi các thương hiệu không có nhiều quyền kiểm soát đối với khách hàng của họ trên Instagram như tại cửa hàng ngoại tuyến hay trang web thương mại điện tử của riêng họ.

"Về cơ bản, bạn đang bàn giao một số thông tin độc quyền quan trọng nhất của doanh nghiệp cho các công ty ứng dụng hoàn toàn không cam kết về quyền riêng tư cũng như không tôn trọng ranh giới mong manh giữa khách hàng của họ và của bạn", bà giải thích.

Thu Phương