IMF: Sự phân mảnh nền kinh tế có thể làm giảm 7% GDP toàn cầu
IMF cho biết, tình trạng phân mảnh hạn chế cũng có thể làm giảm 0,2% GDP toàn cầu, nhưng lưu ý rằng cần phải nghiên cứu thêm để đánh giá chi phí ước tính đối với hệ thống tiền tệ quốc tế và mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu (GFSN).
Báo cáo của IMF, được công bố vào ngày 15/1, nhấn mạnh rằng dòng chảy hàng hóa và vốn toàn cầu đã chững lại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 và sự gia tăng các hạn chế thương mại trong những năm tiếp theo. IMF cho hay, đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine đã trở thành “phép thử” cho các mối quan hệ quốc tế và làm gia tăng sự hoài nghi về lợi ích của toàn cầu hóa.
Theo thể chế tài chính quốc tế này, mối quan hệ thương mại ngày càng sâu sắc đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ nghèo đói trên toàn cầu trong nhiều năm, đồng thời mang lại lợi ích cho người tiêu dùng có thu nhập thấp ở các nền kinh tế tiên tiến thông qua việc “hạ nhiệt” giá cả.
Báo cáo cho biết, các liên kết thương mại rời rạc "sẽ tác động tiêu cực nhất đến các quốc gia có thu nhập thấp và người tiêu dùng nghèo ở các nền kinh tế tiên tiến".
Những hạn chế đối với di cư xuyên biên giới sẽ tước đi các kỹ năng có giá trị của nền kinh tế tiếp nhận di cư, đồng thời làm giảm lượng kiều hối ở các nền kinh tế gửi người di cư. Dòng vốn giảm sẽ làm giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong khi sự suy giảm hợp tác quốc tế sẽ gây rủi ro cho việc cung cấp hàng hóa trên toàn cầu.
IMF cho biết, các nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng sự phân mảnh càng sâu thì chi phí càng lớn, với việc tách rời công nghệ làm tăng đáng kể thiệt hại do hạn chế thương mại toàn cầu.
Báo cáo lưu ý rằng, các nền kinh tế thị trường mới nổi và các quốc gia có thu nhập thấp có thể gặp rủi ro cao nhất khi nền kinh tế toàn cầu chuyển sang hình thức “khu vực hóa tài chính” nhiều hơn và hệ thống thanh toán toàn cầu bị phân mảnh.
Với việc chia sẻ rủi ro quốc tế ít hơn, sự phân mảnh kinh tế toàn cầu có thể dẫn đến biến động kinh tế vĩ mô cao hơn, khủng hoảng nghiêm trọng hơn và áp lực lớn hơn đối với các vùng đệm quốc gia.
Nó cũng có thể làm suy yếu khả năng của cộng đồng thế giới trong việc hỗ trợ các quốc gia gặp khủng hoảng và làm phức tạp thêm việc giải quyết các cuộc khủng hoảng nợ công trong tương lai.