|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

IMF: Phá giá tiền tệ sẽ không khắc phục vấn đề kinh tế của bất kì quốc gia nào

07:47 | 23/08/2019
Chia sẻ
Các nhà kinh tế cao cấp tại Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo các nước không nên phụ thuộc quá nhiều vào con đường nới lỏng chính sách và lập luận rằng phá giá tiền tệ không phải là công cụ có thể giúp tái tạo nền kinh tế.
9ac282d0-1d4c-11e9-9b66-f8d7b487d426_image_hires_160216

Ảnh: Reuters

Chính sách "bần cùng hóa người láng giềng"

Với việc tăng trưởng toàn cầu chững lại và lạm phát duy trì ở mức thấp, hàng loạt ngân hàng trung ương (NHTW) gần đây đã cắt giảm lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế, trong khi các NHTW khác dự kiến sẽ "nối gót" vào cuối năm nay. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng là một trong số đó.

Hạ lãi suất sẽ làm giảm chi phí cho vay, từ đó khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp chi tiêu cũng như đầu tư nhiều hơn.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cao cấp của IMF đã cảnh báo, động thái nới lỏng chính sách với tần suất thường xuyên gần đây từ các nền kinh tế thị trường tiên tiến và mới nổi đã gây ra lo ngại về chính sách "bần cùng hóa người láng giềng" (beggar-thy-neighbor) và dấy lên nỗi bất an về một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Theo CNBC, nhận định trên được ba nhà kinh tế học Gita Gopinath, Luis Cubeddu và Gustavo Adler đưa ra trong một blog được xuất bản hôm 21/8.

"Bần cùng hóa người láng giềng" là khái niệm chỉ các chính sách thương mại quốc tế mang lại lợi ích cho quốc gia ban hành chính sách trong khi gây tổn hại cho nước láng giềng hoặc đối tác thương mại của chính nước đó.

Mặc dù nới lỏng chính sách tiền tệ có thể giúp kích thích nhu cầu trong nước, từ đó mang lại lợi ích cho các quốc gia khác thông qua nhu cầu hàng hóa gia tăng, IMF vẫn bày tỏ lo ngại về sự suy yếu của tỷ giá hối đoái.

Tỷ giá hối đoái yếu đi làm tăng tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu và giảm nhu cầu đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác vì giá cả hàng hóa của họ tăng lên, đây là hiệu ứng được biết đến với cái tên "chuyển đổi chi tiêu" (expenditure switching).

Phá giá tiền tệ đã trở thành tâm điểm trong căng thẳng thương mại toàn cầu

Hồi đầu tháng này, Mỹ đã chính thức gắn mác kẻ thao túng tiền tệ cho Trung Quốc, trong khi vào tháng 6 trước đó, Tổng thống Trump cũng chỉ trích Chủ tịch ECB Mario Draghi vì tác động từ những bình luận ôn hòa của ông lên tỷ giá EUR/USD.

"Khi mà một số nền kinh tế tiên tiến không có nhiều không gian để thay đổi chính sách tiền tệ tiêu chuẩn, phá giá đồng tiền dần nhận được sự chú ý đáng kể. 

Nhưng chúng ta không nên tin rằng nới lỏng chính sách có thể làm suy yếu đồng tiền của một quốc gia đủ lớn để cải thiện cán cân thương mại lâu dài thông qua chuyển đổi chi tiêu", ba nhà kinh tế IMF trên cho hay.

Các nhà kinh tế kết luận rằng chỉ riêng chính sách tiền tệ thì không có khả năng "phá giá đồng tiền lớn và liên tục". Đồng thời nêu bật lên rằng tác động của chuyển đổi chi tiêu đối với hành vi làm giảm giá trị đồng tiền là rất nhỏ.

Đồng tiền mất giá trung bình 10% giúp cải thiện cán cân thương mại của một quốc gia lên khoảng 0,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 12 tháng, chủ yếu thông qua thu hẹp khối lượng hàng hóa nhập khẩu vì hoạt động thương mại phần lớn được tính theo đồng USD.

Trong ba năm, cán cân thương mại sẽ được cải thiện lên khoảng 1,2% GDP khi mà xuất khẩu phản ứng đáng kể với biến động tỷ giá, mặc dù "hiệu ứng của chuyển đổi chi tiêu khi phát huy tác dụng hoàn toàn vẫn khá khiêm tốn".

Ngoài ra, báo cáo của ba nhà kinh tế IMF còn đề cập đến các lựa chọn chính sách phản tác dụng mà các quan chức chính phủ đưa ra để giảm thiểu tình trạng đồng tiền bị định giá quá cao, chẳng hạn như áp thuế quan lên hàng nhập khẩu từ các quốc gia có đồng tiền bị định giá thấp.

Ba nhà kinh tế học nhấn mạnh thuế quan và tỷ giá hối đoái vận hành khác nhau, do đó thuế quan 10% chưa chắc sẽ làm giảm giá trị đồng tiền đi 10% trong tỷ giá hối đoái và chỉ ra ví dụ về những diễn biến gần đây của cuộc thương chiến Mỹ - Trung.

Mặc dù một số người có thể cho rằng tác động của thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ được bù đắp bằng một đồng USD mạnh hơn vì giá cả hàng hóa Trung Quốc đã sụt giảm, thực tế là các nhà nhập khẩu Mỹ và người tiêu dùng mới là đối tượng gánh thuế quan.

Giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là gì?

Theo ba nhà kinh tế IMF, thay vì dựa vào thuế quan, các quốc gia có thâm hụt thương mại như Mỹ và Anh nên đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách mà không gây hại đến tăng trưởng và chuyển sang tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp hướng đến xuất khẩu.

Các nhà kinh tế này đề xuất chính phủ nên tăng đầu tư để cải thiện kĩ năng của lực lượng lao động và khuyến khích việc tiết kiệm lâu dài.

Còn đối với các quốc gia có thặng dư thương mại như Đức và Hàn Quốc, chính phủ các nước này nên triển khai chính sách tài khóa để đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng.

Đồng thời, các nước nói trên nên áp dụng các cải cách giúp khuyến khích đầu tư tư nhân, chẳng hạn như cắt giảm thuế để doanh nghiệp rót vốn vào hoạt động nghiên cứu và phát triển, hoặc hạ thấp rào cản để doanh nghiệp tham gia vào các ngành nghề vốn chịu nhiều ràng buộc pháp lí.

Yên Khê

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.