Phá giá đâu phải là lựa chọn duy nhất
Truyền thông đã đưa ra những câu chuyện như đối tác Trung Quốc sẽ ép giá hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam để bù lại khoảng chênh lệch do nhân dân tệ vượt qua ngưỡng tâm lý 7 nói trên.
Mặt khác, hàng hóa của Trung Quốc nhập vào Việt Nam cũng được lợi hơn do giá tiền đồng ổn định so với đô la Mỹ trong khi giá nhân dân tệ giảm đi. Rõ ràng với diễn biến tỷ giá hiện tại, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chịu thiệt so với đối tác Trung Quốc và cần hỗ trợ. Nhưng phá giá đâu phải là lựa chọn duy nhất?
Vì sao phải mạo hiểm với “canh bạc” phá giá khi còn lựa chọn khác?
Thực tế phá giá luôn có mặt lợi và hại. Phá giá tiền đồng thì doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể hưởng lợi. Nhưng liệu cái lợi đó có bù được thiệt hại cho các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về để sản xuất?
Chẳng hạn, trong năm ngoái, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đã có tính toán rằng, tiền đồng mất giá 2% sẽ khiến chi phí trung gian chung của nền kinh tế tăng lên do giá trị nhập khẩu tăng và chỉ số giá sản xuất (PPI) ở chu kỳ đầu tiên tăng 0,45%, chu kỳ sản xuất tiếp theo tăng 0,65%, tổng ảnh hưởng 1,1% và tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế có thể bị giảm 1,2-1,6%.
Phá giá là bài toán mạo hiểm mà được mất là điều không thể chắc chắn. Còn giảm lãi suất nhưng nền kinh tế không có những cải cách phù hợp để đẩy dòng vốn vào sản xuất kinh
doanh thực thì nó sẽ chỉ làm tăng bong bóng tài sản. Chi tiêu công đúng đắn sẽ tạo ra những lợi ích kinh tế có tính cộng hưởng cao.
Một ai khác có thể không đồng ý với nhận định này và đưa ra một tính toán khác, vì bản chất những tính toán này dựa trên rất nhiều giả định và chất lượng của dữ liệu thống kê. Nhưng điều đó chỉ nêu bật lên một vấn đề: bài toán phá giá là bài toán mạo hiểm mà được mất là điều không thể chắc chắn.
Trong bối cảnh hiện tại, phá giá đối với Việt Nam còn là một lựa chọn mạo hiểm hơn trước.
Đó là vì Việt Nam đang là tầm ngắm tiếp theo của Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Chẳng hạn tờ Diplomat gần đây đăng một phân tích của Alexander Hitch dự đoán rằng việc tăng thuế quan sẽ sớm “đụng” đến Việt Nam (trong bài The Next Battleground in Trump’s Trade War: Vietnam).
Nếu phá giá tiền đồng, Việt Nam sẽ tạo ra cho phía Mỹ nhiều lý do hơn để cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ và sớm đi đến áp đặt thuế quan.
Ở một mặt khác, phá giá tiền đồng quá nhanh để chạy theo cuộc chiến tiền tệ với những nước khác là một cuộc đua xuống đáy, có thể đẩy tới vòng xoáy gom vàng và đất hay không?
Nếu những thứ đó tăng giá, lạm phát giá tài sản sẽ dẫn đến lạm phát... đủ thứ. Ổn định vĩ mô, điều mà giới đầu tư nước ngoài đánh giá cao nhất ở Việt Nam trong năm qua so với nhiều nước trong khu vực, đột nhiên bị phá vỡ.
Với nhiều rủi ro tiềm ẩn của phá giá như vậy, nhưng nhiều người vẫn nói đến nó như là một lựa chọn duy nhất để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ thì còn rất nhiều dư địa để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu mà không cần phá giá.
Tôi tâm đắc với quan điểm của chuyên gia kinh tế Lê Hồng Giang (trích trong bài Nguy cơ chiến tranh tiền tệ: Tất cả sẽ cùng thua! trên TBKTSG số ra ngày 15-8-2019),
“Trong hoàn cảnh khó khăn trước mắt, Việt Nam nên quay về phát triển nội lực với các chính sách cải cách hành chính, thể chế, luật pháp để tạo ra một thị trường lành mạnh. Tăng cường đầu tư vào hạ tầng, cả vật chất lẫn con người. Và vẫn nên kiên trì với mục tiêu ổn định vĩ mô chứ đừng vì vài quí tăng trưởng kinh tế sụt giảm mà lại bỏ hết chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá”.
Cụ thể, Việt Nam đang làm khó doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu nói chung về những chi phí có tên lẫn không tên quá lớn. Lấy ví dụ, chi phí logistics của Việt Nam thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới. Có một chị làm doanh nghiệp cho tôi biết chi phí chuyển một container đi trong nước của Việt Nam còn mắc hơn chi phí chị nhập hàng ở các nước láng giềng về TPHCM.
Vì sao chuyện vô lý như vậy vẫn diễn ra? Có nhiều bài báo phân tích rằng đi bằng đường bộ nên chi phí cao, nhưng bạn tôi làm ngành logistics thì bảo rằng còn do khâu thủ tục hải quan, còn do sự lạc hậu và manh mún trong đầu tư logistics...
Tất cả những thứ đó đều là chi phí của doanh nghiệp. Cắt giảm nó sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp đáng kể hơn cả phá giá tiền đồng.
Chỉ cần doanh nghiệp bớt bị nhũng nhiễu, bớt chi ra những chi phí không tên, và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không bị đình trệ vì những nút thắt pháp lý, thì họ có thể bù đắp được bất lợi tăng lên do tỷ giá.
Nhưng vì sao doanh nghiệp vẫn cứ phải quan tâm đến phá giá? Có lẽ họ không tin rằng những cải cách pháp lý, hành chính có thể diễn ra đủ nhanh và mạnh.
Vậy còn giải pháp cắt giảm lãi suất?
Có người đồng thuận là không nên phá giá, cho rằng có thể giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Mặc dù nhiều người đề xuất những giải pháp về chính sách tiền tệ, và nhiều nước cũng đang trong xu thế cắt giảm lãi suất, tuy nhiên cắt giảm lãi suất có thể không hiệu quả (John Maynard Keynes: “Chính sách tiền tệ thắt chặt thì có thể bóp nghẹt nền kinh tế qua việc cắt giảm tín dụng, nhưng nới lỏng tiền tệ khi nền kinh tế đã yếu rồi lại chưa chắc mang lại hiệu quả”).
Mặt khác, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, bản thân việc cắt giảm lãi suất là không dễ dàng. Nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế hiện nay khó mà giảm nhiều được trước áp lực tăng vốn của ngân hàng và nhu cầu vốn cho các dự án, mà phần nhiều là bất động sản.
Áp lực vốn trung và dài hạn phản ánh qua lãi suất các đợt phát hành trái phiếu gần đây. Lãi suất huy động vốn trung và dài hạn của một số ngân hàng thương mại tăng lên chứ không giảm đi là một minh chứng cho điều này.
Mặt khác, khi giảm lãi suất (bằng cách nào đó) nhưng nền kinh tế không có những cải cách phù hợp để đẩy dòng vốn vào sản xuất kinh doanh thực thì nó sẽ chỉ làm tăng bong bóng tài sản.
Lấy ví dụ, khi lãi suất vay được thấp, mà doanh nghiệp nhìn đi ngó lại thấy dự án sản xuất dài hạn nào cũng khó làm (do thiếu những cam kết chính sách dài hạn) còn làm bất động sản, “đánh quả” ngắn hạn thì dễ, tự nhiên người ta sẽ đổ tiền vào bất động sản ngay. Vốn nội địa rẻ cộng hưởng với vốn ngoại nóng là một điều kiện vô cùng thuận lợi cho bong bóng tài sản, chứ không phải là cứu rỗi cho nền kinh tế thực.
Chính sách tài khóa: cần niềm tin tiền được xài đúng chỗ
Thật ra, ngoài chính sách tiền tệ, Việt Nam còn một công cụ khác là chính sách tài khóa, bao gồm giảm thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu và tăng chi tiêu công. Chi tiêu công đúng đắn sẽ tạo ra những lợi ích kinh tế có tính cộng hưởng cao.
Chẳng hạn, Chính phủ sẽ chi tiêu đúng vào giáo dục, vào hạ tầng thiết yếu (điện đang có nguy cơ thiếu nghiêm trọng, hạ tầng sân bay, metro... đều cần nâng cấp, làm mới), nhiều khu vực như đồng bằng sông Cửu Long rất thiếu tiền đầu tư.
Gần đây, nước láng giềng Thái Lan vừa công bố một gói hỗ trợ tài khóa 12 tỉ đô la Mỹ để thúc đẩy tăng trưởng. Việt Nam cũng có thể học theo.
Tất nhiên, người dân luôn lo ngại khi Chính phủ tăng chi tiêu công vì sợ tình trạng tham nhũng và chi tiêu sai. Ngay ở Mỹ, nhiều nhà kinh tế đã chỉ ra rằng Tổng thống Donald Trump đã chi tiêu công không đúng đắn và dẫn đến nhiều khó khăn cho kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, hạ tầng của Mỹ (giống như Anh và một vài nước EU) đang tụt hậu so với các nước nổi lên sau này ở châu Á.
Nếu Mỹ có thể chi tiêu công sai thì người ta sợ Việt Nam cũng vậy. Đó chính là trở ngại lớn nhất đối với việc áp dụng giải pháp tài khóa ở Việt Nam hiện tại. Niềm tin vào khả năng xài tiền đúng chỗ của Chính phủ là nút thắt rất quan trọng cần giải quyết.