|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Áp lực phá giá tiền đồng và những yếu tố ảnh hưởng đến động thái của NHNN

16:38 | 19/08/2019
Chia sẻ
KSB cho rằng mục tiêu hướng đến của NHNN là duy trì xu hướng giảm giá vừa phải của VND so với USD trong khoảng 2% nhằm giữ niềm tin cho nhà đầu tư, tránh nhập siêu tăng mạnh từ Trung Quốc và không bị Mỹ gán mác thao túng tiền tệ.

Trong báo cáo phân tích mới đây của CTCP Chứng khoán KB (KB Securities), mô hình phân tích cho thấy rằng chưa có áp lực lớn để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải phá giá tiền đồng mặc dù NHNN đã chủ động giảm tỷ giá trung tâm sau động thái phá giá nhân dân tệ của NHTW Trung Quốc (PBoC).

Phân tích về các yếu tố ảnh hưởng đến động thái của NHNN, chuyên gia của KB Securities chỉ ra ba vấn đề gồm: rủi ro nhập siêu từ Trung Quốc, rủi ro bị Mỹ liệt vào danh sách thao túng tiền tệ và mục tiêu giữ tỷ giá biến động dưới 3%.

Rủi ro nhập siêu từ Trung Quốc

Trong các báo cáo về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam nổi lên là một trong những nước hiếm hoi sẽ được hưởng lợi thông qua việc chuyển hướng thương mại cũng như là một địa điểm đầu tư thay thế Trung Quốc. 

Tuy nhiên, trong báo cáo gần đây nhất từ Wall Street Journal, Việt Nam bị cảnh báo là có một số bằng chứng về hoạt động trung chuyển (transhipment). Cụ thể, một số công ty ở Việt Nam đã trái phép dán mác "Made in Vietnam" thay thế "Made in China" nhằm tránh thuế quan khi xuất sang Mỹ. 

Bức tranh cơ cấu thị trường và cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh (27% so với cùng kì) nhưng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc cũng tăng tương ứng (18,15%). 

Theo đánh giá của KBS, có ba nguyên nhân dẫn đến việc nhập siêu từ Trung Quốc gia tăng.

Thứ nhất, việc nhân dân tệ (CNY) mất giá so với VND khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn tương đối. Với mức mất giá khoảng 2% từ đầu năm, áp lực này là hiện hữu nhưng chưa lớn.

Screen Shot 2019-08-19 at 16

Screen Shot 2019-08-19 at 16

Thứ hai, một số công ty ở Việt Nam thực hiện hoạt động trung chuyển nhằm thay đổi nhãn mác hàng hóa. Điểm đáng lo ngại là ngoại trừ điện thoại và linh kiện, khá nhiều các nhóm hàng đạt tốc độ tăng trưởng mạnh sang Mỹ lại trùng khớp với các nhóm hàng gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đây được xác định là một trong những nguyên nhân chính khiến nhập siêu từ Trung Quốc trong thời gian qua gia tăng.

Thứ ba, các công ty FDI chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam đã tăng cường nhập khẩu máy móc, thiết bị đầu tư sản xuất.

Screen Shot 2019-08-19 at 16

Ngoài ra, khi so sánh biến động xuất khẩu các nhóm ngành của Trung Quốc sang các nước ASEAN, KSB nhận thấy được mức tăng đột biến từ các nhóm ngành chịu thuế từ Mỹ trong các nước ASEAN, đặc biệt là Malaysia và Phillippines.

Screen Shot 2019-08-19 at 16

Rủi ro bị Mỹ liệt vào danh sách thao túng tiền tệ 

Trong báo cáo tiền tệ mới nhất của bộ Tài Chính Mỹ tháng 4, Việt Nam lần đầu tiên đã bị liệt kê vào danh sách theo dõi các nước thao túng tiền tệ. 

Một trong những tiêu chí đánh giá của Mỹ đó là khối lượng mua ngoại tệ ròng 12 tháng (từ tháng 1 - 12/2018) không được trên mức 2% của GDP. 

Trong năm 2018, Việt Nam chưa vi phạm tiêu chí này khi mức độ can thiệp thị trường ngoại hối của NHNN Việt Nam, dựa trên số lượng mua ròng USD, mới đạt 1,7% GDP, dưới ngưỡng đánh giá 2% của Mỹ. 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhưng cơ sở hợp lí để mua USD gia tăng dự trữ ngoại hối khi dự trữ ngoại hối của Việt nam tính trong năm 2018 chỉ đủ 2,9 tháng nhập khẩu, dưới ngưỡng khuyến nghị tối thiểu của IMF. Phía Mỹ ghi nhận lí do trên nhưng cũng hối thúc Việt Nam tiếp tục cải cách chính sách tiền tệ để giảm thâm hụt thương mại với Mỹ. 

Với đợt rà soát tháng 10/2019 tới, nhà phân tích của KSB không cho rằng Việt Nam sẽ vi phạm yếu tố đánh giá của Mỹ khi khối lượng mua ròng (từ tháng 7/2018 – tháng 6/2019) dưới 1% của GDP do NHNN đã bán USD trong nửa cuối năm 2018 để điều tiết VND không bị mất giá quá mạnh. 

Tuy nhiên, với đợt rà soát vào tháng 4/2020 (số liệu lấy từ tháng 1 – tháng 12/2019) thì lại cần hết sức lưu ý.

Nếu ước tính GDP 2019 của Việt Nam đạt khoảng 270 tỉ USD thì giới hạn ngoại tệ NHNN được phép mua để đảm bảo dưới mức 2% của GDP sẽ rơi vào khoảng 5,4 tỉ USD. 

Dựa trên số liệu chính thức của IMF (tính tới 30/4/219) và của KSB thu thập, NHNN hiện đã mua khoảng 8,5 tỉ USD kể từ đầu năm, vượt qua mức "tối đa được phép mua". 

Như vậy, từ nay đến cuối năm, để không vi phạm tiêu chí 2% GDP, NHNN sẽ phải bán ròng khoảng 3,1 tỉ USD. Hành động này được xem là hợp lí và tạo dư địa cho NHNN có thể ổn định tỷ giá trong trường hợp nhân dân tệ tiếp tục giảm sâu.

NHNN sẽ giữ tỷ giá biến động dưới 3% để giữ niềm tin của nhà đầu tư ngoại

Mức độ ổn định của tỷ giá là một trong những chỉ tiêu quan trọng để các nhà đầu tư quyết định bỏ vốn vào một lĩnh vực của một quốc gia. 

Và đây cũng là động lực để Chính phủ hàng năm đều đưa ra mức phá giá VNĐ mục tiêu ngay từ thời điểm đầu năm, như một cam kết với khối doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đã hoặc chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam. 

Đầu năm 2019, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu duy trì tỷ giá ổn định với mức điều chỉnh dưới 3%. Xuyên suốt từ đầu năm, trong các thông điệp được truyền đi, NHNN vẫn kiên định với mục tiêu trên. 

Theo KSB, mức mục tiêu này là hợp lí để cân đối các mục tiêu kinh tế khác liên quan đến dùy trì tăng trưởng GDP, giữ lạm phát, lãi suất, kích thích xuất khẩu và hỗ trợ cán cân thương mại.

Các kịch bản của biến động của đồng tiền VND

KSB cho rằng mục tiêu hướng đến của NHNN là duy trì xu hướng giảm giá vừa phải của VND so với USD (mặc dù vẫn lên giá so với rổ tiền tệ) trong mức khoảng 2%. 

Mức này đủ để phần nào trung hòa các tác động bất lợi trước diễn biến giảm mạnh của đồng nhân dân tệ. Đồng thời vẫn tạo một biên độ an toàn nhất định so với mức mục tiêu 3% của Chính phủ đã đề ra từ đầu năm. 

KSB đưa ra các kịch bản dự báo cho tỷ giá trong giai đoạn cuối năm như sau: nếu thị trường tích cực, mức giảm giá tiền đồng sẽ không vượt quá 1%, thị trường tiêu cực VND sẽ mất giá khoảng 3%.

Screen Shot 2019-08-19 at 16

Diệp Bình