|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỷ giá còn đứng vững, nhưng được bao lâu?

13:09 | 15/08/2019
Chia sẻ
Trong khi nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc mất 2,6% giá trị từ đầu tháng 8-2019 và 2,3% giá trị từ đầu năm 2019 đến nay thì tiền đồng của Việt Nam (VND) vẫn giữ nguyên được giá trị so với đô la Mỹ (USD). Kết quả này có được là do cung về ngoại tệ trên thị trường tăng lên rất cao trong thời gian gần đây.
Tỷ giá còn đứng vững, nhưng được bao lâu? - Ảnh 1.

Thương chiến Mỹ - Trung lên một cấp độ mới

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế lên 10% đối với 300 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc kể từ ngày 1-9-2019, Trung Quốc đã đáp trả bằng việc nâng tỷ giá CNY so với USD lên trên 7. 

Đây là mức cao nhất kể từ năm 2008 đến nay. Và cũng chỉ ngay sau động thái này của Trung Quốc, Mỹ đã chính thức đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thao túng tiền tệ (currency manipulation).

Mặc dù ngày 13-8 Mỹ đã bất ngờ thông báo loại một số sản phẩm khỏi danh sách bị đánh thuế, và trì hoãn việc đánh thuế một số sản phẩm đến giữa tháng 12-2019, nhưng nếu các cuộc đàm phán sắp tới vẫn bế tắc, thì các sức ép Mỹ áp đặt lên Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng lên cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11-2020.

Bởi lẽ, Tổng thống Donald Trump đang muốn tìm kiếm sự ủng hộ của người dân Mỹ thông qua việc làm cho nước Mỹ trở lên vĩ đại như ông từng cam kết. 

Nước Mỹ vĩ đại thì đó phải là một nền kinh tế mạnh với mức tăng trưởng cao trong một thời gian dài và có sự ảnh hưởng rộng lớn trên chính trường quốc tế.

Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao của nền kinh tế thì mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong nước hiện nay chính là nhằm vào Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Ông Trump muốn Fed hạ lãi suất nhanh hơn nữa để nền kinh tế có thể tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2020.

Do đó, động thái gia tăng căng thẳng với Trung Quốc được xem là một mũi tên nhưng trúng hai mục tiêu. Đó là gia tăng áp lực trong quá trình hạ lãi suất của Fed và thu hút sự chú của toàn thế giới vào hai nền kinh tế lớn nhất hiện nay.

Nhưng tiền đồng vẫn đang đứng vững

Tỷ giá còn đứng vững, nhưng được bao lâu? - Ảnh 2.

Dữ liệu trong quá khứ đã chỉ ra rằng diễn biến của VND có mối tương quan rất chặt với biến động của CNY (đồ thị 1). Tuy nhiên, khá bất ngờ khi trong thời gian gần đây tỷ giá trong nước lại có những biến động ngược chiều so với CNY và hàng loạt đồng tiền khác trong khu vực (đồ thị 2). 

Theo đó, VND vẫn đang trụ vững trước động thái hạ giá liên tục từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC). Trong khi CNY mất 2,6% giá trị từ đầu tháng 8-2019 và 2,3% giá trị từ đầu năm 2019 đến nay thì VND vẫn giữ nguyên được giá trị so với USD.

Kết quả này có được là do cung về ngoại tệ trên thị trường tăng lên rất cao trong thời gian gần đây. Theo số liệu từ một số ngân hàng cho biết, tổng trạng thái ngoại hối của toàn hệ thống (Banking position) hiện xấp xỉ 2 tỉ USD. 

Điều đó đồng nghĩa với việc người dân và doanh nghiệp đã bán ra một lượng ngoại tệ tương ứng tới 2 tỉ USD cho các ngân hàng, bất chấp những diễn biến khó lường từ thị trường tài chính quốc tế hiện nay.

Diễn biến trên được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới khi mà hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ được tiến hành trong những tháng còn lại của năm 2019. 

Đó là trường hợp Ngân hàng BIDV bán 15% vốn cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc, tương đương khoảng 800 triệu USD, Ngân hàng Vietcombank sẽ hoàn tất hợp đồng phân phối bảo hiểm với giá trị khoảng 400 triệu USD, Ngân hàng Quân đội (MB) và Vietcombank cũng sẽ lần lượt bán 7% và 5% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tổng giá trị của các thương vụ này dự kiến vào khoảng 2 tỉ USD. Bên cạnh đó là hàng loạt khoản vay vốn thông qua việc phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ từ các ngân hàng và doanh nghiệp khác như Vingroup, VPBank hay SHB... 

Đây đều là những thương vụ gần như chắc chắn sẽ được thực hiện. Do đó, VND đã không bị mất giá kể từ khi Trung Quốc chính thức phá giá CNY (ngày 1-8-2019).

Dài hạn sẽ chịu áp lực rất lớn

Các doanh nghiệp trong nước phải có những chính sách phù hợp để hạn chế tối đa tổn thất có thể xảy ra.

Động thái đầu cơ ngoại tệ vào thời điểm hiện nay cần phải dừng lại, các doanh nghiệp có các khoản vay bằng ngoại tệ trong dài hạn nên tìm đến các sản phẩm phòng ngừa rủi ro (hedging) từ các ngân hàng thương mại.

VND đứng vững chỉ là xu hướng tạm thời, bởi nguồn cung về ngoại tệ ở mức cao hiện nay cũng chỉ mang tính chất tạm thời (từ 3-6 tháng). 

Trong dài hạn, nếu Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép lên Trung Quốc bằng kịch bản tăng thuế từ 10% lên 25% đối với toàn bộ giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (ước tính khoảng 550 tỉ USD) thì Trung Quốc chắc chắn sẽ để CNY tiếp tục mất giá so với đồng USD.

Những dự báo gần nhất của JPMorgan và HSBC chỉ ra rằng nếu kịch bản trên diễn ra thì tỷ giá giữa CNY và USD sẽ tăng lên mức 7,3-7,5. Khi đó, chắc chắn các đồng tiền khác trong khu vực sẽ tiếp tục mất giá so với USD và cũng gần như chắc chắn Fed sẽ phải hạ lãi suất.

Fed hạ lãi suất thì hàng loạt ngân hàng trung ương các nước trên thế giới sẽ có những động thái tương tự. Diễn biến trên sẽ khiến cho VND đứng trước áp lực kép:

(i) VND sẽ tăng giá so với hàng loạt các đồng tiền khác, đặc biệt là với CNY. Nếu vậy thì các nước sẽ có xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc. 

Việc xuất khẩu sang Mỹ bị suy giảm cũng sẽ khiến cho các doanh nghiệp của Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

(ii) Việc nhiều nước hạ lãi suất sẽ khiến cho chi phí sản xuất hàng hóa giảm xuống, đồng nghĩa với việc giá thành sản xuất cũng giảm theo. Khi đó, hàng Việt Nam sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn một cách tương đối. 

Nếu Việt Nam không có những động thái tương tự thì có thể thấy rằng các doanh nghiệp trong nước sẽ đối mặt với nhiều bất lợi khi xuất khẩu hàng hóa trong khi lại bị các nước đẩy mạnh xuất khẩu vào Việt Nam. 

Cán cân thương mại sẽ thâm hụt, dòng vốn bằng ngoại tệ có xu hướng chảy ngược ra bên ngoài. Khi đó, VND sẽ chịu áp lực mất giá rất lớn.

Tỷ giá còn đứng vững, nhưng được bao lâu? - Ảnh 5.

Trong bối cảnh hiện nay thì diễn biến của VND sẽ phụ thuộc rất nhiều vào phản ứng của Ngân hàng Nhà nước. Có hai khả năng mà NHNN có thể thực hiện để tránh cho các doanh nghiệp Việt Nam gặp bất lợi so với các nước khác.

Thứ nhất, đó là hạ mặt bằng lãi suất giống như ngân hàng trung ương các nước. Hai là, giảm giá VND như cách mà Trung Quốc đã thực hiện. Tuy nhiên, cả hai khả năng này được xem là khó xảy ra vào thời điểm hiện nay.

Nguyên nhân là do gần đây Mỹ luôn có động thái phàn nàn về giá trị của VND cũng như chính sách tiền tệ của Việt Nam. Việc hạ giá VND sẽ tiếp tục khiến cho rủi ro chính sách từ Mỹ tăng lên. 

Trong khi đó, việc hạ mặt bằng lãi suất hiện nay cũng không dễ do rủi ro thanh khoản của toàn hệ thống vẫn đang ở mức cao khi mà các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ, đang phải nỗ lực để tuân thủ quy định Basel 2 từ năm 2020.

Diễn biến này buộc các doanh nghiệp trong nước phải có những chính sách phù hợp để hạn chế tối đa tổn thất có thể xảy ra. 

Động thái đầu cơ ngoại tệ vào thời điểm hiện nay cần phải dừng lại, các doanh nghiệp có các khoản vay bằng ngoại tệ trong dài hạn nên tìm đến các sản phẩm phòng ngừa rủi ro (hedging) từ các ngân hàng thương mại. 

Đây đang là thời điểm hợp lý khi mà cả tỷ giá và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đều đang ở mức thấp, do đó chi phí hedging được xem là đang ở mức thấp nhất.

Mai Khanh