|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chống đô la hóa đang đi đúng hướng

11:32 | 15/08/2019
Chia sẻ
Mặc dù chưa có số liệu chính thức từ phía cơ quan quản lý, song không khó để khẳng định mức độ đôla hóa trong nền kinh tế tiếp tục giảm...

Quả vậy về lý thuyết, việc đánh giá mức độ đô la hóa của một nền kinh tế có thể dựa vào tỷ lệ giữa tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán hoặc tổng tiền gửi; tỷ lệ giữa tín dụng ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán hay tổng tín dụng. 

Theo tiêu chí đánh giá của IMF, một nước có tỷ lệ giữa tiền gửi ngoại tệ/M2 lớn hơn 30% là nước có mức độ đô la hóa cao.

Chống đô la hóa đang đi đúng hướng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhìn nhận dưới góc độ đô la hóa tiền gửi, các nghiên cứu gần đây đều chỉ ra mức độ đô la hóa ở Việt Nam có xu hướng giảm khá nhanh trong thời gian gần đây. Báo cáo tài chính của các ngân hàng cũng phần nào cho thấy rõ điều này khi mà tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ trong tổng tiền gửi của khách hàng tại các nhà băng tiếp tục giảm trong 6 tháng đầu năm.

Trường hợp của Vietcombank là một ví dụ điển hình. Mặc dù là một NHTM Nhà nước có thế mạnh về kinh doanh ngoại tệ, thế nhưng tiền gửi bằng ngoại tệ của khách hàng tại Vietcombank vẫn giảm tới 7.360 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm xuống còn 135.932 tỷ đồng. 

Trong khi tổng tiền gửi của khách hàng lại tăng 8,6% lên 870.860 tỷ đồng, nên tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ trong tổng tiền gửi khách hàng của Vietcombank giảm nhanh từ mức 17,9% tại thời điểm cuối năm 2018 về còn 15,6% vào cuối quý II vừa qua.

Tương tự, trong 6 tháng đầu năm nguồn vốn huy động ngoại tệ của VietinBank cũng giảm 1.744 tỷ đồng xuống còn 54.211 tỷ đồng, kéo tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ trong tổng tiền gửi của khách hàng cũng giảm từ 6,8% xuống còn 6,4%. 

Tiền gửi ngoại tệ của BIDV cũng giảm 2.493 tỷ đồng xuống còn 47.847 tỷ đồng, kéo tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ giảm từ 5,1% xuống còn 4,5%...

Như vậy, chỉ tính riêng 3 NHTM Nhà nước lớn này, tiền gửi ngoại tệ đã giảm tới 11.597 tỷ đồng, tương đương giảm khoảng 500 triệu USD trong nửa đầu năm. Diễn biến trên cho thấy, dòng tiền tiết kiệm của người dân đang có xu hướng dịch chuyển sang tiền đồng.

Âu cũng là điều hợp lý khi mà nắm giữ tiền đồng mang lại lợi ích lớn hơn nhiều so với nắm giữ ngoại tệ. 

Quả vậy, hiện lãi suất huy động VND cao nhất lên tới 8,6 – 8,7%/năm; trong khi lãi suất huy động USD đã được giảm về còn 0% từ mấy năm nay, khiến cho việc nắm giữ USD chẳng những không mang lại lợi ích gì cho người dân, mà đôi khi còn gây ra nhiều phiền hà bởi phải mất công cất giữ, và khi có nhu cầu chi tiêu lại phải mang bán lấy tiền đồng mới có thể thanh toán được…

Lý do lớn nhất khiến người dân còn vương vấn với ngoại tệ chính là nỗi lo tiền đồng bị mất giá. Thế nhưng mấy năm nay, tỷ giá luôn được duy trì ổn định. Ngay như năm 2018 là năm tỷ giá được đánh giá biến động khá mạnh, nhưng tính chung cả năm tỷ giá trung tâm cũng chỉ tăng có 1,7%, còn tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tăng khoảng 2,7%.

 Tỷ giá những tháng đầu năm nay cũng được duy trì khá ổn định bất chấp những biến động của đồng USD và thị trường tài chính thế giới. Theo đó đến cuối tháng 6 tỷ giá trung tâm mới tăng 1,06%, trong khi tỷ giá tại các ngân hàng mới tăng có 0,5%.

Rõ ràng với mức chênh lệch lãi suất lớn như vậy thì ngay cả trong trường hợp tỷ giá năm nay có tăng tới 3% như kịch bản xấu nhất mà một số tổ chức dự báo thì giữ tiền đồng vẫn có lợi hơn rất nhiều so với nắm giữ ngoại tệ. 

Đó chính là lý do không ít người dân đã bán ngoại tệ lấy tiền đồng để gửi tiết kiệm. Nhờ đó, các TCTD mua ròng được ngoại tệ từ người dân và doanh nghiệp; còn NHNN mua ròng ngoại tệ từ các TCTD để bổ sung cho dự trữ ngoại hối quốc gia.

Không chỉ trên phương diện tiền gửi mà ngay cả trên phương diện tín dụng, tình trạng đô la hóa cũng đang giảm mạnh khi mà các TCTD đã chấm dứt cho vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu trong nước từ 1/4/2019 và sẽ tiếp tục dừng cho vay ngoại tệ trung - dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ 1/10 tới.

Việc thu hẹp dần tín dụng ngoại tệ, chuyển từ quan hệ vay mượn sang mua bán đã khiến các nhu cầu huy động ngoại tệ của các ngân hàng giảm mạnh. Trong khi lãi suất huy động USD được giảm về còn 0% và tỷ giá được duy trì ổn định cũng làm giảm nhu cầu nắm giữ ngoại tệ của người dân, doanh nghiệp. 

Tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế giảm mạnh lại hỗ trợ tích cực cho việc điều hành tỷ giá của NHNN.

Minh Trí