|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Siết vay ngoại tệ, chống đô la hóa

07:44 | 07/01/2019
Chia sẻ
 Thông tư 42/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng (NH) nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính về những quy định mới của Thông tư 42 trong việc thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ, theo hướng thu hẹp dần các đối tượng được vay…

Xem xét thời gian chấm dứt cho vay

PHÓNG VIÊN: - Ông nhận định như thế nào về các quy định mới cho vay ngoại tệ được NHNN đưa ra tại Thông tư 42?

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Tại Thông tư 42, thời hạn được phép vay ngoại tệ của các nhóm doanh nghiệp (DN) đã được đặt ra. Trong đó đáng chú ý là TCTD thực hiện cho vay bằng ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu trong nước, khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu để trả nợ vay đến hết ngày 31-3-2019; nhưng nếu vay ngắn hạn để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu không giới hạn thời gian; nếu cho vay trung hạn và dài hạn thực hiện đến hết ngày 30-9-2019.

Thông tư 42 là một bước hiện thực hóa chủ trương hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần từ quan hệ huy động - cho vay, sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, song nên có thời gian đủ để DN không gặp khó khăn.

NHNN cũng dỡ bỏ quy định giới hạn thời gian cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Tuy nhiên, khi được TCTD, chi nhánh NH nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD cho vay, theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán pháp luật quy định đồng tiền thanh toán phải bằng ngoại tệ.

Tôi cho rằng, việc định thời gian dừng cho vay ngoại tệ ngắn hạn đối với các DN nhập khẩu vào ngày 31-3-2019 và dừng cho vay trung và dài hạn vào ngày 31-9-2019, là quá sớm. Bởi NHNN mới đưa ra dự thảo sửa đổi Thông tư 24/2015 vào cuối tháng 11-2018, và sau hơn 1 tháng đã ban hành Thông tư 42, nhiều DN sẽ không kịp chuẩn bị kế hoạch thay thế vay ngoại tệ bằng vay nội tệ.

Trong khi đó, việc chuẩn bị kế hoạch này rất quan trọng đối với nhiều đơn vị. Tôi nghĩ NHNN xem xét thay đổi, chấm dứt cho vay ngoại tệ đối với nhóm này vào ngày 1-1-2020 để DN có 1 năm chuẩn bị.

Không ảnh hưởng thị trường ngoại tệ

- Theo ông, quy định mới có ảnh hưởng đến đến cung cầu của thị trường ngoại tệ trong thời gian tới?

- Với các DN xuất khẩu, NHNN không giới hạn thời gian cho vay ngoại tệ là điều tích cực. Vì DN xuất khẩu muốn cạnh tranh với hàng hóa trên thế giới, chi phí vốn phải được giảm xuống. Trong khi vay ngoại tệ lãi suất thấp hơn vay nội tệ, chẳng hạn lãi suất vay USD vào khoảng 4-5%/năm, vay VNĐ phải cao hơn mức này. Do đó, vay ngoại tệ giúp DN tiết kiệm được chi phí vốn, giúp giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn.

Việc DN vay USD để thanh toán chi phí trong nước có thể làm tăng nhu cầu ngoại tệ. Nhưng với quy định DN nhận tiền vay bằng VNĐ và trả nợ bằng USD sẽ không ảnh hưởng lớn đến thị trường ngoại tệ. Bởi khi trả nợ, DN phải trả bằng USD để cân đối sổ sách của NH và trả lại khoản vay cho các NH khác.

Với các DN xuất khẩu không nhập khẩu, chỉ mua hàng hóa trong nước để sản xuất rồi xuất khẩu, tức trên nguyên tắc không cần USD vì họ mua hàng hóa trong nước rồi xuất khẩu. Thế nhưng, do họ xuất khẩu nên có nguồn thu ngoại tệ.

Chính vì vậy, dù không nhập khẩu, không thanh toán bằng USD, chỉ mua hàng hóa nội địa, nhóm DN này cũng được phép vay ngoại tệ để hưởng lãi suất vay ngoại tệ, nhưng với điều kiện khi vay 100.000USD sẽ phải bán lại ngay 100.000USD đó cho NH cho vay để nhận tiền VNĐ.

Với nhóm DN này, tiền vay trên hợp đồng bằng USD nhưng họ không được nhận USD mà phải bán USD lại cho NH cho vay. Nghĩa là DN không lấy ngoại tệ ra, số ngoại tệ đó không đi vào lưu thông. Như vậy trên nguyên tắc, điều này sẽ không ảnh hưởng đến cung cầu ngoại tệ.

Xét trên thực tế, để cho vay 100.000USD, NH phải cân bằng nguồn vốn bằng cách vay USD từ NH khác hoặc NH nước ngoài. Sau đó NH cho DN vay và DN phải bán lại, NH sẽ có 100.000USD đó và có thể dùng để kinh doanh ngoại tệ. Khi NH cho DN vay ngoại tệ, cung cầu ngoại tệ cũng có ảnh hưởng do quan hệ vay mượn nói trên, nhưng cung cầu này sẽ được được cân bằng khi DN vay để sản xuất và xuất khẩu, sau đó nhận tiền hàng trả lại NH.

Đối với các DN nhập khẩu, cho vay ngoại tệ ngắn hạn sẽ dừng vào cuối tháng 3 và cho vay trung và dài hạn sẽ dừng vào cuối tháng 9, tức sau thời hạn đặt ra, các NH sẽ không cấp tín dụng mới cho các DN trong nhóm này. Tuy nhiên, khoản tín dụng cũ vẫn có thể kéo dài.

Vì nếu DN vay vào tháng 3 với thời hạn 3 tháng, số nợ đó sẽ kéo dài đến tháng 6 mới trả. Hay việc cấp tín dụng ngoại tệ vay trung và dài hạn đến hết tháng 9 mới hết hạn. Điều này có nghĩa từ tháng 10 không được cho vay nữa, nhưng thời hạn trả nợ đối với những món vay được giải ngân trong thời gian này có thể kéo dài đến 2-3 năm sau.

siet vay ngoai te chong do la hoa
Ảnh minh họa.

11 năm tới chấm dứt cho vay ngoại tệ

- Trong Chiến lược phát triển ngành NH Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030, có quy định việc kiểm soát chặt việc cho vay bằng ngoại tệ, giảm dần và có lộ trình chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ. Theo ông, lộ trình này sẽ thực hiện thế nào?

- Tôi đồng ý với quy định kiểm soát chặt việc cho vay bằng ngoại tệ, giảm dần và có lộ trình chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ. NHNN đang thực hiện bước đầu là dừng cho vay ngoại tệ ngắn hạn và trung hạn. Nhóm DN xuất khẩu vẫn được vay ngoại tệ nhưng có thể NHNN sẽ gia hạn mỗi năm 1 lần và sẽ dần đóng lại theo lộ trình.

Đồng thời, khi đó việc huy động cũng sẽ không bằng ngoại tệ nữa mà phải huy động bằng VNĐ. Kể cả người dân nhận kiều hối từ nước ngoài cũng sẽ nhận bằng nội tệ thay vì ngoại tệ như hiện nay.

Theo tôi, 11 năm nữa đủ thời gian để thực hiện chủ trương chống đô la hóa toàn diện. Tuy nhiên như tôi đã nói, chấm dứt cho vay ngoại tệ đối với DN nhập khẩu theo thời hạn nói trên quá sớm để DN chuẩn bị kế hoạch thay thế.

- Ông đã dự báo tỷ giá năm sau biến động khoảng 3%, nhưng nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, đồng NDT mạnh hơn, áp lực tăng tỷ giá USD/VNĐ rất lớn, và có thể VNĐ sẽ phải chịu áp lực tăng tỷ giá trên 3% vào năm 2019. Như vậy, khi chấm dứt vay ngoại tệ, các DN sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn?

- Đúng vậy. Trong tương lai, DN nhập khẩu phải vay VNĐ sau đó mua ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa sẽ chịu thiệt hại. Bởi DN sẽ phải vay nội tệ lãi suất cao, sau đó phải mua ngoại tệ để thanh toán hàng nhập khẩu. Lúc đó, nếu tỷ giá tăng lên do chiến tranh thương mại, DN sẽ chịu 2 tác động khiến chi phí đội lên.

Điều đó sẽ gây khó khăn cho DN. Hiện các NH đã cung cấp công cụ phái sinh để bảo đảm DN muốn mua ngoại tệ trong tương lai được cung cấp theo hợp đồng kỳ hạn. Công cụ này giúp giảm thiểu rủi ro cho DN vì tỷ giá tương lai được xác định ngay thời điểm này.

Tuy nhiên, sản phẩm phái sinh chưa được sử dụng phổ biến, vì DN Việt Nam thường có tâm lý “ăn may”, cho rằng NHNN giữ tỷ giá ổn định nên đến lúc cần mới mua ngoại tệ, thay vì ký hợp đồng kỳ hạn. Nguyên nhân do giá USD kỳ hạn cao hơn tỷ giá tại thời điểm ký hợp đồng nhiều.

Giá USD trên hợp đồng kỳ hạn dựa trên chênh lệch lãi suất VNĐ và USD, nếu chênh lệch lãi suất lớn sẽ đẩy giá kỳ hạn tương lai lên. Tuy nhiên, việc chấm dứt vay ngoại tệ như NHNN đặt ra sẽ đưa DN chuyển từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán ngoại tệ trong tương lai, cũng sẽ buộc DN sử dụng sản phẩm phái sinh nhiều hơn.

- Xin cảm ơn ông.

Theo lộ trình đến năm 2030, tức 11 năm tới việc chấm dứt cho vay ngoại tệ là hợp lý để thực hiện chủ trương hoàn toàn chống đô la hóa và chủ trương chỉ có 1 đồng nội tệ có thể giao dịch ở Việt Nam được huy động và cho vay. Khi đó, tất cả DN phải chuyển từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán, nghĩa là cần ngoại tệ sẽ đến NH mua.

Xem thêm

Yên Lam

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.