|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mục tiêu 2025, tất cả NHTM áp dụng Basel II tiêu chuẩn, năm 2030 xóa bỏ cơ bản đô la hóa nền kinh tế

15:34 | 11/08/2018
Chia sẻ
Theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến năm 2020 các NHTM cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II. Đến 2025, tất cả NHTM áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm Basel II theo phương pháp nâng cao. Đến 2030, thực hiện đồng bộ các giải pháp tiến tới xóa bỏ cơ bản tình trạng đô la hóa nền kinh tế.

Ngày 8/8, Chính phủ đã ban hành Quyết định số Quyết định 986/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

muc tieu 2025 tat ca nhtm ap dung basel ii tieu chuan nam 2030 xoa bo co ban do la hoa nen kinh te

Chiến lược nêu rõ quan điểm của Chính phủ coi hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động của các TCTD là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam.

Ổn định hoạt động của hệ thống TCTD đóng vai trò chủ chốt trong ổn định tiền tệ và ổn định tài chính, là điều kiện tiên quyết để ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững và phải được đảm bảo bằng sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, cùng sự phát triển hài hòa, cân đối giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. H

Hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đóng vai trò quan trọng góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước thông qua vai trò của NHNN kiến tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, ngân hàng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường.

Nhà nước can thiệp chủ yếu bằng công cụ thị trường, hoặc thông qua nguồn lực tài chính nhà nước. Hệ thống các TCTD, gồm mọi thành phần kinh tế, được đối xử bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật, hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở dưới mức 10%

Đối với NHNN, chiến lược đạt ra mục tiêu hiện đại hóa NHNN Việt Nam theo hướng: Có mô hình tổ chức hợp lý và cơ chế vận hành đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có đầy đủ vị thế pháp lý và trách nhiệm giải trình;

thực hiện mục tiêu ưu tiên là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; đảm bảo an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD, giữ vai trò chủ chốt bảo đảm ổn định tài chính; thực thi vai trò giám sát hệ thống thanh toán, là trung tâm thanh toán và quyết toán cho các hệ thống thanh toán và hệ thống giao dịch tài chính, tiền tệ trong nền kinh tế.

Chiến lược đặt mục tiêu tăng dần tính độc lập, chủ động và trách nhiệm giải trình của Ngân hàng Nhà nước về mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tăng cường năng lực thể chế, hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước; mở rộng phạm vi thanh tra, giám sát đến các tập đoàn tài chính dưới hình thức công ty mẹ - con, trong đó công ty mẹ là tổ chức tín dụng; đến cuối năm 2025, thanh tra, giám sát ngân hàng tuân thủ phần lớn các nguyên tắc giám sát ngân hàng hiệu quả theo Basel.

Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở dưới mức 10%; đến cuối năm 2025, con số này rút xuống còn 8%.

Tăng số lượng doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng do các tổ chức tín dụng cung ứng. Tập trung phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp phục vụ các nhóm dân cư chưa hoặc ít được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Giai đoạn 2018 – 2020 tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và TCTD yếu kém

Đối với hệ thống các TCTD: Chiến lược đề ra mụcc tiêu phát triển hệ thống các TCTD hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững; cấu trúc đa dang về sở hữu, quy mô, loại hình; dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiến tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025;

thích ứng với quá trình tự doa hóa và toàn cầu hóa; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày càng gia tăng của nền kinh tế, tiến tới tài chính toàn diện vào năm 2030, đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện với các dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững.

Cụ thể, phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thực trạng của hệ thống qua từng giai đoạn.

Giai đoạn 2018 – 2020 tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp theo cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; Tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Đến năm 2025 Tất cả NHTM áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn

Đến năm 2020: Phấn đấu đến năm 2020 các NHTM cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II; có ít nhất từ 1 – 2 NHTM nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực Châu Á. Đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các NHTM yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).

Giai đoạn 2021 – 2025: Nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt trong quản trị và trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á.

Tất cả NHTM áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm Basel II theo phương pháp nâng cao.

Tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh; tăng tỷ trọng tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án vay vốn tín dụng.

Từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế về tiền tệ ngân hàng, phục vụ cho phát triển ngành Ngân hàng, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế

Tiến tới xóa bỏ cơ bản tình trạng đô la hóa nền kinh tế đến năm 2030

Chiến lược đưa ra một loạt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập;

Tăng cường năng lực thể chế, nâng cao vị thế, tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của NHNN, trong đó có giải pháp cơ cấu lại tổ chức của hệ thống NHNN theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa cao, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, điều hành. Tiếp tục xắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả phù hợp với yêu cầu về cải cách hành chính và cung ứng dịch vụ tài chính.

Tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa các dịch vụ hành chính công.

Đổi mới khuôn khổ chính sách tiền tệ (CSTT), công tác quản lý ngoại hối và vàng. Khuôn khổ CSTT hướng đến mục tiêu cao nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; tăng tính độc lập của NHNN trong điều hành CSTT.

Đổi mới khuôn khổ quản lý ngoại hối theo hướng, tiếp tục thực hiện chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý, điều hành tỷ giá với mức độ linh hoạt cao hơn, bám sát diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo phù hợp các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT trong từng thời kỳ.

Đổi mới quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước phù hợp theo thông lệ quốc tế và quy mô dự trữ ngoại hối trong từng thời kỳ, đảm bảo hài hòa các mục tiêu an toàn, thanh khoản và sinh lời. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tiến tới xóa bỏ cơ bản tình trạng đô la hóa nền kinh tế đến năm 2030; triển khai thực hiện Đề án tự do hóa các giao dịch vốn phù hợp với lộ trình thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam đã được phê duyệt theo Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 11/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ…

Phát triển, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tạo cơ sở nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

Hoàn thiện mô hình hoạt động của VAMC, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

Phát triển hệ thống các TCTD đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế; có các giải pháp đối với loại hình TCTD là hợp tác xã và các tổ chức tài chính vi mô (TCTCVM) cho giai đoạn 2018 – 2020 và 2021 – 2025.

Theo đó, trong giai đoạn 2021 – 2025, hoàn thiện việc xây dựng Ngân hàng HTX thành ngân hàng của các quỹ tín dụng nhân dân nhằm liên kết, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống. Tiếp tục có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các TCTCVM phát triển, tăng số lượng các TCTCVM để gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ khách hàng, hỗ trợ việc triển khai Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.

Bên cạnh đó, Chiến lược còn đặt ra các giải pháp hoàn thiện mô hình các TCTC khác hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng như Ngân hàng Chính sách Xã hội, VAMC, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Chú trọng phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực của ngành Ngân hàng; tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông của NHNN, chú trọng xây dựng kế hoạch truyền thông của NHNN trong từng giai đoạn, góp phần minh bạch hóa quá trình điều hành chính sách, nâng cao nhận thức và gia tăng niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng.

Cùng với các chiến lược bộ phận và Đề án đã được ban hành, Chính phủ giao NHNN xây dựng và triển khai một số dự án Luật, Chiến lược bộ phận và Đề án cụ thể để thực hiện Chiến lược này.

Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng chương trình hành động và các phương án triển khai thực hiện; bố trí nguồn lực thực hiện; và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan để triển khai Chiến lược. Đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền về Chiến lược này và các chủ trương, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Toàn văn Quyết định 986/QĐ-TTg 2018 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến 2025, định hướng đến 2030

quyet-dinh-986-qd-ttg-2018-chien-luoc-phat-trien-nganh-ngan-hang.pdf

Xem thêm

Ánh Dương

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.