Kiểm soát nội bộ ngân hàng: quan trọng là khâu thực thi
Kiểm soát hoạt động đầu tư xây dựng và đất đai trên đảo Phú Quốc | |
Kiểm soát tín dụng bất động sản |
Không phải xây dựng được quy định chặt chẽ thì rủi ro sẽ tự nhiên giảm thiểu. Điều đó phụ thuộc nhiều hơn vào hiệu quả thực thi các quy định. Ảnh: THÀNH HOA |
Khuôn khổ pháp lý trong quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II
Tiêu chuẩn Basel II hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng và sự ổn định của hệ thống ngân hàng, được đo lường bằng ba trụ cột chính: (1)quy định về việc đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm bù đắp tổn thất khi rủi ro xảy ra; (2) quy định về việc nâng cao năng lực điều hành, kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro nhằm bảo đảm sự an toàn và phát triển bền vững của từng TCTD nói riêng và an toàn hệ thống nói chung; (3) quy định về kỷ luật thị trường, công khai, minh bạch thông tin.
Để triển khai trụ cột thứ nhất của Basel II (về việc đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (thực hiện tính toán theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II). Đối với trụ cột thứ hai và thứ ba, hệ thống các TCTD cũng cần có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ trong công tác kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, kiểm toán nội bộ, giúp ngăn ngừa và cảnh báo rủi ro.
NHNN cũng phải nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát, đồng thời có biện pháp giảm thiểu quyền lực của một số ít cổ đông lớn trong các TCTD thì mới đảm bảo không phát sinh thêm các ngân hàng yếu kém như các năm vừa qua.
Thực tế thời gian vừa qua, những yếu kém, tồn tại về quản trị, điều hành và vi phạm pháp luật trong hoạt động bộc lộ tại nhiều TCTD chưa được kịp thời khắc phục, xử lý. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng quản trị rủi ro tại các TCTD. Về vấn đề này, NHNN đánh giá: Vai trò của quản lý rủi ro tại nhiều TCTD chưa được coi trọng; nguồn nhân lực quản lý rủi ro còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu về quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế; cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn đầu tư cho quản lý rủi ro chưa đầy đủ; quy trình nhận dạng, đo lường, kiểm soát rủi ro chưa được thực hiện đồng bộ, hiệu quả hoạt động thấp; nguồn nhân lực cho công tác quản lý rủi ro còn thiếu. Đối với kiểm toán nội bộ, bộ phận kiểm toán nội bộ của một số TCTD thậm chí còn chưa có đủ thành viên, yếu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; quy trình kiểm toán nội bộ chưa được xây dựng; phương pháp kiểm toán nội bộ không định hướng theo rủi ro (risk-focused); hoạt động của bộ phận kiểm toán nội bộ chưa đảm bảo tính khách quan, độc lập, từ đó dẫn đến hiệu quả hoạt động của kiểm toán nội bộ thấp.
Sau hơn một năm dự thảo, mới đây NHNN đã ban hành Thông tư số 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ trong công tác kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro (bao gồm cả đánh giá nội bộ về mức đủ vốn), kiểm toán nội bộ của TCTD theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế, giúp ngăn ngừa và cảnh báo rủi ro; góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát của NHNN đối với các TCTD nhằm giảm bớt các sai phạm, khả năng tổn thất, nguy cơ mất khả năng thanh toán, đổ vỡ của hệ thống ngân hàng.
Thông tư 13 là sự bổ sung cần thiết cho Thông tư 44/2011/TT-NHNN (ngày 29-12-2011) vốn mang tính khái quát, chưa đủ chi tiết, đặc biệt là các nội dung liên quan tới đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (nhằm thực hiện trụ cột thứ hai khi triển khai Basel II).
Quan trọng vẫn là thực thi
Hệ thống kiểm soát nội bộ theo quy định mới tại Thông tư 13 sẽ được mở rộng bao trùm lên năm lĩnh vực: giám sát và quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn và kiểm toán nội bộ. Để đáp ứng Thông tư 13, các TCTD cần phải rà soát, chỉnh sửa lại các quy định, quy trình thực thi kiểm soát nội bộ. Đối với từng TCTD, trong khuôn khổ hoạt động của mình, tất yếu cần có những quy định đầy đủ hơn nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở nền tảng quy định tại thông tư này.
Những quy định kiểm soát nội bộ là cần thiết, tuy nhiên không phải xây dựng được quy định chặt chẽ thì rủi ro sẽ tự nhiên giảm thiểu. Điều đó phụ thuộc nhiều hơn vào hiệu quả thực thi các quy định.
Những năm vừa qua, mặc dù ngân hàng nào cũng có bộ phận kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ và các quy định quản trị rủi ro nhưng các vụ vi phạm quy định về cho vay, huy động vốn, ngân quỹ xảy ra ngày càng nhiều. Đáng báo động, có những vụ việc diễn ra dai dẳng trong nhiều năm và chỉ vỡ lở khi người vi phạm mất khả năng chi trả, bỏ trốn hoặc các khoản vay phát sinh nợ xấu, chứ không phải được phát hiện nhờ công tác kiểm tra, kiểm soát.
Một thủ quỹ làm sao dám “thụt két” nếu giám đốc chi nhánh và kế toán trưởng thực hiện đúng quy định kiểm quỹ hàng ngày? Một khách hàng vay liệu có dễ dàng lừa ngân hàng nếu ngân hàng thực hiện đầy đủ các khâu thẩm định, kiểm tra trước, trong và sau giải ngân? Một giám đốc phòng giao dịch liệu có thể dễ dàng rút hàng ngàn tỉ đồng tiền tiết kiệm của khách hàng nếu các giao dịch viên không cả nể, làm sai quy định về giao dịch tiền gửi?
Trong những trường hợp sai phạm kể trên, cũng không thể không nhắc đến trách nhiệm của bộ phận kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ khi không nhận diện được rủi ro đến từ bộ phận kinh doanh.
Nghiêm trọng hơn, đối với hầu hết các TCTD yếu kém, toàn bộ ban kiểm soát, kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ hoàn toàn bị vô hiệu hóa. Kết quả điều tra cho thấy các đơn vị này không hề có cảnh báo về sai phạm và rủi ro trước khi TCTD bị NHNN phát hiện sai phạm. Điểm chung của những sai phạm chính yếu dẫn các TCTD yếu kém đến bờ vực là đều xuất phát từ các lãnh đạo cấp cao. Thực tế diễn ra tại nhiều TCTD Việt Nam là quyền lực tập trung gần như tuyệt đối cho một vị lãnh đạo. Điều này xuất phát từ tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần chi phối của những cá nhân này (mặc dù thực trạng sở hữu chéo trên danh nghĩa đã giảm nhiều so với trước đây). Chính vì quyền biểu quyết cao, họ dễ dàng quyết định nhân sự và chi phối hoạt động của ban kiểm soát, kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ. Trong những trường hợp này, các quy định, quy trình kiểm soát nội bộ dù có chặt chẽ cũng khó bảo vệ TCTD khỏi những rủi ro do chính các cổ đông lớn gây ra.
Do đó, quy định, quy trình chặt chẽ chỉ là điều kiện cần chứ không đảm bảo hiệu quả kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro. TCTD cần rà soát, cập nhật kịp thời và quan trọng hơn là phải đảm bảo thực thi đầy đủ các quy định, quy trình này thì mới mong kiểm soát được rủi ro. NHNN cũng phải nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát, đồng thời có biện pháp giảm thiểu quyền lực của một số ít cổ đông lớn trong các TCTD thì mới đảm bảo không phát sinh thêm các ngân hàng yếu kém như các năm vừa qua.
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/