Kiểm soát rủi ro nội bộ tổ chức tín dụng trước áp lực Basel II
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Hiện các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang thực hiện việc kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ theo quy định tại Thông tư 44/2011/TT-NHNN. Theo đó, các TCTD đã bước đầu xây dựng và thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro.
Thông tư 44 được xem là văn bản đầu tiên của NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Do đó, văn bản này chỉ mới mang tính khái quát nên các quy định nội bộ có liên quan của TCTD còn sơ sài và chưa đủ nội dung cần thiết về đánh giá nội bộ mức độ vốn nhằm thực hiện trụ cột II khi triển khai Basel II.
Theo trụ cột II của Basel II đến năm 2020, các TCTD phải đáp ứng quy định về nâng cao năng lực điều hành, kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro (bao gồm đánh giá nội bộ về mức đủ vốn – ICAAP) của TCTD để bảo đảm sự an toàn và phát triển bền vững của TCTD nói riêng và hệ thống nói chung. |
Bên cạnh đó, để cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, ngay từ đầu năm nay, chỉ thị 02/CT-NHNN (ngày 10/1/2017) của NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản trị và hoạt động cho phù hợp với thông lệ, chuẩn mực… trong đó có quy định về quản trị rủi ro của các TCTD.
Một thực tế khác mà cơ quan giám sát NHNN chỉ ra là vai trò quản lý rủi ro tại nhiều TCTD chưa được coi trọng, nguồn nhân lực quản lý rủi ro hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thông lệ quốc tế; cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đầy đủ; quy trình nhận dạng, đo lường, kiểm soát rủi ro còn kém hiệu quả.
Ngoài ra, theo thông lệ quốc tế của Ủy ban Basel đang được nhiều quốc gia (như Anh, Mỹ, Úc) áp dụng thì TCTD cần phải xây dựng, vận hành quy trình quản lý rủi ro với sự tham gia của Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban điều hành để nhận dạng, đo lường, đánh giá, giám sát, báo cáo, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro.
Như vậy, trong dự thảo này, NHNN xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ gồm 5 phần:
(i) Giám sát của quản lý cấp cao (bao gồm sự giám sát của HĐQT, HĐTV, ngân hàng mẹ, BKS và Ban điều hành);
(ii) Kiểm soát nội bộ (bao gồm hoạt động kiểm soát nội bộ, hệ thống thông tin quản lý và cơ chế chia sẻ thông tin);
(iii) Quản lý rủi ro (bao gồm nhận dạng, đo lường, theo dõi, báo cáo và kiểm soát rủi ro đối với các rủi ro bao gồm: rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động, rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng và rủi ro tập trung);
(iv) Đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP);
(v) Kiểm toán nội bộ.
Trong đó, các phần (i), (iii), (iv) là hoàn toàn mới so với Thông tư 44.
So với quy định hiện hành, phạm vi áp dụng của dự thảo được mở rộng đối với TCTD phi ngân hàng (công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính). Đồng thời xác định cụ thể loại hình ngân hàng trong nằm trong quy định gồm ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
Theo đó, nội dung của phần (iii) về Quản lý rủi ro trong dự thảo nêu rõ, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tối thiểu phải có hệ thống quản lý rủi ro đối với rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. TCTD phi ngân hàng tối thiểu phải có hệ thống quản lý rủi ro đối với rủi ro tín dụng và rủi ro hoạt động.
Về mặt giải thích từ ngữ, so với dự thảo cũ chỉ có 4 từ (gồm Hệ thống kiểm soát nội bộ, Kiểm toán nội bộ, Kiểm toán viên nội bộ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh) thì dự thảo mới nêu thêm hàng loạt định nghĩa về các loại rủi ro, quyết định tín dụng, ban điều hành, bộ phận kinh doanh, bộ phận quản lý rủi ro, ngân hàng mẹ...
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/