Chủ động phòng vệ trước những rủi ro tỷ giá
Ông Ngô Đăng Khoa
Xu hướng giảm lãi suất đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Dưới góc nhìn của ngân hàng thương mại, ông có đánh giá như thế nào về những tác động từ xu hướng giảm lãi suất toàn cầu tới kinh tế Việt Nam?
Thương mại - vốn là động cơ chính thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu nói chung, trong đó có Việt Nam - đang bị ảnh hưởng khá tiêu cực từ chu kỳ sụt giảm nhu cầu toàn cầu, cộng thêm ảnh hưởng về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Có thể thấy rõ, nếu hai quốc gia này không đạt được thỏa thuận hoặc không đưa ra được lộ trình rõ ràng về đàm phán thương mại, thì những áp lực đè nặng lên xuất khẩu sẽ hiện rõ, đặc biệt trong ngắn hạn, bất kể việc có thể có các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hiện tại, kinh tế vĩ mô Việt Nam đang vẫn thể hiện bức tranh lạc quan, với đà tăng trưởng trong đầu tư và xuất nhập khẩu, lạm phát bình quân vẫn ở mức thấp dưới mức mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra.
Thị trường tiền tệ trong nước nói chung, diễn biến tỷ giá USD/VND nói riêng, trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?
Trong bối cảnh giảm lãi suất của hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới và cả trong khu vực, dù Ngân hàng Nhà nước chưa thực hiện cụ thể hóa điều chỉnh lãi suất điều hành nhưng đã giảm lãi suất tín phiếu 25 điểm phần trăm xuống 2,75%/năm cho kỳ hạn ngắn 7 ngày khi thanh khoản tiền Đồng trên thị trường liên tục dồi dào, đồng thời duy trì dư địa cho chính sách tiền tệ được điều hành theo hướng linh hoạt, dễ dàng ứng phó với những bất ổn từ trong và ngoài nước.
Trên thị trường 1 (tổ chức kinh tế và dân cư), một loạt ngân hàng thương mại lớn trong nước cũng tuyên bố giảm lãi suất cho vay vào một số lĩnh vực ưu tiên ngay từ đầu tháng 8 này.
Còn về tỷ giá. Sau một loạt sự kiện kinh tế - chính trị, mà điển hình là việc Tổng thống Mỹ bất ngờ tuyên bố áp 10% thuế lên phần còn lại của 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, các đồng tiền trong khu vực mất giá khá nhanh kể từ đầu tháng 8, kéo theo sau đó là cặp tỷ giá USD/CNY vượt ngưỡng 7,0 lần đầu tiên kể từ 2008. Ngay lập tức Trung Quốc bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ.
Trong bối cảnh đó hàng loạt các đồng tiền trong khu vực châu Á cùng chung xu hướng mất giá mạnh so với đồng bạc xanh như: đồng Won Hàn Quốc (-8,7%), đồng Đô-la Đài Loan (-2,5%), đồng Rupee Ấn Độ (-2,07%)....
Bất chấp những biến động trên thị trường quốc tế, tỷ giá USD/VND tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tương đối ổn định. Tính riêng từ đầu năm đến nay, VND là đồng tiền ổn định nhất trong khu vực châu Á khi chỉ mất giá không đáng kể (tương đương chỉ khoảng 0,1%).
Kết quả này đến từ các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, cán cân thương mại tương đối cân bằng, dòng vốn đầu tư và kiều hối tích cực cùng với niềm tin nhà đầu tư không chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bất chấp các yếu tố bất ổn trên thị trường quốc tế. Tỷ giá ổn định là yếu tố cần thiết giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể hoạch định kế hoạch kinh doanh và duy trì tâm lý tích cực.
Theo ông, doanh nghiệp Việt cần làm gì để đối mặt với những thách thức từ chu kỳ giảm lãi suất toàn cầu đang diễn ra?
Sự sụt giảm về kinh tế thế giới đến từ chu kỳ giảm sút nhu cầu toàn cầu cùng với sự leo thang về chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại và những bất ổn địa chính trị kéo dài tiếp tục tạo ra những bất ổn khó lường cho thị trường tiền tệ và môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.
Biến động lãi suất theo đó vẫn còn chứa đựng nhiều ẩn số, vì vậy đối với doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, và/hoặc các doanh nghiệp có hoạt động phụ thuộc nhiều vào biến động lãi suất – tỷ giá cần chủ động trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ rủi ro thông qua các sản phẩm phái sinh trong khuôn khổ Ngân hàng Nhà nước cho phép.