|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ICO: Giá cà phê thế giới tăng tháng thứ 10 liên tiếp

11:23 | 10/09/2021
Chia sẻ
Giá cà phê thế giới đạt mức cao mới trong tháng 8 do lo ngại nguồn cung sụt giảm và chi phí vận chuyển ngày càng tăng.

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), trong tháng 8 giá cà phê thế giới ghi nhận tháng tăng thứ 10 liên tiếp do lo ngại nguồn cung trong bối cảnh điều kiện khí hậu bất lợi ở các nước sản xuất lớn và chi phí vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng cao.

Bên cạnh đó, các biện pháp phong tỏa do dịch COVID-19 tại châu Á làm gián đoạn dòng chảy thương mại.

Chỉ số giá cà phê tổng hợp trung bình hàng tháng của ICO trong tháng 8 theo đó tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2014 với 160,14 US cent/pound, tăng 5,2% so với tháng 7 và tăng 51,3% so với đầu niên vụ cà phê hiện tại (tháng 10/2020).

ICO cho rằng mức tăng ổn định quan sát được kể từ đầu niên vụ cà phê 2020-2021 cho thấy sự phục hồi của giá cà phê thế giới sau ba năm duy trì ở mức thấp. Trong đó, giá cà phê arabica ghi nhận mức tăng đáng kể trong khi cà phê robusta chỉ tăng vừa phải.

Trong tháng 8, nhóm cà phê tự nhiên Brazil ghi nhận mức tăng giá cao nhất khi tăng tới 8,9% so với tháng trước lên 175 US cent/pound, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. 

Tương tự, giá cà phê arabica Colombia tăng 3% so với tháng trước lên 225,4 US cent/pound, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 2/2012. Từ đầu niên vụ đến nay giá cà phê arabica Colombia đã tăng tới 46%.

Ngoài ra, giá của nhóm cà phê arabica khác cũng tăng 6% lên 216,2 US cent/pound.

Tuy nhiên, đà tăng giá của cà phê robusta có phần chậm hơn khi chỉ tăng 0,9% so với tháng trước, đạt 95,18 US cent/pound trong tháng 8/2021.

Do đó, sự chênh lệch giá giữa cà phê arabica và cà phê robusta trên thị trường kỳ hạn New York và London tăng 11,2% lên mức 97,20 US cent/pound vào tháng 8 so với 87,4 US cent/pound của tháng 7.

Giá cà phê biến động mạnh do ảnh hưởng của đợt sương giá gần đây tại các vành đai cà phê của Brazil, trong khi các biện pháp phong tỏa kiểm soát dịch COVID-19 tại châu Á có thể ảnh hưởng đến thương mại cà phê làm gia tăng lo ngại về nguồn cung.

ICO: Giá cà phê thế giới tăng tháng thứ 10 liên tiếp - Ảnh 1.

Chỉ số giá cà phê hàng ngày được theo dõi bởi ICO. (Nguồn: ICO)

Cán cân cung cầu thu hẹp

Theo dự báo của ICO, sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020-2021 đạt 169,6 triệu bao (loại 60 kg/bao), tăng nhẹ 0,4% so với 169 triệu bao của niên vụ trước.

Trong đó, sản lượng cà phê arabica dự kiến tăng 2,3% lên 99,3 triệu bao, trong khi sản lượng cà phê robusta giảm 2,1% xuống mức 70,4 triệu bao.

Sản lượng cà phê của khu vực châu Phi dự kiến tăng nhẹ 0,1% so với niên vụ trước lên 18,72 triệu bao trong niên vụ 2020-2021; Sản lượng ở châu Á và châu Đại Dương được dự báo giảm 1,1% xuống còn 49 triệu bao; Sản lượng tại Trung Mỹ và Mexico cũng giảm 2,1% xuống 19,2 triệu bao.

Riêng sản lượng cà phê tại khu vực Nam Mỹ dự kiến tăng 1,9% so với niên vụ trước lên 82,79 triệu bao.

Tuy nhiên, đang có những lo ngại về sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ 2021-2022 do sản xuất của nước này được dự báo giảm đáng kể bởi hạn hán và cây cà phê arabica bước vào chu kỳ cho sản lượng thấp. Trong khi đó, đợt sương giá gần đây đã làm thiệt hại một lượng đáng kể cây cà phê, ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng sản xuất của nước này.

Xét theo từng quốc gia, sản lượng cà phê của 10 quốc gia lớn nhất, chiếm hơn 89% sản lượng thế giới dự kiến sẽ tăng 1,1% từ 149,7 triệu bao của niên vụ trước lên 151,4 triệu bao trong niên vụ 2020-2021. Trong đó, sản lượng của hầu hết nhà sản xuất đều tăng nhưng riêng Việt Nam và Peru giảm lần lượt là 5% và 0,8%.

ICO: Giá cà phê thế giới tăng tháng thứ 10 liên tiếp - Ảnh 2.

Nguồn: ICO

Về tiêu thụ, theo báo cáo của ICO, tiêu thụ cà phê thế giới trong niên vụ 2020-2021 dự kiến đạt 167,01 triệu bao, tăng 1,9% so với niên vụ 2019-2020, nhưng vẫn thấp hơn 0,3% so với niên vụ 2018-2019 - thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Với việc các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 đang được nới lỏng và triển vọng kinh tế tiếp tục đà hồi phục, tiêu dùng cà phê thế giới dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Trong 10 năm qua tăng trưởng trung bình tiêu dùng cà phê của thế giới là 1,9%/năm. Đối với niên vụ cà phê 2020-2021, tiêu thụ ở các nước nhập khẩu dự kiến sẽ tăng 2,3%, lên 116,5 triệu bao; trong khi tiêu thụ nội địa ở các nước sản xuất cà phê dự kiến sẽ tăng 1% lên 50,5 triệu bao.

Tỷ trọng tiêu thụ nội địa ở các nước sản xuất cà phê chiếm 30,2% trong tổng tiêu thụ cà phê toàn cầu niên vụ 2020-2021, con số này dự kiến sẽ cao hơn nữa trong tương lai do mức sống của người dân ngày càng tăng.

Như vậy cán cân cung - cầu cà phê thế giới dự kiến sẽ thắt chặt do tổng cung được dự báo chỉ cao hơn 1,6% so với nhu cầu trong niên vụ 2020-2021, thấp hơn mức 3,1% trong niên vụ 2019-2020.

Với việc nguồn cung từ Brazil sẽ giảm đáng kể do ảnh hưởng của đợt băng giá gần đây và các vấn đề về khí hậu ở nhiều nước xuất khẩu khác, tổng nguồn cung cà phê thế giới có thể sẽ giảm xuống dưới mức tiêu thụ thế giới trong niên vụ 2021-2022.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu tiếp tục tăng

Báo cáo của ICO cũng cho thấy, tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 7/2021 đạt 10,7 triệu bao, tăng 1,7% so với 10,5 triệu bao của tháng 7/2020. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn 4,4% so với 11,9 triệu bao của tháng 7/2019, thời điểm trước đại dịch.

Xuất khẩu cà phê xanh trong tháng 7/2021 tăng 3,3% so với tháng trước lên 9,7 triệu bao nhờ vào mức tăng xuất khẩu của nhóm cà phê arabica Colombia, arabica khác và robusta bù đắp cho sự suy giảm của cà phê tự nhiên Brazil.

Cà phê nhân xanh chiếm 91,2% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 7/2021, tăng so với tỷ trọng 89,8% của tháng 7/2020.

Bên cạnh đó, xuất khẩu cà phê rang xay cũng tăng khá mạnh 18,3% so với tháng trước lên 64.000 bao trong tháng 7. Ngược lại, xuất khẩu cà phê hòa tan giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 870.000 bao.

Tính chung 10 tháng đầu niên vụ 2020-2021 (tháng 10 năm 2020 đến tháng 7 năm 2021) xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 108,96 triệu bao, tăng 2,2% so với 106,63 triệu bao cùng kỳ niên vụ 2019-2020.

Trong đó, xuất khẩu cà phê arabica trong 10 tháng đầu niên vụ 2020-2021 tăng 6,1% lên 69,7 triệu bao, trong khi xuất khẩu cà phê robusta giảm 4,2% xuống 39,3 triệu bao.

ICO: Giá cà phê thế giới tăng tháng thứ 10 liên tiếp - Ảnh 3.

Nguồn: ICO

Xét theo khu vực, xuất khẩu cà phê của khu vực châu Phi trong 10 tháng đầu niên vụ 2020-2021 đạt 11,5 triệu bao, giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ niên vụ trước. Trong khu vực này, xuất khẩu tăng ở Uganda (20,5%), Tanzania (22,7%) và Kenya (11,6%) và giảm 15,9% và 48,1% ở Ethiopia và Bờ Biển Ngà.

Từ tháng 10/2020 đến tháng 7/2021, xuất khẩu cà phê của khu vực châu Á và châu Đại Dương đạt 32,4 triệu bao, giảm 5,2% so với cùng kỳ niên vụ trước. Theo đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 9,8%, trong khi Ấn Độ và Indonesia tăng 4,5% và 4,9%. Các biện pháp ngăn chặn đại dịch COVID-19 gần đây dự kiến sẽ khiến sản xuất và xuất khẩu của của Việt Nam chậm lại.

Xuất khẩu của khu vực Trung Mỹ và Mexico trong 10 tháng đầu niên vụ cà phê 2020-2021 tăng 1,4% so với cùng kỳ niên vụ trước lên 14,6 triệu bao. Trong đó, xuất khẩu giảm 7,8% tại Nicaragua nhưng tăng lần lượt 7,5%, 5,3% và 2,5% ở Mexico, Guatemala và Costa Rica. Ngoài ra, Honduras cũng ghi nhận mức tăng nhẹ 0,7%.

Còn tại khu vực Nam Mỹ, xuất khẩu cà phê của khu vực này tăng 8,3% từ 46,6 triệu bao của cùng kỳ niên vụ trước lên 50,5 triệu bao trong 10 tháng đầu niên vụ 2020-2021. Trong khu vực này, xuất khẩu của Brazil tăng 12,1% lên 37,2 triệu bao, trong khi Colombia ghi nhận mức giảm 0,4%.

Hoàng Hiệp