|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hướng đi mới cho những giàn khoan dầu hoen rỉ ngoài đại dương

20:23 | 11/02/2021
Chia sẻ
Khi các giàn khoan dầu khí ngoài khơi ngừng hoạt động, chúng vẫn có thể trở nên hữu ích thay vì trở thành đống sắt vụn phải rất tốn kém mới có thể vận chuyển vào đất liền.

Giàn khoan dầu Platform Holly nổi tiếng chỉ nằm cách bờ biển Santa Barbara (bang California, Mỹ) vài dặm. Cho đến nay, Platform Holly đã có tuổi đời hơn 55 năm. Trên mặt nước, giàn khoan đã ngưng hoạt động này trông buồn tẻ và không còn dấu hiệu của sự sống. Song, quang cảnh bên dưới mặt nước lại rất khác.

Bên dưới những con sóng, hàng đàn cá, cua, sao biển và trai nhiều màu sắc đang tập trung quanh những cột thép khổng lồ của Platform Holly. Các cột thép này kéo dài hơn 120m xuống tận đáy đại dương.

Theo thống kê của BBC, trên toàn thế giới hiện có hơn 12.000 giàn khoan khai thác dầu khí ngoài khơi. Khi cạn kiệt trữ lượng dưới biển, giàn khoan sẽ bị loại bỏ vì không còn có thể bơm thêm dầu cho nhà khai thác.

Câu hỏi lớn đặt ra là chúng ta phải làm gì với những kết cấu khổng lồ này khi nhiên liệu hóa thạch ngừng chảy. Trong bối cảnh kiềm chế biến đổi khí hậu đang dần trở thành một chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự quốc tế và nghi vấn thế giới đã vượt qua đỉnh dầu, số lượng giàn khoan ngừng hoạt động trên đại dương sẽ ngày càng lớn.

Tháo gỡ giàn khoan đưa vào đất liền là một khối công việc vô cùng tốn kém và hao tổn nhân lực, BBC lưu ý. Để chúng rỉ sét và hư hỏng có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển.

Tuy nhiên, có một cách để giúp các giàn khoan dầu cũ trở nên hữu ích hơn: phát triển các rạn san hô bên dưới kết cấu bằng thép của giàn khoan. Những giàn khoan ngoài khơi như Platform Holly trên thực tế là môi trưởng sống thuận lợi nhất do chính con người tạo ra cho sinh vật biển.

Hướng đi mới cho những giàn khoan dầu hoen rỉ ngoài đại dương - Ảnh 1.

Một giàn khoan dầu cũ kỹ bên ngoài đại dương. (Ảnh minh họa: Getty Images).

Riêng tại Mỹ, hoạt động chuyển đổi giàn khoan dầu thành rạn san hô đã có từ gần 40 năm trước. Năm 1984, Quốc hội Mỹ đã ban hành Đạo luật Nâng cao Ngành Cá Quốc gia nhằm công nhận những lợi ích mà các rạn san hô nhân tạo mang lại và khuyến khích các bang lập kế hoạch biến gian khoan ngưng hoạt động thành rạn san hô.

5 bang ven biển trên Vịnh Mexico, gồm Alabama, Florida, Louisiana, Mississippi và Texas đều có các chương trình biến giàn khoan thành rạn san hô và đã chuyển đổi hơn 500 công trình như vậy.

Khi các công ty dầu khí ngừng khoan dầu tại 5 bang trên, họ niêm phong các giếng dầu. Sau đó, những doanh nghiệp này có thể chọn loại bỏ toàn bộ giàn khoan hoặc chuyển đổi giàn khoan thành rạn san hô bằng cách chỉ loại bỏ phần trên của giàn khoan.

Chuyển đổi giàn khoan thành rạn san hô là một đề xuất hấp dẫn cho các công ty dầu khí vì phương án này ít tốn kém hơn nhiều so với loại bỏ toàn bộ. Ước tính, hướng đi mới có thể giúp ngành công nghiệp dầu khí tiết kiệm hàng triệu USD mỗi năm, theo BBC.

Những người ủng hộ cho rằng đây là tình huống đôi bên cùng có lợi, khi mà các công ty dầu khí chỉ cần chi một nửa khoản tiền tiết kiệm được từ việc tháo dỡ giàn khoan cho chương trình xây dựng rạn san hô của các bang.

Hơn nữa, do sở hữu đa dạng sinh vật biển, các giàn khoan dầu khí ở Vịnh Mexico đã trở thành điểm nóng cho hoạt động lặn biển và câu cá giải trí. Ngành dịch vụ nhờ đó cũng được hưởng lợi.

Theo nhà sinh vật biển Milton Love, người đã dành 20 năm nghiên cứu các quần thể cá xung quanh các giàn khoan dầu khí ở California, giàn khoan ngoài khơi là một trong những môi trường sống tốt nhất cho nhiều loài cá. Đối với một số loài, giàn khoan thậm chí còn là nơi sinh sản thuận lợi hơn các rạn san hô tự nhiên, bà Love lưu ý.

Các quần thể cá xuất hiện đa dạng ở những giàn khoan ngoài khơi California một phần là do giàn khoan đóng vai trò như một khu bảo tồn biển thực sự. Tại California, việc đánh bắt cá quanh các giàn khoan dầu khí đều bị cấm.

Bà Chris Lowe, một nhà sinh vật học đại dương tại Đại học bang California, cho biết có bằng chứng rõ ràng cho thấy cá bị thu hút về các giàn khoan dầu khí.

Song, công chúng lo ngại rằng khoản tiền mà các công ty dầu mỏ tiết kiệm được khi tham gia chương trình chuyển đổi giàn khoan có thể giúp họ mở rộng quy mô khai thác.

Dù vậy, tổ chức Blue Latitudes của hai nhà khoa học Emily Hazelwood và Amber Sparks khẳng định mục đích của chương trình mới là bảo vệ hệ sinh thái biển bằng cách đưa ra giải pháp thay thế cho việc gỡ bỏ giàn khoan chứ không phải để thúc đẩy ngành dầu mỏ.

Khả Nhân