|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

BSC: Hoá chất Đức Giang hưởng lợi từ nhu cầu sản xuất các thiết bị 5G trong năm 2021

09:53 | 24/02/2021
Chia sẻ
Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán BSC đánh giá triển vọng kinh doanh tích cực của CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (Mã: DGC) trong năm 2021 do nhu cầu sản xuất các thiết bị 5G thúc đẩy nhu cầu về phốt pho vàng.

Phốt pho là một nguyên tố hoá học được sử dụng trong nhiều lĩnh vực điện tử, bán dẫn, y tế, thức ăn chăn nuôi,… Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, phốt pho được thêm vào để tăng khả năng dẫn điện của linh kiện điện tử. Do đó, sản lượng sản xuất chất bán dẫn (chip) sẽ tỷ lệ thuận với sản lượng sử dụng phốt pho.

Trong năm 2021, BSC cho rằng sản lượng sản xuất chip tiếp tục tăng trưởng nhờ nhu cầu đối với các thiết bị 5G tiếp tục tăng mạnh, thay thế cho các thiết bị 3G/4G. Mặt khác, thiết bị 5G sẽ cần nhiều hơn 30 – 40% số lượng chip so với thiết bị 4G.

Dựa vào suy luận này, BSC đánh giá Hoá chất Đức Giang trong năm 2021 sẽ có triển vọng kinh doanh tích cực do nhu cầu về phốt pho vàng tăng cao được thúc đẩy bởi nhu cầu sản xuất các thiết bị 5G.

Hoá chất Đức Giang hưởng lợi từ nhu cầu sản xuất các thiết bị 5G trong năm 2021 - Ảnh 1.

Thực tế, trong năm 2020, Lào Cai - địa phương sản xuất phốt pho lớn nhất Việt Nam ghi nhận giá trị xuất khẩu đạt 232 triệu USD, tăng 16,5% so với năm 2019. Trong khi đó, Hàn Quốc và Đài Loan - hai quốc gia có thế mạnh về sản xuất chip đều ghi nhận giá trị nhập khẩu phốt pho từ Việt Nam tăng mạnh, lần lượt là 12.6% và 21.6%.

Riêng doanh nghiệp sản xuất chip lớn nhất thế giới là TSMC (Đài Loan) cho biết công ty đang hoạt động hết công suất và có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới để phục vụ nhu cầu khách hàng.

Đối với sản phẩm khác như phân bón, trước nhu cầu thiếu hụt nguồn cung trên thế giới, BSC dự báo trong năm 2021, giá DAP sẽ tăng 53,2% và giá MAP tăng 58,3% so với năm 2020. Các sản phẩm phân bón DAP và MAP chiếm 8,1% tổng doanh thu của Hoá chất Đức Giang trong 9 tháng đầu năm ngoái.

Bên cạnh đó, công ty Chứng khoán BSC cũng đưa ra cảnh báo về những rủi ro của DGC trong năm 2021, gồm rủi ro liên quan đến chính sách thuế và chi chi phí đầu vào tăng.

Trong đó, BSC đánh giá rằng rủi ro liên quan đến chính sách thuế là rủi ro lớn và ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn và  rất khó để dự đoán được rủi ro này trong tương lai. Trong quá khứ, tỉnh Lào Cai đã từng đề xuất tăng thuế xuất khẩu phốt pho vàng từ 5% lên 20% và thông tin này đã có ảnh hưởng tiêu cực lớn đến giá cổ phiếu.

Theo BSC, trong năm 2021, Hoá chất Đức Giang cũng khó có thể được tiếp tục hưởng lợi nhờ chi phí đầu vào giảm do hết được chính phủ hỗ trợ giá điện vì dịch COVID-19 như năm 2020 và giá than thế giới đang có xu hướng tăng trở lại.

Tính đến thời điểm hiện tại, giá than cốc Trung Quốc tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước và 39,5% so với năm 2020. Do đó, tuy giá nhập khẩu than từ Lào Cai chưa tăng, BSC cho rằng giá nhập sẽ diễn biến tương đồng so với giá thế giới trong thời gian tới.

Năm 2020, Hóa chất Đức Giang ghi nhận 6.236 tỷ đồng doanh thu và 948 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 23% và 66% so với năm 2019. Đây đồng thời là kết quả kinh doanh cao nhất kể từ trước tới nay.

Đầu năm nay, Hoá chất Đức Giang đã đưa kế hoạch kinh doanh trong quý I/2021 với mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất 1.941 tỷ đồng, lãi sau thuế hợp nhất 250 tỷ đồng; tăng lần lượt gần 28% và 25% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong quý này, công ty cũng có kế hoạch đầu tư nhà máy HPO điện tử, đưa khai truờng 25 vào hoạt động và tiếp tục làm DTM dự án Nghi Sơn. Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị Hoá chất Đức Giang cũng đã thông qua việc lập Công ty TNHH MTV Bất động sản Đức Giang có vốn 500 tỷ đồng. Đơn vị này hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Thiên Trường

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.