|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

BSC: Mỏ apatit ở khai trường 25 là nhân tố chính tạo đà tăng lợi nhuận năm 2021 cho Hóa chất Đức Giang

07:00 | 06/12/2020
Chia sẻ
Theo tính toán mới đây của BSC, khi mỏ ở khai trường 25 đi vào hoạt động, kì vọng năm 2021, chi phí quặng apatit sẽ giảm 240 tỉ đồng, tương ứng với 24,3% lợi nhuận trước thuế dự phóng năm 2020.

CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) mới đây đã đưa ra nhận định về triển vọng năm 2021 của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) với nhận định doanh thu khó có thể tăng trưởng mạnh từ mức nền cao của năm 2020. 

Tuy nhiên, mỏ apatit khai trường 25 sẽ là nhân tố chính để đà tăng lợi nhuận được giữ vững trong năm tới.

Nhu cầu các sản phẩm chính của DGC khó tăng trưởng mạnh

Cụ thể, tại thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, BSC cho rằng sau khi tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2020, xuất khẩu phốt pho vàng tại hai thị trường này sẽ đi ngang do nhu cầu của sản phẩm này thường ổn định. Tuy nhiên, xu hướng đầu tư cho hạ tầng 5G (sản xuất thêm chips) có thể tạo ra nhu cầu đột biến với phốt pho vàng.

DGC - Ảnh 1.

Sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng tại hai thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. (Ảnh: BSC).

Trong khi đó, tại thị trường Ấn Độ, BSC cho biết năm 2020 là một năm đặc biệt khi Nga, nhà cung cấp chính mảng phốt pho vàng ở Ấn Độ, bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Do đó, xuất khẩu phốt pho vàng từ Nga sang Ấn Độ giảm 57% so với cùng kì, trong khi xuất khẩu của Việt Nam tăng 24%. 

Sang năm 2021, BSC cho rằng mức tăng trưởng sẽ khó có thể duy trì khi Ấn Độ quay trở lại nhập khẩu từ Nga và giá phốt pho Việt Nam cao hơn khoảng 3% so với đối thủ.

DGC - Ảnh 2.

Sản lượng xuất khẩu phốt pha của Nga và Việt Nam vào Ấn Độ. (Ảnh: BSC).

Bên cạnh đó, với sản phẩm Axit Photphoric và các loại phân bón xuất khẩu của DGC, BSC cho rằng tình hình xuất khẩu các sản phẩm này phụ thuộc nhiều vào thị trường Ấn Độ, đặc biệt khi Ấn Độ giảm nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc do căng thẳng chính trị.

Điều này sẽ tác động trực tiếp đến việc Ấn Độ nhập khẩu sản phẩm phân bón từ các nước khác (trong đó có Việt Nam) để thay thế cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, báo cáo của BSC chỉ ra rằng căng thẳng chính trị có thể diễn biến phức tạp và mức độ tăng nhập khẩu phân bón từ Việt Nam có thể không nhiều do Ấn Độ đang tìm đến các nguồn thay thế khác như Morocco, Nga.

Tiềm năng từ mỏ apatit ở khai trường 25

Ngày 10/11, DGC cho biết công ty đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác quặng apatit cho mỏ tại khai trường 25.

Dựa trên các thông tin về kế hoạch khai thác sản lượng, chi phí khai thác quặng, BSC đã tính toán lại ảnh hưởng khi mỏ khai trường 25 đi vào hoạt động, kì vọng năm 2021, chi phí quặng apatit sẽ giảm 240 tỉ đồng, tương ứng với 24,3% lợi nhuận trước thuế dự phóng năm 2020.

Tuy nhiên, BSC cũng đưa ra quan điểm việc khai thác trong năm đầu tiên có thể gặp rủi ro liên quan đến vận hành, chi phí khai thác năm đầu có thể cao đột biến,...

Năm 2021, BSC dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm của DGC lần lượt đạt 6.781 tỉ đồng, tăng 3,7% so với năm trước và 1.100 tỉ đồng, tăng 17,6%.

DGC - Ảnh 3.

Dự phóng kết quả kinh doanh của DGC. (Ảnh: BSC).

Minh Hằng