VDSC: Thiếu hụt container rỗng sẽ kìm hãm đà tăng trưởng ngành cảng biển trong ngắn hạn
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đã đưa ra những nhận định về triển vọng của ngành cảng biển Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn.
Nói về tình hình quí III, VDSC chỉ ra rằng các khu cảng container trọng điểm đã lấy lại mức tăng trưởng dương về sản lượng trong quí, phù hợp với sự phục hồi trong hoạt động thương mại kể từ tháng 6.
Cụ thể, khối lượng thông lượng container lũy kế tại các cảng biển trong 10 tháng đầu năm đã tăng 6% so với cùng kì năm ngoái, đạt gần 15 triệu TEU.
Trong số các khu vực cảng container trọng điểm, sản lượng thông lượng container tại các cảng Vũng Tàu có sự phục hồi mạnh mẽ nhất về tốc độ tăng trưởng, tiếp tục duy trì mức gần 30%.
Theo nhận định của VDSC, với đà tăng trưởng này, Vũng Tàu sẽ sớm vượt qua Hải Phòng và trở thành khu vực cảng container quan trọng thứ hai tại Việt Nam.
Thiếu hụt container rỗng sẽ kìm hãm đà tăng trưởng trong ngắn hạn
Báo cáo của VDSC chỉ ra rằng khan hiếm container rỗng thường xảy ra vào mùa cao điểm cuối năm khi nhu cầu xuất khẩu tăng cao, tuy nhiên, năm nay tình hình trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt đối với các tuyến xuất khẩu sang Mỹ và khu vực châu Á do ghi nhận mức thặng dư thương mại cao (20 tỉ USD trong 11 tháng).
Bên cạnh việc mất cân bằng trong xuất nhập khẩu, VDSC cho biết, hàng loạt dịch vụ của các hãng tàu bị cắt giảm trong năm nay do hệ quả từ COVID-19 khiến thời gian luân chuyển container rỗng sang thị trường Việt Nam, cũng như qua các nước xuất khẩu khác trong khu vực châu Á bị kéo dài.
Mặt khác, tải vận chuyển đường biển giảm đã khiến giá cước vận tải tăng vọt, đặc biệt đối với các tuyến xuất khẩu từ châu Á tới thị trường Mỹ và châu Âu, khi nhu cầu nhập khẩu ở những khu vực này tăng trở lại sau lệnh phong tỏa được nới lỏng.
Động lực nào thúc đẩy thông lượng hàng hoá trong dài hạn?
Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Việt Nam, trên thực tế, đã được xem là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà sản xuất đa quốc gia có ý định rời khỏi Trung Quốc do đối mặt với tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Sau đại dịch, VDSC cho rằng các lợi thế cạnh tranh sẽ giúp Việt Nam có thể tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất không bị ảnh hưởng.
Dẫn thông tin từ Savills, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi như chi phí nhân công sản xuất thấp; ưu đãi thuế cạnh tranh; chi phí xây dựng khu công nghiệp cạnh tranh và đặc biệt là lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp củng cố triển vọng dài hạn về sản lượng thông lượng cảng biển của Việt Nam.
Theo nhận định của VDSC, với việc kiểm soát khá tốt đại dịch COVID-19 và Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực trong năm nay, Việt Nam càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất.
Trên thực tế, điều này đã chứng minh thông qua tỉ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp tại khu vực kinh tế trọng điểm ở phía Bắc và phía Nam tăng đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2020.
VDSC nhận định làn sóng di dời từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới và đây sẽ là động lực then chốt thúc đẩy thông lượng hàng hóa tại cảng biển và các dịch vụ logistics khác trong dài hạn.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/