Doanh nghiệp hóa chất tiếp tục lãi lớn quý III
Nhu cầu về các loại hóa chất tăng do hoạt động sản xuất hồi phục sau dịch và nguồn cung bị thắt chặt do xung đột Nga - Ukraine. Nhờ vậy, kết quả kinh doanh quý III và 3 quý năm 2022 của doanh nghiệp ngành hóa chất cơ bản vẫn rất ấn tượng.
Theo đó, quý III/2022, CTCP Hóa chất cơ bản Miền Nam (mã: CSV) có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 420,3 tỷ đồng, tăng 67,32% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt hơn 73,7 tỷ đồng, tăng tới 95,38% so với quý III/2021.
Doanh thu thuần 9 tháng năm 2022 của CTCP Hóa chất cơ bản Miền Nam đạt 1,619 tỷ đồng, tăng 53,5% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 357 tỷ đồng, tăng 164% so với cùng kỳ năm 2021.
Doanh thu tăng trưởng chủ yếu đến từ sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chính tăng mạnh và giá đầu ra cũng tăng cao. Sản lượng tiêu thụ của NaOH tăng 24%, HCl tăng 65%, silicate tăng 75%, phèn đơn tăng 51%, H2SO4 tăng 56%... Giá bán của NaOH tăng 95%, silicate tăng 36%, H2SO4 tăng 31%...
Lợi nhuận ròng (lãi thuần, thu nhập ròng, lãi ròng, lợi nhuận sau thế) 9 tháng đầu 2022 của CTCP Hóa chất cơ bản Miền Nam rất tích cực; trong đó, biên lợi nhuận ròng tăng từ mức 12,8% trong 9 tháng năm 2021 lên 22% trong 9 tháng năm 2022, nguyên nhân đến từ giá bán điều chỉnh tăng mạnh hơn giá đầu vào giúp mở rộng biên lợi nhuận; dây chuyền sản xuất xút mới giúp gia tăng sản lượng tiêu thụ.
Xút là sản phẩm đầu ra của CTCP Hóa chất cơ bản Miền Nam. Theo chuyên gia từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS ), giá xút duy trì ở mức cao giúp đà tăng trưởng vẫn tích cực trong quý IV/2022.
CTCP Hóa chất cơ bản Miền Nam ký hợp đồng với khách hàng với thời hạn 6 tháng, vì vậy mức giá bán cao như hiện tại sẽ giúp kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tích cực trong ít nhất 2 quý tới. Ngoài ra, việc giá đầu vào là lưu huỳnh có sự sụt giảm rất mạnh thời gian gần đây sẽ giúp biên lợi nhuận được mở rộng hơn nữa trong các quý tới.
Một doanh nghiệp niêm yết đầu ngành trong lĩnh vực hóa chất lãi lớn quý III năm nay là CTCP Tập đoàn Hóa Chất Đức Giang (mã: DGC).
Báo cáo tài chính quý III năm nay của doanh nghiệp rất tích cực, với doanh thu tăng mạnh lên 3.695 tỷ đồng từ mức 2.106 tỷ đồng của quý III/2021. Lợi nhuận gộp đạt 1.645 tỷ đồng gấp 2,6 lần.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh chủ yếu nhờ tiền lãi gửi ngân hàng đạt 195 tỷ đồng, phần lãi trong công ty liên kết cũng tăng cao dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng gấp 3 lần lên 1.596 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các khoản thuế phí phát sinh, Hóa chất Đức Giang báo lãi sau thuế 1.513 tỷ đồng, tăng gấp ba lần so với con số của cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, so với quý II/2022 thì con số này đã giảm đáng kể. Cụ thể quý 2, doanh nghiệp báo lãi 1.984 tỷ đồng.
Doanh thu thuần 9 tháng năm 2022 của Hóa Chất Đức Giang đạt 11.333 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 4.917 tỷ đồng, tăng tới 342% so với cùng kỳ.
Hàng tồn kho tính đến cuối tháng 9 là 1.532 tỷ đồng, tăng so với con số 1.386 tỷ đồng đầu năm. Nợ phải trả giảm mạnh từ 2.188 tỷ đồng còn 1.776 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng từ 6.332 tỷ đồng lên gần 11.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền mặt giảm mạnh từ con số 124 tỷ đồng đầu năm còn 65 tỷ đồng; trong đó có đến 55 tỷ đồng gửi ngân hàng.
Lợi nhuận ròng của Hóa Chất Đức Giang cho mức tăng trưởng tốt từ mức 18,2% trong 9 tháng năm 2021 lên 43,4% trong 9 tháng năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu tới từ sự mở rộng biên lợi nhuận trong bối cảnh giá đầu ra tăng mạnh nhưng giá đầu vào tăng chậm hơn.
Theo chuyên gia từ VCBS, giá phốt pho vàng, là sản phẩm xuất khẩu chính của Hóa Chất Đức Giang tiếp tục duy trì mức cao hỗ trợ lợi nhuận. Tình trạng thiếu điện tại các tỉnh sản xuất phốt pho lớn ở Trung Quốc như: Vân Nam, Tứ Xuyên làm nhiều mỏ quặng phải dừng sản xuất.
Trong khi đó, nhu cầu cho phốt pho vàng vẫn tích cực khi xu hướng sản xuất pin LFP đang trong giai đoạn bùng nổ. Qua đó tiếp tục hỗ trợ giá bán phốt pho vàng và các sản phẩm dẫn xuất.
Tuy nhiên VCBS cũng chỉ ra những rủi ro đối với doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất phốt pho vàng. Theo công ty chứng khoán này, nhu cầu phối pho vàng cho ngành điện tử có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do hiện nay, doanh số chất bán dẫn đang cho thấy mức tăng trưởng chậm lại vì lo ngại về suy thoái toàn cầu. Mức sụt giảm đặc biệt lớn tại Trung Quốc có thể kéo theo sự điều chỉnh của giá phốt pho vàng.
Đối với CTCP DAP – VINACHEM (mã: DDV), lợi nhuận sau thuế quý III đi lùi 16,8% so với quý III/2021, đạt 57 tỷ đồng. Tuy giảm so với năm 2021, nhưng mức lợi nhuận này là khả quan so với những năm trước đó, như quý III/2020, doanh nghiệp lỗ 7 tỷ đồng. Quý III/2019, doanh nghiệp lỗ tới 18 tỷ đồng. Trước đó, quý III/2018, công ty cũng chỉ lãi vỏn vẹn hơn 5 tỷ đồng.
Doanh thu trong quý III của doanh nghiệp đạt 742 tỷ đồng, giảm 5,9% so với quý III năm ngoái. Lý giải về việc doanh thu giảm so với cùng kỳ năm ngoái, công ty cho biết là do sản lượng tiêu thụ trong quý giảm, đạt 36.600 tấn, giảm 38,8% so với cùng kỳ. Tuy sản lượng bán giảm, nhưng giá bán bình quân lại tăng 52% so với cùng kỳ nên dẫn tới doanh thu không giảm nhiều.
Nhờ 2 quý đầu năm kinh doanh khởi sắc, giá phân bón tăng cao hơn nên lũy kế 9 tháng năm 2022 doanh thu CTCP DAP – VINACHEM ghi nhận 2.463 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 371 tỷ đồng, vượt 83% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm; lợi nhuận sau thuế đạt 350 tỷ đồng, tăng 120% so với số lãi 159 tỷ đồng ghi nhận trong 9 tháng năm ngoái.
Phân bón DAP là sản phẩm đầu ra từ gốc phốt pho (sau khi sản xuất ra axit phosphoric trích ly), đây là sản phẩm đầu ra của CTCP DAP – VINACHEM. Trái với phân ure, quy trình sản xuất DAP không phụ thuộc nhiều vào giá khí tự nhiên do chủ yếu dùng điện.
Theo giới phân tích, giá phân DAP tăng, do nguồn cung thiếu hụt hỗ trợ biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thế giới do lệnh cấm vận xuất khẩu của Trung Quốc và Nga đã đẩy giá phân DAP lên cao. Bên cạnh đó, việc giá đầu vào sản xuất là đá phosphate vẫn duy trì rất cao cũng là yếu tố tích cực cho giá DAP.
Chuyên gia từ VCBS cho rằng, sản lượng tiêu thụ phân DAP sẽ tích cực hơn trong quý IV/2022 và 2023 khi tới vụ mùa chính Đông Xuân, bên cạnh đó giá gạo đang có xu hướng tăng sẽ hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ phân bón giá cao.
CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận thấy rằng, triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp hóa chất phụ thuộc nhiều vào biến động của giá cả hàng hóa trong thời gian tới.
Mặc dù các loại hàng hóa đều đã trải qua một giai đoạn điều chỉnh, BSC cho rằng hầu hết các loại hóa chất đã thiết lập một mặt bằng giá mới cao và sẽ rất khó có thể giảm trong thời gian tới, đặc biệt khi quý cuối năm là mùa tiêu thụ chính.
Đồng thời, xung đột Nga – Ukraine và Trung Quốc tiếp tục thi hành chính sách “Zero – COVID” vẫn là hai yếu tố bất định tiếp tục làm thắt chặt nguồn cung.
BSC giữ quan điểm trung lập đối với ngành hóa chất trong năm 2023 do mức nền giá bán cao của năm 2022. Trong bối cảnh giá cả hóa chất chưa có động lực rõ ràng để có thể vượt vùng giá đỉnh của năm 2022, động lực tăng trưởng sẽ đến từ cắt giảm chi phí sản xuất (phát triển theo chiều dọc) hoặc mở rộng đầu tư các sản phẩm truyền thống và mới (phát triển theo chiều ngang).
Tuy nhiên, BSC nhận thấy các doanh nghiệp hóa chất tư nhân sẽ có nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp nhà nước trong việc mở rộng đầu tư phát triển.
Dù kinh doanh khá thuận lợi, nhưng trên thị trường chứng khoán, với sự giảm mạnh của thị trường chung, thị giá cổ phiếu ngành hóa chất cơ bản cũng giảm rất sâu. Theo đó, DDV chốt phiên 28/10 có giá 11.200 đồng/cổ phiếu so với chốt phiên giao dịch đầu năm (4/1), giảm 57,2%, DGC có giá 77.400 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 49,4%, CSV có giá 39.000 đồng/cổ phiếu, giảm 8,2%...