|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dính kiện cáo, Vinachem có thể phải gánh thêm nợ

10:12 | 10/10/2019
Chia sẻ
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, không chỉ ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ 2018, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) còn đang phải gánh nhiều khoản nợ lớn.

Thậm chí, doanh nghiệp này không thể thanh toán đúng hạn khoản nợ ngân hàng gần 1.000 tỷ đồng (gồm cả gốc và lãi). Bên cạnh đó, Vinachem cũng đang vướng vào hai vụ kiện có thể gây phát sinh thêm các khoản nợ tiềm tàng.

Theo Báo cáo tài chính bán niên 2019 của Vinachem vừa được công bố, doanh thu thuần ghi nhận ở mức 21.335 tỷ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi giá vốn, chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp, Vinachem báo lãi ròng khoảng 218,8 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ 2018. Tính đến thời điểm cuối quý II/2019, lỗ lũy kế của Vinachem là 2.720 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC, một số khoản vay ngân hàng của Vinachem đã quá hạn thanh toán. Trong đó, số dư nợ gốc quá hạn là 668,9 tỷ đồng và lãi quá hạn, lãi phạt chậm nộp tương ứng là 336 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho khoản vay là Nhà máy Đạm Ninh Bình công suất 1.760 tấn ure/ngày (560.000 tấn ure/năm) đã tạm bàn giao cho Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình quản lý, vận hành từ năm 2012 nhưng chưa được phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành và không có khả năng thanh toán các khoản nợ, lãi vay.

Tại thời điểm cuối quý II/2019, Vinachem đã ghi nhận 5.643 tỷ đồng tiền vay cho Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình. Năm 2018, Dự án Đạm Ninh Bình lỗ 913,5 tỷ đồng, lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu 2.649 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2019, tổng nguồn vốn của Vinachem là 55.737 tỷ đồng, riêng nợ vay là hơn 26.600 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn và dài hạn chiếm lần lượt 14.050 tỷ đồng và 12.697 tỷ đồng.

Ngoài ra, báo cáo tài chính của Vinachem cũng thể hiện các khoản nợ tiềm tàng do tranh chấp với nhà thầu thực hiện Dự án.

Cụ thể, Công ty CP Thiết kế Công nghiệp Hóa chất đã kiện đòi Vinachem thanh toán số tiền 12,48 triệu USD lên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).

Ngày 9/1, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thanh toán bảo lãnh tạm ứng số tiền 8,4 triệu USD của BIDV cho Vinachem chờ phán quyết của VIAC. Vinachem đã gửi đơn khiếu nại lên Tòa án nhưng không được chấp nhận. Tiếp đó, ngày 20/2, Tòa án nhân dân TP.HCM ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phong tỏa tài khoản và tài sản của Vinachem gồm 12,17 triệu cổ phần Công ty Phân bón Bình Điền thuộc sở hữu Vinachem và tài khoản USD tại BIDV với số dư 13 triệu USD.

Ngoài ra, tháng 2/2019, VIAC còn nhận được đơn tranh chấp từ Công ty Đại chúng TTCL và Công ty TTCL Việt Nam yêu cầu Vinachem thực hiện giá trị tranh chấp lần lượt 110 triệu USD và 18,3 triệu USD, cùng các yêu cầu khác không nêu giá trị.

Ngày 4/4, Tòa án nhân dân TP.HCM tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thực hiện phong tỏa tài khoản và tài sản Vinachem gồm 24 triệu cổ phiếu phân bón Bình Điền, 10 triệu cổ phiếu Bột giặt Lix, 7,5 triệu cổ phiếu Hóa chất Việt Trì.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2019, tổng nguồn vốn của Vinachem là 55.737 tỷ đồng, riêng nợ vay là hơn 26.600 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn và dài hạn chiếm lần lượt 14.050 tỷ đồng và 12.697 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của Vinachem đã vượt tài sản ngắn hạn hơn 2.697 tỷ đồng.


Thế Anh