Hiệu ứng Amazon (Amazon Effect) là gì? Bản chất của hiệu ứng Amazon
Hình minh họa. Nguồn: foreword.mbsbooks.com
Hiệu ứng Amazon
Khái niệm
Hiệu ứng Amazon trong tiếng Anh là Amazon Effect.
Hiệu ứng Amazon đề cập đến tác động được tạo ra bởi thương mại điện tử đối với mô hình kinh doanh cửa hàng truyền thống do sự thay đổi trong mô hình mua sắm, kì vọng của khách hàng và bối cảnh cạnh tranh mới.
Bản chất của hiệu ứng Amazon
Tác động đến các cửa hàng bán lẻ
Do ngày càng có nhiều người trên thế giới chuyển sang mua sắm trực tuyến, bối cảnh của ngành bán lẻ liên tục thay đổi nhanh chóng. Lợi nhuận cho các doanh nghiệp thương mại điện tử đến từ mất mát của các cửa hàng bán lẻ truyền thống, vì ngày càng nhiều người mua sắm đang hướng đến các trang web thương mại điện tử thay vì đi đến các cửa hàng.
Amazon.com được ra mắt vào năm 1994, nắm giữ và duy trì vị trí dẫn đầu về bán hàng trực tuyến toàn cầu và đã trở thành biểu tượng cho sự thay đổi trong mua sắm này.
Hiệu ứng Amazon được coi là lí do chính khiến doanh số của các cửa hàng trên phố giảm, và được cho là điềm báo của sự biến mất của các cửa hàng truyền thống.
Tác động đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng
Dựa trên sự tiện lợi mà họ trải nghiệm trên các sàn mua sắm trực tuyến, ngày nay, người mua sắm trực tuyến mong đợi sự đa dạng hơn rất nhiều khi ghé thăm một cửa hàng bán lẻ.
Trải nghiệm mua sắm trực tuyến liền mạch cũng đã tác động đến những kì vọng về hành vi của người mua hàng, vì giờ đây họ mong đợi sự thông suốt, đáp ứng kịp thời và thuận tiện ngay cả đối với các dịch vụ (như tại một thẩm mĩ viện) thường không thể được cung cấp trực tuyến.
Nhu cầu lái xe đến cửa hàng, chọn lựa sản phẩm, và việc phải chờ đợi để thanh toán đã được loại bỏ trong mua sắm trực tuyến, dù khách hàng phải trả giá cao hơn một chút. Khách hàng cũng có thể dễ dàng đặt lại các đơn hàng tạp hóa hàng tháng mà không cần đến cửa hàng chọn.
Việc sử dụng hệ thống sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để giám sát tốt hơn mô hình và hành vi mua sắm của khách hàng trên các cổng trực tuyến mang lại lợi ích cho cả đôi bên - người tiêu dùng nhận được các ưu đãi và khuyến mãi tùy chỉnh phù hợp với họ, và các cổng mua sắm trực tuyến được hưởng lợi bằng cách quảng cáo sản phẩm với khả năng hàng hóa được mua tăng lên.
Xu hướng tích hợp
Do việc vấp phải phản đối từ các nhà bán lẻ truyền thống trên toàn cầu, những công ty thương mại điện tử đang đưa ra các sáng kiến để tích hợp các nhà bán lẻ vào chuỗi cung ứng của mình để đôi bên cùng được lợi.
Chẳng hạn, nhiều cổng mua sắm trực tuyến cho phép đặt hàng trực tuyến với tùy chọn nhận hàng tại cửa hàng bán lẻ gần đó. Chủ cửa hàng được hưởng lợi bằng một phần phí hoa hồng từ dịch vụ này, cung cấp một vài sản phẩm được đặt từ chính cửa hàng của mình và tăng lượng khách đến với cửa hàng.
(Theo investopedia)