|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Điển

12:49 | 03/03/2020
Chia sẻ
Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Điển được kí kết với mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế, vì lợi ích của hai nước và tạo điều kiện thuận lợi, thỏa đáng cho đầu tư của nhà đầu tư nước này trên lãnh thổ nước kia.
Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Điển - Ảnh 1.

Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (Ảnh: NLD/Đại sứ quán Thụy Điển cung cấp)

Thông tin cơ bản về Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Điển

Thời gian kí kết: 8/9/1993.

Nơi kí kết: Stockholm.

Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Điển được kí kết với mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế, vì lợi ích của hai nước và tạo điều kiện thuận lợi, thỏa đáng cho đầu tư của nhà đầu tư nước này trên lãnh thổ nước kia.

Việt Nam và Thụy Điển nhận thấy việc khuyến khích, bảo hộ đầu tư sẽ tạo thuận lợi cho việc mở rộng các quan hệ kinh tế giữa hai Bên kí kết, đồng thời thúc đẩy các hoạt động đầu tư. 

Khuyến khích và bảo hộ đầu tư theo Hiệp định

1. Mỗi Bên kí kết sẽ luôn luôn đảm bảo đối xử công bằng, thỏa đáng đối với các đầu tư của Bên kí kết kia. Không làm ảnh hưởng đến việc quản lí, bảo dưỡng, sử dụng quyền được hưởng hoa lợi hoặc quyền định đoạt bằng các biện pháp không thỏa đáng, như hạn chế mua nguyên vật liệu, phụ tùng, nguyên liệu phụ, năng lượng và nhiên liệu, cũng như các dịch vụ khác cần thiết cho hoạt động sản xuất và kinh doanh. 

Đối với các nguyên liệu và dịch vụ nói trên, nhà đầu tư có quyền tự do chọn người cung cấp với những điều kiện có lợi nhất. 

Nhà đầu tư có quyền tự do tiêu thụ sản phẩm ở nước ngoài, đồng thời được tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước phù hợp với luật pháp và qui định hiện hành, không có cản trở nào đối với việc tiêu thụ sản phẩm hoặc những biện pháp tương tự. 

2. Đối với việc vận chuyển hàng hóa hay người liên quan tới đầu tư, nhà đầu tư có quyền tự do chọn người vận chuyển. 

3. Các cá nhân làm việc cho nhà đầu tư của một Bên kí kết, cũng như các thành viên trong gia đình họ, sẽ được nhập cảnh, cư trú và xuất cảnh khỏi lãnh thổ Bên kí kết kia để tiến hành các hoạt động liên quan tới đầu tư trên lãnh thổ của Bên kí kết đó, phù hợp với luật pháp và các qui định về nhập cảnh, cư trú đối với người nước ngoài. 

4. Mỗi Bên kí kết sẽ khuyến khích các đầu tư của nhà đầu tư của Bên kí kết kia trên lãnh thổ nước mình, phù hợp với chính sách của nước mình trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài và sẽ chấp thuận các đầu tư đó phù hợp với luật pháp nước mình. 

5. Các nhà đầu tư tiến hành phù hợp với luật pháp và các qui định của một Bên kí kết trên lãnh thổ nước đó, được hưởng sự bảo hộ hoàn toàn theo Hiệp định này. 

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thụy Điển

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Thụy Điển trong năm 2019 đạt khoảng 1,56 tỉ USD.

Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Điển đạt 1,19 tỉ USD, tăng 2,4%, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Thụy Điển đạt 372,52 triệu USD, tăng 8,1% so với năm 2018. Việt Nam xuất siêu hơn 812 triệu USD sang Thụy Điển.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có sự thay đổi lớn so với năm 2018 là sản phẩm từ sắt thép đạt 63,9 triệu USD (tăng 201,7%), kim loại thường khác và sản phẩm đạt 1,4 triệu USD (tăng 361%). 

Điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu đạt mức cao nhất 616,6 triệu USD, tiếp đến là hàng dệt, may với lượng hàng hóa xuất khẩu là 78,3 triệu USD.

Nhập khẩu từ Thụy Điển năm 2019 tăng lên rõ rệt, với tốc độ 8,1% so với năm 2018 đạt 344,5 triệu USD.

Nhìn chung các mặt hàng nhập khẩu từ Thụy Điển chủ yếu dùng làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Thụy Điển hiện đang duy trì đà tăng trưởng khá cao và ổn định.

Hiện Thụy Điển có 67 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn 364 triệu USD. Đây mới chỉ là là những con số còn khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác giữa hai nước. Việt Nam và Thụy Điển cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác thương mại và đầu tư song phương.  

Hiện tại, Thụy Điển có nhiều dự án đầu tư kinh doanh (kể cả sản xuất) cũng như các Chi nhánh hoạt động tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như: phân phối bán lẻ, sản xuất chế tạo máy móc cơ khí, điện lực, công nghệ thông tin và viễn thông, hạ tầng giao thông đô thị, điện tử gia dụng, công nghiệp chế biến thực phẩm, giáo dục đào tạo,...

Chi tiết về Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Điển

Phùng Nguyệt