|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia

05:46 | 22/01/2020
Chia sẻ
Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia được kí kết với tinh thần hữu nghị và quan hệ hợp tác giữa hai nước và hai dân tộc.
Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia - Ảnh 1.

Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia. Nguồn: dangcongsan.vn

Thông tin cơ bản về Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia

Thời gian kí: ngày 26/11/2001.

Nơi kí kết: Phnom Penh, Campuchia.

Thành viên tham gia: Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia

Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia được kí kết với tinh thần hữu nghị và quan hệ hợp tác giữa hai nước và hai dân tộc.

Với lòng mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư của công dân Việt Nam và Campuchia trên cơ sở bình đẳng, chủ quyền và cùng có lợi. Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư giúp cho việc thúc đẩy các hoạt động đầu tư ở cả hai nước.

Mỗi nước kí kết sẽ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân của nước kia đầu tư vào lãnh thổ nước mình và chấp nhận khoản đầu tư đó phù hợp với Hiến pháp, luật pháp và các qui định của nước mình. 

Đầu tư của công dân của mỗi nước sẽ luôn luôn được hưởng sự đối xử công bằng, thỏa đáng và sẽ được bảo hộ an ninh trên lãnh thổ của nước kia.

Các qui định tối huệ quốc

1. Mỗi Bên kí kết sẽ đảm bảo đối xử công bằng và thỏa đáng cho các đầu tư của công dân của Bên kí kết kia và không làm phương hại bằng các biện pháp không hợp lí hoặc phân biệt đối xử đối với các hoạt động, quản lí, duy trì, sử dụng, thụ hưởng hoặc hủy bỏ đầu tư của công dân đó. Mỗi Bên kí kết sẽ dành cho đầu tư đó một sự bảo hộ và đảm bảo an toàn đầy đủ về vật chất. 

2. Cụ thể hơn, mỗi Bên kí kết sẽ dành cho đầu tư đó một sự đối xử trong mọi trường hợp sẽ không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho đầu tư của công dân bất kì nước thứ ba nào.

3. Nếu một Bên kí kết dành các ưu đãi đặc biệt cho công dân của bất kì nước thứ 3 nào, theo các Hiệp định đã kí kết và những Hiệp định trong tương lai về liên minh thuế quan, liên minh kinh tế, liên minh tiền tệ hoặc những thể chế tương tự, thì Bên kí kết đó sẽ không có nghĩa vụ dành những ưu đãi như vậy cho công dân của Bên kí kết kia. 

4. Qui định của Điều này sẽ không áp dụng cho các vấn đề về thuế quan trên lãnh thổ của mỗi Bên kí kết. Những vấn đề này như vậy sẽ được qui định bởi một hiệp định tránh đánh thuế trùng giữa hai Bên kí kết và/ hoặc luật pháp trong nước của mỗi Bên kí kết. 

Giải quyết tranh chấp giữa công dân và Bên kí kết

1. Bất kì tranh chấp nào giữa một Bên kí kết và công dân của Bên kí kết kia liên quan tới đầu tư của nhà đầu tư này trên lãnh thổ của Bên kí kết kia sẽ được hòa giải thông qua tham vấn và đàm phán. 

2. Nếu tranh chấp đó không thể giải quyết được trong thời gian 6 tháng kể từ ngày Bên yêu cầu hòa giải thông báo cho Bên kia bằng văn bản, thì theo đề nghị của công dân liên quan, vụ tranh chấp đó sẽ được đưa ra theo thủ tục xét xử được qui định bởi Bên kí kết liên quan, hoặc đưa ra trọng tài hoặc hòa giải quốc tế. 

3. Trong trường hợp tranh chấp đưa ra trọng tài hoặc hòa giải, công dân có quyền đưa tranh chấp ra:

- Trung tâm quốc tế giải quyết các tranh chấp đầu tư theo Công ước về giải quiết các tranh chấp đầu tư giữa các quốc gia và các công dân của các quốc gia khác, được mở kí tại Washington D.C ngày 18/3/1965, trong trường hợp hai Bên kí kết là thành viên của Công ước.

- Trọng tài được thành lập theo các qui định trọng tài của Ủy ban về Luật thương mại quốc tế Liên hợp quốc (UNCITRAL). Phán quyết của trọng tài là cuối cùng và bắt buộc đối với hai bên tranh chấp. 

4. Không một Bên kí kết nào sẽ tiếp tục thông qua con đường ngoại giao can thiệp vào bất cứ một vấn đề gì đối với trọng tài cho đến khi kết thúc vụ tố tụng hoặc một Bên kí kết không thực hiện theo đúng hoặc không tuân thủ phán quyết của trọng tài. 

Chi tiết về Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia


Phùng Nguyệt