Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Campuchia
Thông tin cơ bản về Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Campuchia
Thời gian kí kết: ngày 31/3/2018.
Nơi kí kết: Hà Nội, Việt Nam.
Thành viên tham gia: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia
Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia, mong muốn kí kết một Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập.
Phạm vi áp dụng Hiệp định
Hiệp định này áp dụng đối với các đối tượng là những đối tượng cư trú của một hoặc của cả hai Nước kí kết.
Các loại thuế bao gồm trong Hiệp định
1. Hiệp định này áp dụng đối với các loại thuế đánh vào thu nhập do một Nước kí kết hoặc chính quyền địa phương của Nước kí kết đó, đánh vào thu nhập, bất kể hình thức áp dụng của các loại thuế đó như thế nào.
2. Tất cả các loại thuế thu trên tổng thu nhập, hoặc những phần của thu nhập, bao gồm các loại thuế đối với thu nhập từ việc chuyển nhượng động sản hoặc bất động sản, các loại thuế đánh trên tổng số tiền lương hoặc tiền công do doanh nghiệp trả, cũng như thuế trên giá trị tăng thêm của tài sản đều được coi là thuế đánh vào thu nhập.
3. Các loại thuế hiện hành được áp dụng tại Hiệp định
Tại Campuchia:
- Thuế đối với Lợi nhuận bao gồm Thuế Khấu trừ, Thuế Lợi nhuận Bổ sung đối với Tiền lãi cổ phần Phân phối và Thuế Chuyển nhượng Tài sản;
- Thuế lương.
Tại Việt Nam:
- Thuế thu nhập cá nhân;
- Thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Thuế thu nhập phụ thu dầu khí.
4. Hiệp định này cũng sẽ được áp dụng đối với bất kì các loại thuế có tính chất tương tự hoặc về cơ bản giống như các loại thuế trên được ban hành sau ngày kí Hiệp định này để bổ sung, hoặc thay thế các loại thuế hiện hành. Các nhà chức trách có thẩm quyền của hai nước sẽ thông báo cho nhau những thay đổi quan trọng trong các luật thuế của hai nước.
Quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia
Về thương mại, năm 2018 tổng kim ngạch hai chiều Việt Nam - Campuchia đạt 4,7 tỉ USD, tăng gần 24% so với cùng kì 2017. Riêng 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 3,54 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kì năm 2018, hướng đến đạt mục tiêu 5 tỉ USD trước năm 2020.
Theo dự kiến năm 2019, kim ngạch thương mại song phương sẽ vượt con số 5 tỉ USD. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam – Campuchia, hai Thủ tướng hai nước đều nhất trí mục tiêu sẽ đưa kim ngạch vượt con số 10 tỉ USD trong thời gian sớm nhất.
Về lĩnh vực đầu tư, Campuchia có 18 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng kí đạt 58,1 triệu USD, đứng thứ 51 trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Trong đó, có 10 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp, với tổng vốn đầu tư 45 triệu USD. Các dự án còn lại có qui mô nhỏ và đầu tư vào các lĩnh vực như vận tải, kho bãi, công nghiệp chế biến, chế tạo và thương mại.
Hiện Việt Nam có 196 dự án đầu tư sang Campuchia, với tổng vốn đầu tư đăng kí đạt 2,94 tỉ USD. Campuchia đứng vị trí thứ 3 trong tổng số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (sau Lào 5 tỉ USD và Nga gần 3 tỉ USD) và Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 6 tại Campuchia (sau Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc, Hong Kong).
Các dự án đầu tư của Việt Nam sang Campuchia tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm gần 70% tổng vốn đăng kí), tài chính - ngân hàng - bảo hiểm (chiếm 9,4%), viễn thông (chiếm 7,5%).
Với tình hình kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước như vậy, việc kí kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Campuchia sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia, tạo ra một môi trường pháp lí về thuế rõ ràng, ổn định để các nhà đầu tư Việt Nam và Campuchia phát triển và mở rộng các hoạt động kinh doanh, đầu tư.
Đồng thời qua đó gián tiếp tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực giữa Việt Nam và các nước Châu Á nói chung và các nước ASEAN nói riêng.
Chi tiết về Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Campuchia