Hé lộ thông tin đàm phán thương mại Mỹ-Trung tại Bắc Kinh
Hai phái đoàn thương mại Mỹ- Trung khi chuẩn bị đàm phán ngày 7/1 tại Bắc Kinh |
Các cuộc thảo luận được tiến hành đối với các nhóm khác nhau để giải quyết vấn đề liên quan đến phi thuế quan, sở hữu trí tuệ, mua bán nông nghiệp và công nghiệp.
Phái đoàn Mỹ, dẫn đầu bởi Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jeffrey Gerrish, đã đến Trung Quốc ngày 6/1 để hội đàm với các đối tác cấp thứ trưởng của Trung Quốc.
Hình ảnh bị rò rỉ từ cuộc họp ngày 7/1 tại Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy các nhà đàm phán được hộ tống bởi một nhóm lớn các trợ lý, đặc biệt là về phía Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Lưu Hạc, nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc với các đối tác Hoa Kỳ, đã có mặt để chào đón phái đoàn Mỹ nhưng ông không trực tiếp tham gia các cuộc thảo luận kéo dài 2 ngày.
Một số quan chức trong phái đoàn thương mại của Mỹ, trong đó có ông Ted McKinney, Thứ trưởng phụ trách Thương mại và Đối ngoại Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (ngoài cùng bên phải) |
Bất chấp sự vắng mặt của ông Lưu và các quan chức cấp cao khác, như Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, những cuộc đàm phán diễn ra trong ngày 7 và 8/1 sẽ có ý nghĩa rất lớn, góp phần rút ngắn sự cách biệt giữa hai bên trong bối cảnh chỉ còn 52 ngày nữa là hết thời gian “đình chiến” thương mại Mỹ- Trung.
Hai nước cần phải đạt được thỏa thuận thương mại trước ngày 1/3, hoặc nếu không, Mỹ có thể tăng mức thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên 25%.
Phó Đại diện Thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish |
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ngày 7/1 rằng hai nước đã cùng bày tỏ ý muốn hợp tác để thực hiện sự đồng thuận giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói với các phóng viên rằng, Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ trên cơ sở bình đẳng.
Trong khi đó, ông Trump phát biểu ngày 6/1 (theo giờ Mỹ) rằng các cuộc đàm phán thương mại sẽ diễn ra rất tốt và sự suy giảm tốc độ tăng trưởng nền kinh tế Trung Quốc đã cho Bắc Kinh một động lực để hướng tới một thỏa thuận.
Kể từ sau cuộc gặp cấp cao Mỹ- Trung tại Argentina, Bắc Kinh đã thực hiện các bước để giải quyết căng thẳng thương mại, bao gồm việc nối lại nhập khẩu đậu nành của Mỹ và giảm thuế quan đối với xe hơi nhập khẩu của Mỹ.
Cơ quan lập pháp Trung Quốc cũng đã đưa ra dự thảo luật để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các nhà đầu tư nước ngoài và tiếp tục giảm các chính sách công nghiệp liên quan chiến lược “Made in 2025”.
Tuy vậy, các nhà quan sát lo ngại những hạn chế về thời gian và một loạt các vấn đề còn nhiều bất đồng giữa hai nước sẽ gây khó khăn cho việc đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.