|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hãng hàng không sẵn sàng triển khai dịch vụ gọi xe, tự tin cạnh tranh với Grab

07:26 | 31/03/2021
Chia sẻ
Dịch vụ gọi xe của AirAsia sẽ triển khai đầu tiên ở Malaysia song thời điểm cụ thể chưa được công bố.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, AirAsia, hãng hàng không của Malaysia đã và đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau như giao đồ ăn, đồ tươi sống và thậm chí cả streaming nội dung video.

AirAsia sẵn sàng triển khai dịch vụ gọi xe, tự tin cạnh tranh với Grab - Ảnh 1.

COVID-29 làm hàng không lao đao nhưng AirAsia có nhiều có hoạch dự phòng. (Ảnh: Straits Times)

Mới đây, ông Tony Fernandes, người đứng đầu AirAsia, nói rằng AirAsia sẽ sớm bước chân vào mảng gọi xe. Mặc dù thời điểm dịch vụ gọi xe của AirAsia ra mắt vẫn chưa được xác nhận, ông Tony Fernandes tỏ ra tự tin và cho biết AirAsia sẽ không nản lòng trước các đối thủ lớn như Grab, theo Malay Mail.

Với mục tiêu trở thành một siêu ứng dụng của khu vực Đông Nam Á, việc triển khai thêm dịch vụ gọi xe có ý nghĩa với AirAsia. Dù vậy, trái ngược với thương hiệu và tiếng tăm của mình ở lĩnh vực hàng không giá rẻ, các dịch vụ khác của AirAsia còn cần nhiều nỗ lực để có lòng tin từ người dùng, KrAsia bình luận.

Ở Malaysia, AirAsia đã khởi động dịch vụ giao đồ ăn trong gần một năm. Tuy nhiên, dịch vụ này vẫn còn nhiều điểm hạn chế để có đủ sức cạnh tranh với Grab hay Foodpanda. Ở các khu vực không thuộc trung tâm, nhiều món ăn trên dịch vụ của AirAsia chỉ có dưới 10 nhà hàng cung cấp.

Bên cạnh đó, AirAsia Food cũng gặp phải tình trạng thiếu tài xế giao hàng. Điều này ảnh hưởng đến sự tự tin của người dùng bởi họ luôn mong muốn có thể sử dụng dịch vụ vào bất kỳ thời điểm nào, cho dù là dịch vụ giao đồ ăn hay gọi xe.

Hiện tại, AirAsia có mức thu hoa hồng từ các nhà hàng thấp hơn khá nhiều so với các dịch vụ khác (10%). Vì thế, AirAsia cũng có thể sẽ áp dụng chiến lược tương tự khi triển khai dịch vụ gọi xe.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, AirAsia cũng có lợi thế vì thương hiệu đã được nhiều người biết tới.

"Tôi có thể học nhiều điều từ 8 năm thực hiện dịch vụ của Grab", ông Fernandes nói. "Tôi không phải lãng phí tiền bạc để thử nghiệm, phát triển công nghệ, đào tạo tài xế và tập thói quen gọi xe cho người dùng, họ đã làm tất cả những điều đó cho tôi", ông tự tin.

AirAsia sẽ không dừng lại ở đây. Hiện tại, một số dự án táo bạo khác cũng nằm trong kế hoạch của AirAsia bao gồm giao hàng bằng máy bay không người lái và taxi bay.