Những lợi thế từ SPAC để các công ty như Grab thực hiện IPO dễ dàng
Trong vài tuần trở lại đây, cộng đồng startup đổ dồn sự chú ý tới công ty công nghệ Grab xung quanh việc lên sàn chứng khoán Mỹ. Theo Bloomberg, Grab có thể IPO thông qua một công ty đi mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC) để đẩy nhanh tiến độ lên sàn, đồng thời thương vụ có thể định giá "ông lớn" gọi xe Đông Nam Á lên tới 40 tỷ USD.
Song song với Grab, một số startup khác của Đông Nam Á, ví dụ như Traveloka, cũng đang cân nhắc IPO qua hình thức này. SPAC đang nổi lên là con đường IPO "kiểu mới", được phố Wall săn đón trong khoảng hai năm trở lại đây.
Theo trang Investopedia, SPAC (tiếng Anh: Special Purpose Acquisition Company; tạm dịch: công ty đi mua lại với mục đích đặc biệt; công ty séc trắng) là công ty được thành lập không nhằm mục đích thương mại mà để huy động vốn thông qua hình thức IPO nhằm mục đích mua lại một công ty khác.
Một ví dụ trên thế giới có thể kể đến như công ty Diamond Eagle Acquisition Corp. được thành lập vào năm 2019 và lên sàn với tư cách là một SPAC vào tháng 12 cùng năm. Sau đó, công ty đã thông báo sáp nhập với công ty DraftKings và nền tảng công nghệ cờ bạc SBTech.
Khi thỏa thuận đạt được vào tháng 4/2020, công ty DraftKings đã bắt đầu giao dịch với tư cách là một công ty đại chúng, theo nguồn tổng hợp từ CNBC.
Về đặc điểm, SPAC không có hoạt động thương mại, công ty không tạo ra sản phẩm và cũng chẳng bán bất cứ thứ gì. Theo Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC), trên thực tế, tài sản duy nhất của SPAC thường là số tiền huy động được trong đợt IPO của chính công ty.
Thông thường, SPAC được tạo ra hoặc tài trợ bởi một nhóm nhà đầu tư tổ chức, các chuyên gia Phố Wall. Họ sử dụng vốn cổ phần tư nhân hoặc quỹ phòng hộ để đầu tư vào các công ty này. Ngay cả những CEO nổi tiếng như ông Richard Branson và tỷ phú Tilman Fertitta cũng đã bắt đầu xu hướng và hình thành SPAC của riêng họ.
Về lợi ích, việc bán công ty cho một SPAC là hướng đi đầy hấp dẫn đối với các chủ sở hữu của công ty nhỏ hơn - thường gây vốn qua nguồn tư nhân. Đầu tiên, giá bán mà SPAC trả có thể cao hơn tới 20% so với một thương vụ với quỹ đầu tư tư nhân thông thường.
Tiếp theo, việc được mua lại bởi SPAC cũng mang lại cho các chủ doanh nghiệp một quy trình IPO nhanh hơn dưới sự dẫn dắt của một đối tác có kinh nghiệm, ít lo lắng về sự dao động trong tâm lý thị trường rộng lớn hơn.
SPAC đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, tuy vậy trong những năm gần đây, hình thức này trở nên phổ biến hơn, thu hút các nhà thẩm định bảo hiểm, nhà đầu tư có tên tuổi lớn và huy động được số tiền IPO kỷ lục vào năm 2019.
Nguồn tin từ Investopedia cho biết, tính đến đầu tháng 8/2020, hơn 50 công ty SPAC đã được thành lập tại Mỹ và huy động được khoảng 21,5 tỷ USD.