Grab và nhiều ngân hàng lớn nhỏ hào hứng với cơ hội vàng ở thị trường ngân hàng số tại Đông Nam Á
Đông Nam Á là khu vực có số lượng dân số chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng lớn nhất tên thế giới, theo nhận định từ Nikkei. Dù vậy, xu hướng gia tăng số hóa trong mọi mặt cuộc sống hàng ngày do COVID-19 thúc đẩy mang đến cơ hội vàng cho các ngân hàng số và công ty tài chính trong khu vực, một nhân sự cấp cao của Grab Financial Group chia sẻ.
Tại sự kiện diễn đàn Innovative Asia tại Singapore, ông Reuben Lai, giám đốc điều hành cao cấp mảng công nghệ tài chính của Grab, nói rằng đại dịch COVID-19 đã mang đến "những cơ hội chưa từng có" xuyên suốt khu vực ở mảng dịch vụ tài chính số. Theo đó, còn nhiều "khoảng trắng" ở nhiều lĩnh vực, từ thanh toán số, cho vay, bảo hiểm cho tới ngân hàng số.
Ông Lai lấy ví dụ của một nhà bán gia vị ở Malaysia mà Grab đã giúp triển khai kinh doanh trên nền tảng số bằng cách thiết lập một cửa hàng ảo trên dịch vụ giao đồ tươi sống theo nhu cầu của Grab. Nhà buôn này cũng được cung cấp các công cụ để chấp nhận hình thức thanh toán số.
"Cửa hàng thực sự thăng hoa khi mở thêm kênh bán hàng mới", ông Lai khẳng định và cho rằng đại dịch là chất xúc tác cho tất cả các dịch vụ tài chính số.
Theo Fitch Ratings, có khoảng 290 triệu người chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng hoặc chưa được phục vụ đầy đủ ở Đông Nam Á. Con số này lớn hơn dân số của Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường chưa khai phá có dung lượng rất lớn mà các công ty như Grab có thể theo đuổi.
Năm ngoái, Grab nhận giấy phép hoạt động ngân hàng số toàn diện ở Singapore. Đây là thị trường mà ông Lai nói rằng "40% dân số chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ". Với giấy phép này, Grab có cơ hội cạnh tranh với cả các ngân hàng truyền thống lớn.
Ông Rajeev Kannan, giám đốc điều hành Sumitomo Mitsui Banking Corp., chào đón sự xuất hiện của những cái tên mới trong "cuộc chơi".
"Chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều đối thủ và điều này không tệ bởi nó khiếm chúng tôi khiêm nhường hơn", ông Kannan nói ở hội thảo. "Thách thức khiến chúng tôi thay đổi cách kinh doanh vì những công ty như Grab đang tiến đánh thị trường mà chúng tôi đang khai thác".
SMBC, một định chế tài chính truyền thống lớn, cũng cung cấp các dịch vụ ngân hàng số ở Indonesia thông qua ngân hàng con Jenius. Ông Kannan chia sẻ rằng trong năm qua, SMBC "chứng kiến bước nhảy vọt trong hoạt động ngân hàng số" và hiện đã có "2,5 triệu người dùng" trên nền tảng.
Ông nói thêm rằng Jenius đang sử dụng công nghệ của OakNorth, một công ty chấm điểm tín dụng có trụ sở tại Anh mà SMBC đầu tư năm 2020.
"Là một ngân hàng toàn cầu, chúng tôi khó có thể đi sâu vào nhóm thị trường chưa được ngân hàng phục vụ. Vì thế, chúng tôi dùng chiến lược phát triển "không tự nhiên" bằng cách thâu tóm một công ty hiện hữu, tích hợp nó vào nền tảng của chúng tôi và thành lập ngân hàng số", ông Kannan chia sẻ.
"Đối với chúng tôi ngân hàng số không phải vấn đề duy nhất, chúng tôi còn giải quyết các câu hỏi như cách thay đổi chiến lược có thể giúp giảm chi phí, cải thiện trải nghiệm khách hàng, tạo ra các hình thức kinh doanh mới, sản phẩm mới và mở rộng dòng doanh thu", ông nói thêm.
Cơ hội Đông Nam Á tạo ra cho các công ty fintech cũng khiến nhiều công ty Trung Quốc cảm thấy hào hứng.
Ông Bill Deng, CEO XTransfer, cũng nhìn nhận Đông Nam Á là một cơ hội. XTransfer là công ty có trụ sở tại Thượng Hải giúp các nhà xuất nhập khẩu nhỏ ở Trung Quốc có công cụ quản lý tiền tệ và thu tiền trong giao dịch quốc tế.
"Chúng tôi muốn tiếp cận các thị trường như Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam", ông Deng nói. "Họ có mối quan hệ hợp tác thương mại bền chắc với Trung Quốc. Chúng tôi đang nghiên cứu cách để mở rộng khả năng phục vụ nhà xuất khẩu, nhập khẩu ở các quốc gia này trong thời gian tới", người này nói thêm.