|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hàng chục nghìn tỉ đồng vốn hoá của các hãng hàng không bốc hơi khỏi thị trường giữa tâm bão COVID-19

10:18 | 16/03/2020
Chia sẻ
Theo Cục Hàng không Việt Nam ước tính, doanh thu các hãng hàng không trong nước có thể giảm tới 25.000 tỉ đồng trong năm 2020. Trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư đã phản ứng nỗi lo ngại trước thực trạng các tàu bay vắng khách, doanh thu giảm mạnh, nhưng các chi phí hoạt động vẫn ở mức cao sẽ tác động tiêu cực đến các chỉ số tài chính của các hãng bay.

Cổ phiếu hàng không lao dốc, vốn hóa bốc hơi hàng chục nghìn tỉ đồng

Thị trường chứng khoán vừa trải qua những tháng đầu năm đáng quên khi các chỉ số đồng loạt giảm sâu trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc và lây lan sang nhiều nước trên thế giới.

Bắt đầu giao dịch trở lại sau Tết Nguyên đán, nhiều nhóm cổ phiếu đã liên tục lao dốc khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là các cổ phiếu hàng không, nhóm ngành được cho là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch.

Ngay cả trong những nhịp hồi phục của thị trường chung, đà rơi của các mã hàng không vẫn không dừng lại. Việc giảm giá của các cổ phiếu nhóm này đã thổi bay thành quả tăng giá trong cả năm 2019, thậm chí là giai đoạn bùng nổ 2017 - 2018.

Ngành hàng không điêu đứng giữa tâm bão COVID-19, cổ phiếu lao dốc, vốn hóa bốc hơi hàng chục nghìn tỉ đồng - Ảnh 1.

Diễn biến cổ phiếu ngành hàng không kể từ sau Tết Nguyên đán. Nguồn: HOSE, HNX, UPCoM.

Đầu tiên phải kể đến cổ phiếu của hai ông lớn vận tải hành khách là Vietnam Airlines (Mã: HVN) và Vietjet Air (Mã: VJC) với mức giảm lần lượt 36,6% và 31,1%; trong đó cổ phiếu HVN chứng kiến 5 phiên giảm sàn còn VJC cũng có 2 phiên.

Kết phiên giao dịch 13/3, cổ phiếu VJC đóng cửa tại 101.000 đồng/cp, có thời điểm mã này đã rơi khỏi mốc 100.000 đồng/cp. Cổ phiếu HVN rơi về vùng giá 20.900 đồng/cp, thấp nhất lịch sử.

Sau nhịp bán tháo, vốn hóa của Vietjet Air bốc hơi 23.835 tỉ đồng trong khi mức thiệt hại vốn hóa của Vietnam Airline cũng ở mức trên 17.000 tỉ đồng. Những con số này thậm chí còn lớn hơn nhiều so với vốn hóa của các doanh nghiệp nhóm VN30 như Vàng bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ), Thành Thành Công Biên Hòa (SBT) hay Cơ điện lạnh (REE).

Cổ phiếu ACV của Cảng hàng không Việt Nam cũng chứng kiến mức giảm 26,1% từ 69.000 đồng/cp xuống còn 51.000 đồng/cp, theo đó vốn hóa thị trường bị thổi bay 36.356 tỉ đồng.

Viễn cảnh tương tự cũng diễn ra đối với cổ phiếu của các doanh nghiệp dịch vụ hàng không, điển hình là cổ phiếu AST của Dịch vụ Hàng không Taseco giảm mạnh nhất (41,6%) xuống 50.800 đồng/cp; cổ phiếu MAS của Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng giảm trên 35% xuống còn 31.000 đồng/cp.

Các mã còn lại đều ghi nhận mức giảm trên 20%. Trong đó mã tích cực nhất là FLC của Tập đoàn FLC - công ty mẹ của Bamboo Airway cũng giảm đến 20,6% xuống còn 3.500 đồng/cp, theo đó vốn hóa của doanh nghiệp này cũng giảm 646 tỉ đồng chỉ sau gần 2 tháng giao dịch.

Doanh nghiệp hàng không "khó trăm bề"

Ngành hàng không điêu đứng giữa tâm bão COVID-19, cổ phiếu lao dốc, vốn hóa bốc hơi hàng chục nghìn tỉ đồng - Ảnh 2.

Không khí vắng vẻ tại sân bay Nội Bài mùa dịch COVID-19. Ảnh: Đan Nguyên.

Trong khi cổ phiếu lao dốc trên sàn chứng khoán, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành hàng không nhìn chung vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19, lượng khách thiếu vắng trong khi giá vé máy bay đua nhau giảm.

Hãng hàng không Vietjet mới đây tung thêm khuyến mãi tới 70% giá vé trên tất cả các chặng bay trong nước, quốc tế của Vietjet và Vietjet Thailand. Đây là lần thứ ba hãng này tung chương trình khuyến mãi trong chưa đầy một tháng nhằm kích cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân, hai lần trước khuyến mãi 50% và 83%.

Ngành hàng không điêu đứng giữa tâm bão COVID-19, cổ phiếu lao dốc, vốn hóa bốc hơi hàng chục nghìn tỉ đồng - Ảnh 3.

Quầy tự làm thủ tục của hãng hàng không Vietjet Air vắng khách, khác hẳn những ngày thường. Ảnh: Đan Nguyên.

Dù vậy, cho dù giá vé đã giảm xuống mức "không thể rẻ hơn" nhưng do tâm lí ngại dịch bệnh cùng khiến vé máy bay dù đã chạm sàn nhưng lượng khách vẫn chưa được cải thiện.

Không những thế, hàng loạt đường bay của các hãng bị dừng khai thác do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là các chuyến bay đi từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước châu Âu. 

Ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, 40% máy bay của hãng đang phải 'đắp chiếu' do dịch bệnh, kéo theo 20.000 lao động bị ảnh hưởng. 

Ngành hàng không điêu đứng giữa tâm bão COVID-19, cổ phiếu lao dốc, vốn hóa bốc hơi hàng chục nghìn tỉ đồng - Ảnh 4.

Cảnh tượng vắng vẻ cũng diễn ra tại quầy thủ tục Vietnam Airlines. Ảnh: Đan Nguyên.

Theo ước tính của Cục Hàng không Việt Nam, trường hợp tích cực, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4 năm nay, tổng thị trường vận chuyển hành khách vẫn giảm 15% so với năm trước, xuống 67 triệu hành khách.

Trong khi đó, nếu dịch bệnh kiểm soát trước tháng 6, thị trường chỉ đạt 61 triệu khách, giảm 22% so với năm trước. Cục Hàng không cũng tính toán, doanh thu các hãng hàng không trong nước có thể giảm tới 25.000 tỉ đồng trong năm 2020.

Trước những khó khăn của ngành hàng không, Bộ Công Thương đã gửi công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí để có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như bến bãi, phí lưu giữ phương tiện và thuế đối với nhiên liệu bay.

Trong phiên họp Chính phủ thường kì tháng 2/2020 vào chiều 3/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt lưu ý các gói hỗ trợ tiền tệ, tài khóa, thương mại đầu tư, cải cách thủ tục hành chính vào các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, trước hết là cho du lịch, hàng không, thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp hàng không cũng kiến nghị được miễn thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay; miễn giảm từ 50% tới 70% phí dịch vụ hoạt động hàng không như chi phí cất hạ cánh, các chi phí tại các cảng hàng không; đồng thời giãn thời gian nộp các loại thuế, phí ít nhất 6 tháng.

Đan Nguyên