Tâm lí hưởng thụ sớm có thể làm hại startup đang tăng trưởng
Mặc dù phát triển một startup có thể là một nỗ lực thú vị, nhưng đó không phải là hành trình dễ dàng. Theo dữ liệu từ Viện Statistic Brain Research, hơn 50% công ty ở Mỹ thất bại trong vòng 5 năm kể từ khi họ bắt đầu kinh doanh. Sau 10 năm, con số đó tăng lên 70%.
Cách thức mở rộng qui mô có tác động rất lớn tới doanh nghiệp hơn nhiều so với chúng ta tưởng.
Một báo cáo của tổ chức Startup Genome cho thấy 70% startup mở rộng quy mô quá sớm trong một số lĩnh vực, khiến họ thất bại trong giai đoạn sau. Vậy yếu tố nào tạo nên sự khác biệt giữa thành công và thất bại?
Imran Tariq, người sáng lập công ty Webmetrix Group, nhận định rằng, trong quá trình mở rộng, người sáng lập startup phải chấp nhận một số thực tế phũ phàng. Entrepreneur trích dẫn quan điểm của Imran.
Tuyển dụng chậm và sa thải nhanh
Triết lí kinh doanh "thuê chậm, sa thải nhanh" có thể khá phổ biến, mặc dù không nhiều nhà sáng lập startup thực sự tuân thủ triết lí ấy. Diễn giả nổi tiếng Guy Kawasaki từng nói: Khi bạn vội vàng lấp đầy những lỗ hổng để tăng trưởng, bạn sẽ mắc sai lầm.
Không may, nhiều công ty lại trung thành với phương châm "thuê những người thông minh nếu không muốn thất bại, rồi chúng ta sẽ sàng lọc sau".
Ảnh minh họa: INC
Phương châm ấy khiến nhiều startup bỏ qua những điều cấm kị trong quá trình tuyển dụng, dẫn đến nhiều quyết định chọn người tồi tệ, làm giảm năng suất và thậm chí phá hoại văn hóa doanh nghiệp.
Các nhà sáng lập startup phải sẵn sàng ra quyết định khó khăn để loại bỏ những người có năng suất thấp. Trên thực tế, không tuyển bất kì ai sẽ là quyết định sáng suốt về mặt tài chính hơn việc tuyển dụng nhầm người.
Tuyển nhầm người không chỉ làm giảm năng suất lao động, mà còn làm tăng chi phí khi doanh nghiệp phải tuyển người khác để thay thế họ. Chủ doanh nghiệp nên dành nhiều thời gian để bảo đảm rằng họ sẽ chọn một người chất lượng.
Khi nhóm sáng lập dành nhiều thời gian cho việc chọn nhân sự, tốc độ mở rông quy mô có thể giảm, song nó sẽ làm tăng biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Chớ vội nâng tiêu chuẩn sống khi thành công vừa xuất hiện
Vô số doanh nhân phải ăn mì tôm trừ bữa hay ngủ nhờ nhà bạn bè, người thân khi họ khởi nghiệp từ con số 0. Do đó, ngay khi chủ doanh nghiệp thấy một chút thành công, rất có thể họ sẽ vội vàng nâng tiêu chuẩn sống để ngang tầm với tình hình tài chính của công ty. Đó có thể là sai lầm nghiêm trọng.
Austin Godsey, người sáng lập công ty SocialBlerr, nói rằng việc doanh nhân khởi nghiệp muốn trở lại tiêu chuẩn sống bình thường là điều dễ hiểu.
"Song người khởi nghiệp nên chịu khó sống dưới mức mà họ có thể đáp ứng để tránh nguy cơ thất bại nhanh", Godsey bình luận.
Để duy trì thành công của startup, người sáng lập hoặc nhóm sáng lập phải tái đầu tư tiền vào doanh nghiệp, chứ không phải bản thân họ. Ham muốn lối sống xa hoa của chủ doanh nghiệp trong quá trình mở rộng qui mô có thể làm giảm biên lợi nhuận trong dài hạn.