|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Điện thoại thương hiệu Việt và nỗi đau gục ngã ngay trên sân nhà

07:51 | 08/06/2019
Chia sẻ
"Sân nhà" là lợi thế lớn của di động Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ... nhưng điều này không đúng ở Việt Nam. Quá nhiều cái tên thất bại cho thấy thị trường cần một công thức mới.

Một buổi chiều tháng 8/2017, tại sự kiện khiêm tốn ở TP.HCM, ông Ngô Nguyên Kha, CEO của Mobiistar, mang đôi giày Biti's và khoe nó trên sân khấu để chứng minh mình là người ủng hộ hàng Việt.

"Nếu có một thương hiệu điện thoại Việt khác cùng cạnh tranh với Mobiistar, thì đó là điều đáng mừng", ông Kha nói với báo chí khi đề cập đến cảnh "cô đơn" của công ty này trên thương trường toàn các đối thủ ngoại.

Điện thoại thương hiệu Việt và nỗi đau gục ngã ngay trên sân nhà - Ảnh 1.

Mobiistar từng có tham vọng phổ cập smartphone giá rẻ cho mọi gia đình Việt. Ảnh: Duy Tín.

Khi đó, Mobiistar không hẳn cô đơn. Bkav của ông Nguyễn Tử Quảng đã ra mắt điện thoại Bphone từ 2015 và đến 2017 tiếp tục làm điều đó giữa những ồn ào tranh cãi. Từ "nhất thế giới", "thật không thể tin nổi", Bphone được đi kèm slogan "chất".

Asanzo, một thương hiệu non trẻ khi đó, đang thắng trong mảng điện tử tiêu dùng nhờ thị phần ở nông thôn, cũng nhanh chóng nhập cuộc chơi di động, tham vọng kiếm lời từ nhóm smartphone dưới 3 triệu đồng.

Cuộc chơi sớm nở tối tàn

Bức tranh di động của 2017 nhanh chóng đổi màu qua từng năm. 2018, Bkav vẫn ra điện thoại mới dù CEO Nguyễn Tử Quảng thừa nhận "một thời gian dài bị trầm cảm" vì đọc những bình luận, bài viết trên mạng xã hội.

Bphone 3 trang bị nhiều công nghệ mới và ra mắt trong sự kiện hoành tráng ở Hà Nội, nhưng đó chưa đủ để sản phẩm này có mặt trong thống kê thị phần của GfK và IDC.

Điện thoại thương hiệu Việt và nỗi đau gục ngã ngay trên sân nhà - Ảnh 2.

Bphone 3 có nhiều tiến bộ sau thời gian dài nhận "gạch đá", nhưng chưa tạo được cú hích trên thị trường.


Mobiistar của cuối năm 2018 đi tìm một cơ hội khác. Thương hiệu này rời bỏ thị trường Việt Nam và chuyển hướng hoàn toàn sang Ấn Độ, nơi có dân số đông hơn và còn cơ hội cho smartphone giá rẻ.

CEO Ngô Nguyên Kha bỏ ngỏ khả năng quay lại Việt Nam trước mọi câu hỏi từ báo chí. Thực tế đã cho thấy câu trả lời. Hãng di động từng một thời ôm khao khát mang điện thoại Việt vào mọi gia đình Việt, nay đã chuyển sang tìm cách phổ cập di động cho người Ấn.Mobiistar của cuối năm 2018 đi tìm một cơ hội khác. Thương hiệu này rời bỏ thị trường Việt Nam và chuyển hướng hoàn toàn sang Ấn Độ, nơi có dân số đông hơn và còn cơ hội cho smartphone giá rẻ.

Chưa có thống kê doanh số của Mobiistar ở thị trường 1,3 tỷ dân, và ông Kha cũng không tiết lộ con số cụ thể.

Tương tự, Asanzo sau 2 năm "thử sức" với nhóm di động giả rẻ, cũng đã dừng bước và không hẹn ngày tái ngộ. CEO Phạm Văn Tam cho biết công ty tập trung vào thế mạnh lõi là TV và đồ gia dụng.

Thất bại vì dựa quá nhiều vào bên ngoài?

"Sống tùy từng thời điểm, nhưng đường dài thì họ chịu không nổi nhiệt. Nội lực họ có gì? Họ làm được gì cho chiếc điện thoại mang tên mình ngoài xây thương hiệu và đi đặt hàng từ Trung Quốc?", ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc hệ thống bán lẻ lâu đời ở TP.HCM, nói về cái chết từ từ của điện thoại Việt.

"Khi anh không có nội lực, hoàn toàn dựa vào người khác, phụ thuộc vào người khác thì chuyện anh không tồn lại lâu dài là bình thường. Bkav thì vẫn chưa ai thấy nhà máy của họ hay chi tiết họ làm ra sao. Còn Vin thì đã thấy. Nhưng hiện họ vẫn phụ thuộc hoàn toàn linh kiện vào các hãng nước ngoài", ông Nguyên nói thêm.

Theo ông Nguyên, vấn đề còn nằm ở mức độ cạnh tranh quá khắc nghiệt của ngành di động. Những tên tuổi lớn như Samsung và Apple đã làm quá tốt và trưởng thành, chủ động các khâu và mỗi năm ra hàng loạt sản phẩm lấp đầy các phân khúc.

Asanzo, Mobiistar hay những cái tên cũ kỹ hơn như Q-Mobile, Thành Công Mobile... ban đầu có lợi thế giá rẻ và am hiểu thị hiếu nông thôn (pin lớn, chuông to, 2 SIM...).

Không nội lực, hoàn toàn dựa vào người khác thì chuyện anh không tồn lại lâu dài là bình thường

Ông Mai Triều Nguyên - Giám đốc nhà bán lẻ Mai Nguyên


Nhưng cuộc đổ bộ của hàng loạt thương hiệu Trung Quốc như Oppo, Honor, Huawei, Xiaomi... đã khiến điện thoại Việt khốn đốn. Các hãng này sẵn sàng đạp giá để giết chết đối thủ cạnh tranh ở giai đoạn đầu.

Không đấu lại các tên tuổi Trung Quốc ở phân khúc giá rẻ, điện thoại Việt tiến lên nhóm phổ thông và cao cấp cũng không có kết quả tốt. Bphone của Bkav là một ví dụ.

Với mức giá trên 10 triệu, "thương hiệu Việt" không đủ mạnh để thuyết phục người dùng bỏ qua các nhãn uy tín lâu năm như Samsung, Apple. Ngay cả khi được Thế Giới Di Động hỗ trợ kênh phân phối, Bphone cũng chưa có thị phần đáng kể.

Theo ông Nguyễn Dương, người sáng lập công ty Certified Customer Experience Professional, cựu giám đốc vùng của Singtel và từng làm việc tại các nhà mạng lớn ở Việt Nam, thất bại của Bphone còn đến từ việc phớt lờ định kiến từ người tiêu dùng.

"Người làm thị trường phải coi định kiến là một thực tế và xuất phát từ định kiến chính là xuất phát từ thực tế. Rồi chinh phục khách hàng dần dần bằng sản phẩm chất lượng và dịch vụ như kỳ vọng", ông Dương chia sẻ.

Vsmart chiếm 2% thị phần

Tháng 12/2018, Vingroup ra mắt thương hiệu smartphone Vsmart với 4 mẫu di động từ giá rẻ đến tầm trung gồm Joy 1, Joy 1+, Active 1 và Active 1+. Theo số liệu của GfK, smartphone Vsmart có thị phần ở mức xấp xỉ 2% từ khi ra mắt (tháng 12/2018) đến tháng 4/2019.

Tính trung bình 4 tháng đầu năm 2019, Samsung là hãng có thị phần lớn nhất với 46,88%, Oppo đứng thứ 2 với 22,09%. Phần lớn các hãng còn loại loay hoay với thị phần 5%. Những hãng vào thị trường Việt Nam lâu ngày như Xiaomi cũng chỉ có khoảng 3,8% thị phần.

Điện thoại thương hiệu Việt và nỗi đau gục ngã ngay trên sân nhà - Ảnh 4.

Trung bình thị phần 4 tháng đầu 2019 của các thương hiệu điện thoại có mặt ở Việt Nam theo số liệu GfK.

Đổ không ít tiền quảng bá nhưng Realme hay Huawei có lần lượt 2,45% và 5%. Hai thương hiệu xếp ngay trên Vsmart là Nokia (2,7%) và Vivo (2,3%).

2% có thể là con số mà Vsmart không hài lòng. Trong cuộc phỏng vấn với Finacial Times, CEO Trần Minh Trung của Vsmart tiết lộ tham vọng giành 30% thị phần smartphone Việt Nam, chậm nhất là vào năm 2020.

Điều đó đồng nghĩa Vsmart chỉ còn tối đa một năm rưỡi để đạt được mục tiêu. Trong lịch sử thị trường di động Việt Nam, chưa hãng sản xuất nào chứng kiến mức tăng trưởng chóng mặt như vậy. Trong khi đó, những hãng khi đặt chân vào thị trường này đặt mục tiêu top 2, top 3 nhưng rời đi sau vài năm không phải ít. 

Ông David McQueen - Giám đốc nghiên cứu hãng tư vấn công nghệ ABI Research - cho biết mục tiêu chiếm 30% thị phần của Vsmart là quá tham vọng, trong bối cảnh mà các ông lớn như Samsung đã lấp đầy mọi phân khúc.

“Hãy nhìn những hãng như Xiaomi, Vivo lẹt đẹt ra sao dù vào thị trường nhiều năm hay các tên tuổi lớn như LG, Sony phải rời bỏ để thấy thị trường này khắc nghiệt ra sao”, cựu chuyên viên truyền thông một hãng di động lớn ở Việt Nam bình luận về mục tiêu 30% thị phần của Vsmart.

Nhiều cái tên từng đến và đi

Lời ông ông David McQueen nói là có cơ sở. Thời điểm các thương hiệu Việt còn đất sống ở Việt Nam cũng là lúc thị trường chứng kiến làn sóng đổ bộ ồ ạt của những hãng di động Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong thời gian ngắn, Infinix, Coolpad, Intex, Lenovo, Motorola... lần lượt ra mắt các di động từ phổ thông đến tầm trung, đặt cược vào kênh phân phối thương mại điện tử thay cho hình thức đại lý truyền thống.

Chỉ sau một năm, những cái tên này rút chạy khỏi thị trường, dù chưa kịp chứng kiến cú ngã của những thương hiệu Việt. "Chúng tôi đã qua châu Phi và châu Mỹ. Thị trường ở đó còn nhiều cơ hội", Cooper Ma, trưởng nhóm marketing của Infinix, nói với Zing.vn.

Một nửa nhóm nhân sự của Ma, từng "hực hực khí thế" khai phá thị trường Việt, đã quay về Trung Quốc. Số còn lại theo chân anh đến Nam Mỹ, nơi người dân chưa sẵn lòng chi hơn 100 USD để mua điện thoại.

Michelle Xu, phụ trách marketing và truyền thông cho Coolpad tại Việt Nam, trở về Bắc Kinh đầu quân cho Sharp và Tencent. Coolpad cũng chỉ còn duy trì một văn phòng nhỏ ở quận 7, TP.HCM để tiếp nhận bảo hành.

Nắm 2% thị phần ở Việt Nam, Vsmart vừa thông báo bán điện thoại ở Myanmar. Việc thương hiệu này có rời bỏ Việt Nam như Mobiistar hay không, hay đơn thuần mở rộng thị trường, chỉ có thể đợi thời gian trả lời.

Giai Quân