'Kỷ nguyên vàng' của thị trường smartphone Trung Quốc đi vào hồi kết
Trung Quốc ghi nhận doanh số smartphone giảm 14,7% trong quý II/2022, theo công ty nghiên cứu IDC. Cùng thời điểm, phần lớn các trụ cột tỷ USD của ngành công nghiệp này như Xiaomi, Vivo và OPPO đều báo cáo kết quả kinh doanh đi xuống.
Có nhiều yếu tố dẫn đến bức tranh thị trường ảm đạm này, bao gồm chính sách zero-COVID chặt chẽ bóp nghẹt nhu cầu thị trường. Thế nhưng, thực tế có một vấn đề lớn hơn mà tất cả các nhà sản xuất smartphone ở nước này vẫn âm thầm lo sợ. Chu kỳ 10 năm bùng nổ của thị trường smartphone, với làn sóng người dùng mới và liên tục nâng cấp, có thể đang dần đi vào hồi kết.
Trung Quốc nóng lòng muốn trở thành một quốc gia di động 10 năm trước. Quốc gia này dùng vốn đầu tư nhà nước để xây dựng các trạm phát sóng 4G ở gần như tất cả mọi ngôi làng, tạo điều kiện để các thương hiệu như OPPO và Vivo bán điện thoại đến hàng triệu người ở các khu vực vùng sâu vùng xa. Phần lớn trong số này chưa từng dùng điện thoại thông minh. Trong khi đó, các thương hiệu như Apple, Samsung và Motorola theo đuổi người dùng thành thị, yêu công nghệ với những thiết bị đắt đỏ hơn.
Gần đây, các nhà sản xuất smartphone nhìn thấy cơ hội mới khi Trung Quốc thúc đẩy phát triển và triển khai mạng 5G. Thế nhưng không nhìn trong số này nhận ra những rắc rối đã bắt đầu thành hình.
Vấn đề chính là thị trường smartphone khổng lồ của Trung Quốc đang dần có độ bão hoà cao. Tính đến cuối năm ngoái, quốc gia này có hơn 1,6 tỷ thuê bao di động đang hoạt động, cao hơn so với mức dân số 1,4 tỷ người. Tỷ lệ thâm nhập của di động tại Trung Quốc cao hơn mức trung bình toàn cầu khá nhiều dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Nhu cầu thay thế điện thoại cũng dần thu hẹp. Vòng đời của điện thoại thông minh ngày càng dài và thậm chí có thể tiếp tục được kéo dài nếu như nền kinh tế không diễn biễn tích cực. Giá dịch vụ 5G cao khiến nhiều người dùng sẵn sàng gắn bó với gói dịch vụ 4G mà mình đang sử dụng, theo Bloomberg.
“Người tiêu dùng Trung Quốc đang tạm hoãn chi tiêu cho smartphone”, ông Toby Zhu, một nhà phân tích đang làm việc cho công ty nghiên cứu Canalys, nói trong một báo cáo. Các thương hiệu smartphone từng hy vọng đợt khuyến mại trong lễ hội mua sắm trực tuyến hồi tháng 6 có thể sẽ kích hoạt lại nhu cầu của thị trường song nhu cầu smartphone vẫn chưa thể quay lại mức tương đương cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả Apple cũng phải thực hiện một đợt giảm giá hiếm có tại Trung Quốc để lôi kéo người mua.
Cùng thời điểm, các lệnh hạn chế ngặt nghèo vì COVID-19 khiến mọi lĩnh vực kinh doanh ở Trung Quốc đều bị ảnh hưởng. Lệnh phong toả làm gián đoạn mảng bán lẻ, logistics và sản xuất.
Trong năm tới, nhiều nhà phân tích dự đoán nhu cầu sẽ quay trở lại và ngành công nghiệp smartphone sẽ thu hút thêm sự chú ý ở Trung Quốc. Thế nhưng, không có nhiều người nhận định kỷ nguyên vàng của smartphone tại Trung Quốc sẽ quay trở lại.