|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tiến bộ công nghệ và giá khiến người tiêu dùng 'ngại' nâng cấp điện thoại

14:59 | 21/05/2019
Chia sẻ
Apple và các hãng sản xuất điện thoại thông minh khác cho rằng doanh thu sụt giảm do khách hàng không nâng cấp thiết bị. Đây là vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng trong ngành.
Tiến bộ công nghệ và giá khiến người tiêu dùng ngại nâng cấp điện thoại - Ảnh 1.

Người dùng điện thoại ở 5 quốc gia châu Âu được theo dõi bởi Kantar Worldpanel - gồm Pháp, Đức, Anh, Italy và Tây Ban Nha - thậm chí đang giữ thiết bị của họ lâu hơn. (Ảnh: Getty Images)

Vòng đời của điện thoại thông minh đang tăng dần

Đặc biệt, tại Mỹ và châu Âu, vòng đời của một điện thoại thông minh đang tăng lên, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel.

Năm 2016, chủ sở hữu điện thoại thông minh ở Mỹ sử dụng thiết bị trung bình 22,7 tháng trước khi nâng cấp. Năm 2018, con số này đã tăng lên 24,7 tháng, theo CNBC.

Người dùng điện thoại ở 5 quốc gia châu Âu mà Kantar Worldpanel theo dõi - gồm Pháp, Đức, Anh, Italy và Tây Ban Nha - thậm chí đang giữ thiết bị của họ lâu hơn.

Trong giai đoạn 2016 - 2018, vòng đời của một điện thoại thông minh kéo dài gần 3 tháng, từ 23,4 đến 26,2 tháng. Người dùng tại Anh giữ điện thoại trong  khoảng thời gian lâu nhất (27,7 tháng trong năm 2018).

Dữ liệu trước đó cho thấy xu hướng tương tự cũng diễn ra trong giai đoạn 2013 - 2015, nhưng Kantar không thể so sánh trực tiếp do sự thay đổi trong phương pháp nghiên cứu.

Vòng đời của một chiếc điện thoại thông minh tại Trung Quốc lại tương đối ngắn, với khoảng 20,2 tháng năm 2016 và 21 tháng trong hai năm 2017 và 2018.

Tiến bộ công nghệ và giá của điện thoại khiến người tiêu dùng ngại nâng cấp

Các chuyên gia cho rằng xu hướng này có thể xuất phát từ những tiến bộ trong công nghệ cũng như giá điện thoại.

Theo ông Gerrit Scheneemann (nhà phân tích cao cấp tại HIS Markit), sự "trưởng thành" của thị trường cũng ảnh hưởng đến vòng đời của sản phẩm.

Phần lớn người sử dụng điện thoại tại các khu vực phát triển, chẳng hạn như châu Âu, thường không gắn bó với chiếc điện thoại đầu tiên của họ. Thay vào đó, họ sẽ tìm kiếm một mẫu điện thoại "ổn cho thời điểm hiện tại".

Ông Dominic Sunnebo, giám đốc toàn cầu tại Kantar, cũng đồng tình với quan điểm ấy. "Thời đại của điện thoại thông minh yếu kém đã qua (tại châu Âu). Phần lớn người tiêu dùng đánh giá thiết bị của họ rất cao nên ít có nhu cầu thay đổi", ông nói.

Người tiêu dùng châu Âu còn tin rằng thiết bị mới hơn sẽ tương tự nhau về tính năng và trải nghiệm.

Ngoài ra, vì các thiết bị cầm tay ngày càng tiên tiến, chúng sẽ hoạt động tốt trong thời gian dài hơn, theo ông Schneemann của IHS Market. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp của Apple bởi họ hỗ trợ các dòng điện thoại cũ tốt hơn các nhà sản xuất khác.

"Apple đang bán thiết bị có vòng đời dài hơn bởi giá thành của iPhone đã cao hơn các sản phẩm điện thoại thông minh khác", ông Schneemann nói.

iPhone không phải là thiết bị duy nhất có giá cao hơn nhiều so với những năm trước đây. Theo ông Sunnebo, điện thoại thông minh từ ba hãng điện thoại thông minh hàng đầu thế giới - Apple, Samsung và Huawei - đã tăng giá trung bình 52% trong ba năm. Đà tăng ấy khiến mọi người bớt háo hức mua thiết bị mới hơn.

Hơn nữa, không chỉ có khách hàng mới muốn sử dụng hết mức giá trị của chiếc điện thoại đắt tiền.

Người tiêu dùng đang ngày càng muốn thoát khỏi các hợp đồng di động với nhà mạng viễn thông và điều đó đã phá vỡ chu kì nâng cấp thiết bị cầm tay tự nhiên, ông Sunnebo nói.

Mặt khác, ông Schneemann cho biết, các nhà mạng và hãng sản xuất điện thoại thông minh đã cho phép khách hàng trả tiền cho thiết bị đắt tiền theo đợt để tránh bị sốc vì giá và giúp các mẫu mới giữ được độ "hot" lâu hơn.

"Phương pháp thanh toán này trả góp này thường kéo dài từ 24 - 30 tháng và thậm chí lâu hơn, nhằm giúp khách hàng chỉ phải trả 35 USD/tháng cho chiếc điện thoại hơn 1.000 USD", ông Schneemann nói.

Khi thị trường Trung Quốc phát triển hơn, xu hướng tương tự nhiều khả năng sẽ xuất hiện tại đó.

"Người tiêu dùng Trung Quốc cũng đang phải gánh giá thiết bị ngày càng tăng cao", ông lưu ý. "Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, chúng ta đã nhận thấy thị trường không còn duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ như hồi đầu thập kỉ này".

5G - động lực mua thiết bị mới trong tương lai vẫn chưa hoàn toàn thành hình

Tuy nhiên, động lực để mua một thiết bị mới sẽ đến cùng sự ra mắt của công nghệ mạng di động tốc độ cao tiếp theo - 5G.

"Các điện thoại thông minh hiện tại không thể truy cập mạng 5G, vì vậy người tiêu dùng sẽ có động lực nâng cấp thiết bị", ông Schneemann nói.

Tuy nhiên, 5G không thể xuất hiện trong một sớm một chiều và các mạng di động cũ hơn vẫn sẽ tồn tại tại các thị trường trong thời gian dài. Chìa khóa để thúc đẩy khách hàng nâng cấp thiết bị chính là thay đổi đáng kể trải nghiệm người dùng và đề xuất giá trị mới cho chiếc điện thoại di động.

Trần Nam Thi