|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tại sao Mỹ, Trung đấu đá vì tương lai 5G của thế giới?

06:39 | 19/04/2019
Chia sẻ
Trung Quốc - thị trường di động lớn nhất thế giới theo số lượng thuê bao và qui mô mạng lưới - nhận ra rằng sự ra đời của 5G là cơ hội hàng đầu để phát triển công nghệ viễn thông không dây, vốn do Mỹ và châu Âu thống trị từ trước.
Tại sao Mỹ, Trung đấu đá vì tương lai 5G của thế giới? - Ảnh 1.

5G sẽ là xương sống cho một loạt ứng dụng và công nghệ trong tương lai gần.

5G là gì mà cả thế giới cùng ao ước có được?

Nói một cách đơn giản, 5G là kết nối internet nhanh hơn với dung lượng khổng lồ. Mạng 5G sẽ là xương sống cho một loạt các ứng dụng Internet Vạn Vật (IoT) hoạt động trên Big Data, chẳng hạn như các quy trình sản xuất và thành phố thông minh được hỗ trợ bởi AI và thậm chí là cả cơ sở hạ tầng giao thông cho một thế giới nơi xe hơi không người lái là chuẩn mực, theo South China Morning Post.

"5G là một cuộc cách mạng thực sự. Cuối cùng, công nghệ này sẽ giúp chúng ta tạo ra trải nghiệm liền mạch mới giữa thế giới trực tuyến và ngoại tuyến", ông Ken Hu, chủ tịch luân phiên của Huawei, phát biểu tại hội nghị phân tích của công ty vào tuần này.

Ví dụ, ở Trung Quốc, đường truyền được cải thiện sẽ cho phép phân phối các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của khu vực thành thị đến nông thôn xa xôi tốt hơn. Hơn nữa, mạng 5G cũng có thể hỗ trợ số lượng thiết bị mạng ngày càng tăng trong cuộc sống hàng ngày, từ đồng hồ theo dõi sức khỏe đến TV kết nối internet và loa thông minh tại nhà.

"Dữ liệu là quan trọng bậc nhất. Khi các công ty số hóa qui trình và giao dịch, họ có thể thu nhận nhiều giá trị từ dữ liệu hơn", ông Wilson Chow, người đứng đầu bộ phận viễn thông, truyền thông và công nghệ toàn cầu tại PwC, cho hay. "5G sẽ trở thành xương sống cho quá trình số hóa của nhiều doanh nghiệp".

Lợi ích 5G mang lại cho quốc gia dẫn đầu là không hề nhỏ

Với nhiều tầm quan trọng lớn như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc và Mỹ tranh giành lợi thế dẫn đầu trong cuộc đua 5G vì hàng tỉ USD lợi ích kinh tế sẽ chảy vào nước thắng lợi.

Vì Trung Quốc sở hữu hai nhà vô địch quốc gia Huawei và ZTE, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dành nhiều tháng gần đây để kêu gọi đồng minh, chẳng hạn như Anh và Đức, không sử dụng công nghệ của Trung Quốc trong mạng 5G của các nước này. Theo Washington, việc sử dụng công nghệ của Huawei và ZTE sẽ gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia.

Trong khi đó, Trung Quốc - nơi có thị trường di động lớn nhất thế giới theo số lượng thuê bao và qui mô mạng lưới - nhận ra rằng sự ra đời của 5G là cơ hội hàng đầu để phát triển công nghệ viễn thông không dây, vốn do Mỹ và châu Âu thống trị từ trước.

Mỹ biết họ đã bị bỏ lại phía sau vì Huawei - công ty có trụ sở tại Thâm Quyến - hiện đang là nhà cung cấp thiết bị 5G hàng đầu trên toàn thế giới.

Một báo cáo gần đây của Ủy ban Đổi mới Quốc phòng Mỹ (một ủy ban cố vấn liên bang độc lập của Bộ Quốc phòng Mỹ) cho biết, việc lãnh đạo 5G có thể mang về hàng trăm tỉ USD doanh thu và rất nhiều việc làm trong thập kỉ tới.

"Quốc gia sở hữu 5G sẽ đạt được rất nhiều đổi mới và đặt ra tiêu chuẩn cho phần còn lại của thế giới. Và hiện quốc gia đó nhiều khả năng không phải là Mỹ", báo cáo trên kết luận.

Ứng dụng của 5G "vi diệu" đến đâu?

Nhìn chung, ứng dụng của 5G khá rộng rãi nên công nghệ này mới trở thành mục tiêu đấu đá giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chẳng hạn, hệ thống quản lí giao thông có thể trở nên thông minh hơn nếu được theo dõi theo thời gian thực với hệ thống camera và cảm biến hiện đại.

Đồng hồ thông minh đo mức sử dụng điện và nước sẽ được phổ biến rộng rãi hơn nhờ khả năng hỗ trợ hàng nghìn thiết bị kết nối cùng một lúc của 5G.

Thực tế ảo và thực tế tăng cường - những công nghệ đã được nhắc đến từ lâu và có tiềm năng lớn nhưng bị kìm hãm bởi khả năng hạn chế của mạng không dây hiện tại, cuối cùng cũng có thể thành hiện thực nhờ 5G.

Theo một số cách, 5G có thể được ví như sự ra đời của điện năng - phát minh thúc đẩy năng suất công nghiệp trên qui mô lớn chưa từng thấy. 

Trần Nam Thi