Muốn phát triển 5G, ông Trump 'dịu giọng' hơn về Huawei
Dòng tweet mới của Tổng thống Trump ngày 21/2 tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. |
Lập trường mềm mỏng của ông Trump về Huawei
"Tôi muốn công nghệ 5G, và thậm chí là 6G, xuất hiện ở Mỹ càng sớm càng tốt” ông Trump viết trong một tweet vào buổi sáng ngày 21/2. Với lưu ý rằng công nghệ 5G sẽ mạnh mẽ, nhanh và thông minh hơn so với tiêu chuẩn hiện tại, ông Trump kêu gọi các công ty Mỹ phải tăng cường nỗ lực hoăc nếu không, sẽ bị bỏ lại phía sau.
Cho rằng 5G rõ ràng là tương lai của thế giới, ông Trump viết, “Tôi muốn nước Mỹ giành chiến thắng thông qua cạnh tranh, thay vì ngăn chặn các công nghệ hiện đang tiên tiến hơn. Chúng ta phải luôn dẫn đầu trong mọi thứ chúng ta làm, đặc biệt là khi nói đến thế giới công nghệ thú vị”.
Dòng tweet xuất hiện một ngày sau khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tại Washington được nâng lên cấp độ nội các. Hai bên đang tìm cách định hình khuôn khổ của một thỏa thuận thương mại và những gì ông Trump nói có thể liên quan đến cuộc thảo luận.
Ngoại trưởng Mỹ vẫn phản ứng gay gắt với Huawei?
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo, lại cảnh báo các nước đang sử dụng thiết bị của Huawei có nguy cơ gặp rủi ro trong việc chia sẻ thông tin.
Trong một lần xuất hiện trên Fox Business Network vào ngày 21/2, ông Pompeo nói rằng “Nếu một quốc gia sử dụng thiết bị của Huawei và đưa chúng vào hệ thống thông tin quan trọng của họ, chúng tôi sẽ không thể chia sẻ thông tin với quốc gia đó, chúng tôi sẽ không thể hợp tác cùng họ”.
Ông còn nói thêm, “trong một số trường hợp có thể xảy ra rủi ro chúng ta không thể chia sẻ vị trí của các nguồn lực Mỹ, đại sứ quán Mỹ hoặc một tiền đồn quân sự của Mỹ được. Đó là rủi ro thực sự và chúng tôi muốn đảm bảo rằng các quốc gia khác không chỉ biết đến rủi ro cho người dân của nước họ mà còn cả rủi ro khi hợp tác cùng Mỹ trong việc giữ cho thế giới an toàn”.
Bình luận bên lề về dòng tweet mới của Tổng thống Trump
Ông Klon Kitchen, thành viên cao cấp của Heritage Foundation về công nghệ, chính sách khoa học và an ninh quốc gia, đã bác bỏ luận điểm rằng dòng tweet của ông Trump hàm ý sự thay đổi về quan điểm hay chính sách. “Tôi nghi rằng Tổng thống Trump đang truyền đạt một mong muốn lớn hơn rằng ông muốn thấy nước Mỹ tiếp tục dẫn đầu ngành công nghệ toàn cầu, bất kể các công nghệ nước ngoài khác”, ông Kitchen nói.
Chính quyền Trump đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục một số đồng minh, đặc biệt là ở châu Âu, tham gia tẩy chay thiết bị Huawei.
Tại Anh, người đứng đầu Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia đã bày tỏ công khai rằng Anh có thể kiểm soát các rủi ro bảo mật khi sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei và không tìm thấy bất kì bằng chứng nào về hoạt động gián điệp của công ty này.
Chính phủ Đức cũng đã trì hoãn quyết định về việc có nên cấm Huawei tham gia đấu giá tần số 5G, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 3, do quan điểm khác nhau giữa các bộ.
“Sự thù địch đối với chính quyền Trump tại thủ đô các nước trên khắp châu Âu đã khiến việc thành lập một mặt trận thống nhất chống lại Huawei trở nên khó khăn hơn”, ông Isaac Stone Fish, thành viên cao cấp tại Trung tâm Hiệp hội châu Á về Quan hệ Mỹ - Trung, nói.
“Tổng thống Trump có thể đã dành được nhiều sự ủng hộ hơn nếu ông không xa lánh các đồng minh châu Âu về các vấn đề khác cũng như không công kích cá nhân lãnh đạo các nước”, ông Fish nói.
Trong khi đó, Heritage Foundation của ông Kitchen lưu ý rằng các nước châu Âu chỉ đơn giản nói rằng họ có thể giảm thiểu mối đe dọa từ Huawei, chứ không phải bất đồng ý kiến với Mỹ về mối đe dọa này.
“Ai là người hiểu khả năng của Trung Quốc và mối đe dọa đó hơn?” ông Kitchen hỏi, ngụ ý rằng Mỹ có khả năng hiểu rõ về khả năng của Huawei hơn hết.