|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hàng loạt quốc gia quay lưng với Huawei vì lo ngại tính bảo mật

11:18 | 18/02/2019
Chia sẻ
Huawei đang gặp phải rào cản tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới do lo ngại về vấn đề bảo mật. 
hang loat quoc gia quay lung voi huawei vi lo ngai tinh bao mat
Nguồn: Bloomberg

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei, Giám đốc điều hành khu vực của Huawei, ông Fine Fan, cho biết công ty này tự tin có thể trở thành nhà cung cấp thiết bị 5G cho các nhà mạng di động tại Việt Nam. Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ tiến hành ra mắt mạng 5G vào năm 2021, do đó cần nhập khẩu thiết bị trong thời gian dài.

Theo Nikkei, lợi thế của Huawei là giá cả và chất lượng, tuy nhiên hãng này lại khiến khách hàng lo ngại về vấn đề bảo mật nếu so với các nhà cung cấp khác như Samsung, Ericsson và Nokia...

Thực tế đã chứng minh, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã tỏ ra cảnh giác, thậm chí đã ban hành các lệnh cấm đối với các thiết bị công nghệ 5G của Huawei, đây có lẽ chính là điểm đáng lo ngại nhất đối với nhà cung cấp đến từ Trung Quốc.

Mỹ điều tra Huawei vì cáo buộc đánh cắp bí mật kinh doanh từ doanh nghiệp

Tại Mỹ, Huawei bị cáo buộc trộm cắp bí mật thương mại. Câu chuyện có liên quan đến thiết bị robot có tên “Tappy” do T-mobile sản xuất, được sử dụng trong thử nghiệm điện thoại thông minh.

Năm 2014, T-mobile cho rằng các nhân viên của Huawei đã đánh cắp các bí mật thương mại robot qua một nhóm nghiên cứu và phát triển của công ty công nghệ Trung Quốc.

Cũng theo Wall Street Journal, các công tố liên bang Mỹ đang tiến hành điều tra Huawei và có thể sẽ sớm công bố kết quả.

Bên cạnh việc điều tra cáo buộc đánh cắp bí mật kinh doanh, Mỹ cũng đã công bố lệnh cấm công nghệ 5G của Huawei tại Mỹ vì lo ngại công ty này sẽ trở thành “tai mắt” của chính phủ Trung Quốc.

Cộng hòa Séc lo ngại rủi ro với anh ninh quốc gia

Tại Cộng hòa Séc, cuối năm 2018 Cơ quan An ninh Không gian Mạng (NUKIB) nước này đã cảnh báo Huawei là mối đe dọa tiềm tàng đến an ninh quốc gia.

Một lí do NUKIB đưa ra cảnh báo về Huawei là một đạo luật được Bắc Kinh ban hành năm 2017, theo đó yêu cầu các công ty Trung Quốc hỗ trợ và hợp tác trong mạng tình báo quốc gia của nước này dù hoạt động ở bất kì đâu.

Động thái trên được NUKIB thực hiện nhằm hạn chế Huawei tham gia xây dựng mạng 5G tại Cộng hòa Séc cũng như ngăn chặn công ty này cung cấp thiết bị cho các cơ quan, tổ chức được xem là có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia.

Ngay sau cảnh báo của NUKIB, Huawei đã bác bỏ cáo buộc từ phía Séc và yêu cầu NUKIB hủy hoặc điều chỉnh lại cảnh báo của mình, bởi họ cho rằng cảnh báo như thế vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa kiện Séc ra tòa án quốc tế.

Ngày 14/2, NUKIB đã chuyển một bức thư phúc đáp tới Huawei, cho biết họ không thay đổi quan điểm trong cảnh báo đưa ra cuối năm 2018.

Chính phủ Séc ngay sau đó yêu cầu các cơ quan chính phủ rà soát và phân tích các mối nguy hại trong việc sử dụng phần cứng và phần mềm của Huawei cũng như ZTE để có hướng xử lí trong năm 2019.

Theo đó, tổng cộng khoảng 160 cơ quan chính phủ đã rà soát và một số bộ như Bộ Y tế và Bộ quốc phòng đã ngưng hoặc cấm nhân viên sử dụng công nghệ của Huawei.

Italy có thể sử dụng "quyền lực vàng" rút khỏi các hợp đồng đã ký với Huawei

Trong bối cảnh lo ngại bảo mật đối với Huawei đang tăng cao tại Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia khác do nghi ngờ Huawei có mối quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc và Bắc Kinh có thể sử dụng công nghệ của Huawei để do thám, Italy sẽ cấm Huawei và ZTE tham gia thiết lập cơ sở hạ tầng cho mạng 5G của nước này, tờ Stampa đưa tin.

Để làm được như vậy, chính phủ Italy sẵn sàng sử dụng cái gọi là “quyền lực vàng” cho phép họ rút khỏi các hợp đồng đã kí mà không phải chịu tiền phạt.

Thủ tướng Đức chần chừ việc mở cửa cho Huawei

Ngày 5/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Đức cần đảm bảo rằng Huawei sẽ không bàn giao dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc trước khi nhà cung cấp thiết bị viễn thông có thể tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G.

hang loat quoc gia quay lung voi huawei vi lo ngai tinh bao mat

Bà Merkel, trong một chuyến viếng thăm Nhật Bản, đã bày tỏ lo ngại về an ninh mạng đối với Huawei.

Trong cuộc thảo luận với Đại học Keio, bà Merkel nói rằng an ninh là điều quan trọng nhất nếu các công ty muốn hoạt động tại Đức, do đó, Đức cần phải làm rõ rằng chính phủ Trung Quốc không thể truy cập tất cả dữ liệu trong các sản phẩm của Huawei.

Tuy nhiên, chính phủ Đức vẫn chưa đạt được lập trường vững chắc về việc mở cửa cho Huawei tại nước này.

Canada có thể cấm Huawei xây dựng mạng 5G

Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau đang chờ đợi bản đánh giá an ninh trước khi quyết định có cấp phép cho Huawei triển khai mạng 5G tại nước này hay không. Tuy nhiên, các nhà phân tích đều cho rằng Canada đang trì hoãn việc ra quyết định và trông đợi động thái từ các nước đồng minh.

Ông Richard Fadden, cựu cố vấn ninh quốc gia cho ông Trudeau, cho biết Canada nhiều khả năng sẽ cấm cửa Huawei.

Canada có thể theo chân các nước gồm Mỹ, Australia, Italy trong việc cấm hoặc hạn chế sử dụng thiết bị của Huawei.

Đây được xem là quyết định khó khăn nhất ông Trudeau phải đưa ra trong nhiệm kì bởi ông phải cân bằng mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc vì một số công dân Canada đang bị Trung Quốc giam giữ. Đồng thời, ông Trudeau còn phải đối mặt với áp lực từ cơ quan tình báo và các công ty viễn thông trong nước, theo Bloomberg.

Cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc Guy Saint-Jacques cũng đồng ý với quan điểm Canada nên cấm cửa Huawei bởi ông nhận thấy mở cửa cho Huawei gây ra rủi ro quá lớn về an ninh.

Australia cấm sử dụng thiết bị của Huawei, công ty viễn thông TPG thông báo trì hoãn kế hoạch 5G

Ngày 29/1, công ty viễn thông TPG Telecom của Australia đã thông báo hoãn kế hoạch xây dựng mạng 5G trị giá 2 tỉ AUD (khoảng 1,4 tỉ USD) bởi lệnh cấm của chính phủ liên bang đối với việc sử dụng thiết bị từ Huawei.

hang loat quoc gia quay lung voi huawei vi lo ngai tinh bao mat
Công ty viễn thông TPG Telecom của Australia phải dừng ký kết hợp đồng với Huawei vì lệnh cấm từ Chính phủ

Phát ngôn viên của TPG cho biết việc ký hợp đồng sử dụng thiết bị của Huawei đã được TPG thực hiện trước khi Chính phủ Australia ban hành lệnh cấm vào tháng 8/2018 do lo ngại vấn đề bảo mật thông tin. Lệnh cấm này trở thành vấn đề phức tạp vượt ngoài tầm kiểm soát của TPG, khiến công ty rơi vào tình trạng không có nhà cung cấp thiết bị viễn thông mạng 5G.

Tháng 8/2018, Chính phủ Australia đã ban hành bộ quy định về an ninh quốc gia mở rộng, trong đó có điều khoản cấm sử dụng thiết bị của công ty công nghệ Huawei cho việc triển khai dự án mạng lưới viễn thông 5G.

Nhật Bản quay lưng với Huawei và ZTE

Ngoài Mỹ và Australia đã đưa ra lệnh cấm cũng như Đức, Ba Lan, Na Uy và Canada đang tiến hành đánh giá và có thể đưa ra lệnh cấm, Nhật Bản mới đây vừa trở thành đồng minh của Mỹ sau khi quay lưng với hai hãng viễn thông Trung Quốc là Huawei và ZTE.

Theo South China Morning Post, chính phủ Nhật Bản vừa quyết định loại thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE khỏi danh sách mua sắm công, mở rộng danh sách các nước từ chối sản phẩm của hai hãng công nghệ Trung Quốc vì vấn đề an ninh.

Giới chức an ninh mạng thuộc nhiều bộ ngành có liên quan ở Nhật Bản đã đồng ý về kế hoạch, song không nêu rõ tên các doanh nghiệp sẽ chịu tác động tiềm tàng khi quan hệ Tokyo - Bắc Kinh thay đổi.

Xem thêm

Trần Nam Thi

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.