Đức và Anh còn ngần ngại gì mà chưa cấm sản phẩm Huawei?
Các nước đồng minh của Mỹ đang có quan điểm khác nhau về vụ việc Huawei. |
Đức và Anh chưa đưa ra lệnh cấm vì lo ngại Trung Quốc?
Lập trường của Đức tương đồng với lập trường của Anh, quốc gia tin rằng các rủi ro do Huawei gây ra là có thể kiểm soát được. Do đó, quan điểm này của Đức sẽ giáng một đòn mạnh vào nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm thuyết phục các đồng minh cấm thiết bị của Huawei khỏi mạng 5G vì lí do bảo mật.
Nội các Đức đã trì hoãn đưa ra quyết định từ đầu tháng 2 này khi được kì vọng sẽ xác định liệu có cấm thiết bị của Huawei hay không. Đức dự kiến sẽ tổ chức một cuộc đấu giá cho các tần số 5G vào giữa tháng 3 tới và cần đưa ra quyết định trước đó.
Một cuộc điều tra gần đây của cơ quan an ninh mạng Đức không chứng minh được rằng công ty đến từ Trung Quốc Huawei có thể sử dụng thiết bị của mình để bí mật truyền dữ liệu ra ngoài, Wall Street Journal đưa tin hôm 19/2.
“Nếu Anh và Đức, hai đồng minh chủ chốt, không trên cùng chiến tuyến với Mỹ, điều đó sẽ khiến nỗ lực của chính quyền Trump trong việc gán Huawei như một mối đe dọa an ninh trở nên mất tác dụng”, ông Edward Alden, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tại Washington DC, nói. “Canada nhiều khả năng cũng sẽ thoái lui”, ông cho hay.
Ông Alden hoài nghi rằng Mỹ đã đưa ra bằng chứng áp đảo cho các đồng minh về việc Huawei có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Một trong những mối quan tâm chính được các nhà phê bình đưa ra là luật pháp Trung Quốc bắt buộc Huawei phải hợp tác với chính phủ Trung Quốc nếu được yêu cầu. Ngoài ra, Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể kiểm soát công ty thông qua những bộ phận mà họ điều hành bên trong Huawei, có trách nhiệm báo cáo trực tiếp cho tổ chức Đảng.
Mặc dù vậy, tờ Financial Times đã đưa tin vào ngày 17/2 rằng Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia Anh đã xác định rằng những rủi ro khi sử dụng thiết bị của Huawei trong các mạng viễn thông tốc độ cao trong tương lai có thể được giảm thiếu. Một nguồn tin cho biết người dân Anh có thể sẽ đề xuất một phương án mà theo đó, sử dụng nhiều nhà cung cấp và hạn chế một phần.
Là thành viên của Five Eyes, một hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ, Canada, Australia và New Zealand, Anh có thể gây ảnh hưởng đến chính sách của các quốc gia khác.
Tuy nhiên, sự do dự của London trong việc hỗ trợ chính quyền Trump với lệnh cấm hoàn toàn Huawei có thể liên quan đến các tính toán chính trị. “Ở trạng thái hiện tại, trên cở sở đàm phán Brexit với EU, chính phủ Anh không có đủ khả năng để đối kháng với Trung Quốc”, ông Alden nói. Không có dấu hiệu nào cho thấy các thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ hoặc Nhật Bản đang đạt được tiến triển, Anh ngày càng bị cô lập, ông nói thêm.
“Anh có thể đã lo ngại rằng việc cấm hoàn toàn Huawei có thể trì hoãn kế hoạch tung ra 5G của nước này”, giáo sư Đại học Keio, ông Tatsuya Kurosaka, một chuyên gia về ngành công nghệ viễn thông, cho hay.
Về phần mình, Đức đang đứng ngồi không yên bởi các lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc áp thuế bổ sung đối với ô tô nhập khẩu từ châu Âu. Thuế xe hơi sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Đức so với việc tung ra 5G. Các chuyên gia cho rằng các bộ của Đức đang bị chia rẽ bởi quan điểm khác nhau của họ về cách xử lí vụ việc của Huawei.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đã ám chỉ rằng quyết định sẽ không được đưa ra trước phiên đấu giá 5G tổ chức vào giữa tháng 3 tới.
Đồng minh khác của Mỹ đưa ra lập trường vững chắc
New Zealand cũng đã đưa ra động thái mới. “Đúng là nhóm Five Eyes chia sẻ thông tin với nhau, nhưng chúng tôi có thể tự đưa ra quyết định độc lập được”, Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết hôm 19/2, báo hiệu rằng Wellington sẽ đánh giá các rủi ro liên quan đến Huawei mà không chịu ảnh hưởng từ Washington.
Điều này thể hiện một khả năng thay đổi đối với New Zealand. Vào tháng 11/2018, nước này đã từ chối đề xuất của một công ty viễn thông về việc sử dụng thiết bị 5G của Huawei, ngay cả khi nhấn mạnh rằng quyết định này không nhằm vào bất kì công ty cụ thể nào.
Trong khi đó, Mỹ đang tăng cường sức ép lên Huawei. Phó Tổng thống Mike Pence, một người chống Trung Quốc, đã cảnh báo về mối đe dọa mà công ty này đặt ra tại Hội nghị An ninh Munich vào ngày 16/2. Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng kêu gọi các nước Đông Âu hợp tác với Mỹ về vụ Huawei. Tuy nhiên, Slovakia không coi công ty Trung Quốc này là một vấn đề.
Trong số các đồng minh châu Á của Mỹ, Nhật Bản đã lên kế hoạch cấm các sản phẩm của Huawei khỏi mạng 5G của nước này, với lí do rủi ro bảo mật. SoftBank Corp, bộ phận di động của SoftBank Group, đang xem xét thay thế thiết bị Huawei trong mạng 4G hiện tại để đáp ứng các yêu cầu của chính phủ Nhật Bản và Mỹ. Nhật Bản đã không thay đổi lập trường rằng nước này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau khi cân nhắc tất cả yếu tố liên quan.