Nhiều đại gia điện thoại nước ngoài đổ vào Việt Nam
Trước sự trỗi dậy và sức ép cạnh tranh từ các hãng điện thoại Trung Quốc (TQ), nhiều đại gia điện thoại thế giới đã chọn Việt Nam (VN) là cứ điểm sản xuất để cân bằng cạnh tranh, tìm kiếm lợi nhuận.
Với những sản phẩm hàng đầu trên thế giới gắn liền với “made in Vietnam” sẽ giúp bồi đắp nhiều giá trị hơn cho thương hiệu VN và từ đó thu hút ngày càng nhiều dòng chảy đầu tư vào nước ta.
Cuộc đổ bộ của ông lớn
Tập đoàn LG (Hàn Quốc) vừa thông báo chuyển bộ phận sản xuất điện thoại thông minh tại Pyeongtaek, một vùng ngoại ô của Seoul đến Hải Phòng. Với quyết định này, LG trở thành đại gia điện thoại thứ ba sau Samsung và Apple chọn VN đặt cược cho chiến lược cạnh tranh.
Ban lãnh đạo LG cho biết nhà máy tại Pyeongtaek có công suất sản xuất 5 triệu điện thoại mỗi năm nhưng dự định khi nhà máy đã thiết lập tại Hải Phòng sẽ nâng công suất lên 11 triệu máy. Riêng trong năm 2018, LG đã bán được 40 triệu smartphone trên toàn cầu, chiếm 3% thị phần điện thoại thế giới nhưng đồng thời cũng ghi nhận lỗ trong quý cuối của năm 2018. Do vậy bước chuyển này (sản xuất điện thoại thông minh tại VN - PV) nhằm giảm đi những khoản lỗ cho mảng điện thoại LG cũng như tăng công suất sản xuất.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, động thái mới của LG cũng là xu hướng chung của các công ty Hàn Quốc ngày càng ưa thích chuyển dịch nhà máy vào VN. Nhiều tập đoàn của Hàn Quốc ngày nay đang chạy các dây chuyền sản xuất tại VN để cắt giảm chi phí cũng như muốn tăng doanh thu bán hàng tại nước sở tại. Mặt khác, nền kinh tế VN đang tăng trưởng khá tốt với GDP gần 7% đã giúp hỗ trợ mức tăng doanh thu cho các công ty Hàn Quốc.
“Điều quan trọng nhất là các siêu phẩm hàng đầu thế giới với dòng chữ ghi “made in Vietnam” sẽ đem nhiều lợi ích cho VN từ uy tín, thương hiệu và chất lượng” - ông Hiếu cho biết.
Thị trường điện thoại tại Việt Nam đang có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các ông lớn. Ảnh: PM
Bồi đắp giá trị “made in Vietnam”
Theo các chuyên gia, điện thoại TQ đang trở thành một thế lực đáng gờm với các thương hiệu hàng đầu thế giới, đã lấy đi rất nhiều doanh thu và lợi nhuận của những gã khổng lồ khác. Chính vì vậy các đại gia điện thoại trên thế giới dịch chuyển nhà máy sang các nước khác, đặc biệt là VN nhằm tái cấu trúc công ty, giảm chi phí nhân công, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ví dụ như lương lao động VN chỉ bằng khoảng 1/8 so với nhân công Hàn Quốc.
Bằng chứng là trước LG, đầu năm nay, Tập đoàn Hoan Hai, được biết dưới cái tên Foxconn, một công ty lớn chuyên lắp ráp iPhone của Apple muốn trả 16,5 triệu USD cho một công ty để được quyền sử dụng 250.000 m2 đất tại một khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang.
Gã khổng lồ Samsung cũng khẳng định tiếp tục chọn VN là cứ điểm sản xuất lớn nhất để cung cấp các dòng điện thoại thông minh đi khắp thế giới. Trong chuyến thăm VN vào cuối năm ngoái, ông Lee Jae-yong, Phó Chủ tịch Samsung Electronics, cam kết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại VN.
Samsung Electronics vận hành dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Các nhà máy này sản xuất 150 triệu điện thoại di động, chiếm nửa tổng lượng sản xuất của Samsung. Đáng chú ý Samsung đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại thứ ba tại VN với công suất lên đến hơn 100 triệu máy.
Đây là những chỉ dấu rõ ràng cho thấy các hãng điện thoại lớn đang đặt niềm tin cho việc sản xuất tại VN. Nhưng không chỉ điện thoại, GS-TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, nhìn nhận VN vẫn là một điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài.
“Trải qua một thời gian khá dài đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế nước ta. Qua đó góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hệ thống chính sách, pháp luật đầu tư kinh doanh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất lao động trong bối cảnh mới” - ông Đạt đánh giá.
Tuy nhiên, GS-TS Trần Thọ Đạt cũng lưu ý với thế hệ mới của đầu tư nước ngoài cần ưu tiên các doanh nghiệp có công nghệ cao, lao động chất lượng cao, tập trung vào nghiên cứu phát triển. Từ đó mang lại giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu của VN.
Mặt khác, nhìn từ trường hợp Samsung, ông Đạt cho rằng họ đã đóng góp khá nhiều cho nền kinh tế từ xuất khẩu, giải quyết việc làm và một phần nào đó tạo ra nền tảng ban đầu của ngành công nghiệp phụ trợ VN. Nhưng nếu để một số doanh nghiệp có sức ảnh hưởng lớn với nền kinh tế thì VN dễ bị gây sức ép để tăng ưu đãi và nếu không đáp ứng, doanh nghiệp đó có thể chuyển sang các nước khác.
“Do đó quan trọng là VN phải chủ động nắm bắt cơ hội để doanh nghiệp trong nước có sự trưởng thành về khả năng quản lý, trưởng thành về khoa học công nghệ… chứ không đơn thuần chỉ là nhằm giải quyết công ăn việc làm với giá nhân công tương đối rẻ” - GS Đạt nhấn mạnh.
Apple xuống hạng, Huawei lên ngôi
Một báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu thị trường IDC cho biết tính trong quý I-2019, trong nhóm năm thương hiệu điện thoại bán nhiều nhất trên thế giới đã có ba hãng đến từ TQ. Đặc biệt, hãng Huawei của TQ có sản lượng bán là 59,1 triệu máy, chiếm gần 20% thị phần, xếp thứ hai và đã đẩy Apple xuống thứ ba. Nếu so với cùng kỳ, Huawei có mức tăng khủng khiếp lên đến 50% và đang thách thức người dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh là Samsung.
Còn theo công ty nghiên cứu thị trường International Data Corp (Mỹ), thị phần điện thoại trên toàn cầu đã sụt giảm năm thứ hai liên tiếp. Nguyên nhân do thị trường điện thoại đã đạt đến độ chín muồi vì sức sáng tạo cũng như đổi mới tính năng điện thoại của các hãng trên toàn cầu ngày càng chậm.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) vừa có báo cáo về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đó, tính đến ngày 20-4-2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 14,59 tỉ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là con số kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký của bốn tháng trong vòng bốn năm trở lại đây.