|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hai mối nguy trong lễ nhậm chức của ông Biden

14:48 | 19/01/2021
Chia sẻ
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết họ đang lo ngại về một cuộc tấn công nội bộ hoặc mối đe dọa khác từ các binh lính tham gia bảo vệ lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Hai mối nguy trong lễ nhậm chức của ông Biden

Theo AP, khoảng 25.000 lính Vệ binh Quốc gia từ khắp nước Mỹ đang điều quân về thủ đô Washington để bảo vệ lễ nhậm chức của ông Biden. Con số này gấp ít nhất 2,5 lần so với những sự kiện nhậm chức tổng thống trước đó. Trong khi quân đội thường xuyên đánh giá binh lính để rà soát các phần tử cực đoan, FBI sẽ tiến hành đánh giá bổ sung để không lọt lưới bất kì mối đe dọa nào.

Cuộc đánh giá quy mô của FBI cho thấy các mối lo ngại bất thường về an ninh đang bao trùm thủ đô Washington sau cuộc nổi dậy chết người tại Điện Capitol ngày 6/1.

Ngoài ra, chiến dịch này còn cho thấy một số binh lính được giao nhiệm vụ bảo vệ thủ đô nước Mỹ trong vài ngày tới có thể gây ra mối đe dọa cho ông Biden cùng các nhân vật cấp cao tham dự lễ nhậm chức ngày 20/1.

Căng thẳng cuộc điều binh bảo vệ thủ đô Washington trước ngày ông Biden nhậm chức - Ảnh 1.

Lính Vệ binh Quốc gia diễn tập quanh Điện Capitol. (Ảnh: AP).

Chia sẻ với AP, Bộ trưởng Lục quân Ryan McCarthy cho biết các quan chức nhận thức rõ mối đe dọa tiềm tàng. Đồng thời, ông McCarthy còn cảnh báo các chỉ huy phải đề phòng các vấn đề phát sinh trong hàng ngũ của họ khi lễ nhậm chức đến gần.

Tuy nhiên, cho đến nay, ông McCarthy, lãnh đạo quân đội và các quan chức khác cho biết họ chưa nhận thấy bằng chứng về bất kỳ mối đe dọa hay vấn đề nào.

Sau cuộc họp kéo dài 3 giờ đồng hồ cùng các lãnh đạo quân đội khác để chuẩn bị cho lễ nhậm chức vào ngày 20/1 tới, ông McCarthy cho hay: "Chúng tôi liên tục thực hiện quy trình và đánh giá từng cá nhân tham gia sự kiện nhậm chức hai, ba lần".

Ngoài ra, Bộ trưởng Lục quân còn cho biết lính vệ binh cũng đang được hướng dẫn để xác định các mối đe dọa nội bộ tiềm ẩn.

Nhiều quan chức cho biết quy trình đánh giá trên bắt đầu khi các lính vệ binh đầu tiên bắt đầu đổ bộ về thủ đô Washington hơn một tuần trước. Theo dự kiến, quá trình đánh giá sẽ hoàn thành vào ngày 20/1, tức ngày nhậm chức của ông Biden.

Để đánh giá các thành phân tham gia lễ nhậm chức, FBI sẽ chạy tên của các binh sĩ thông qua một cơ sở dữ liệu và danh sách theo dõi do cơ quan này quản lý để tìm ra điểm đáng báo động (nếu có). Ông David Gomez, cựu giám sát an ninh quốc gia của FBI tại Seatle, cho biết rủi ro có thể liên quan đến các cuộc điều tra hoặc các lo ngại liên quan đến khủng bố trước đó.

Căng thẳng cuộc điều binh bảo vệ thủ đô Washington trước ngày ông Biden nhậm chức - Ảnh 2.

Người biểu tình mang theo súng tụ tập bên ngoài tòa nhà chính quyền bang Kentucky. (Ảnh: AP).

Tuy nhiên, mối đe dọa nội bộ chỉ là một trong các lo ngại về an ninh được nêu ra hôm 17/1, khi hàng chục sĩ quan quân đội, lính Vệ binh Quốc gia, sĩ quan cảnh sát và các quan chức cũng như chỉ huy tại thủ đô Washington tổ chức diễn tập an ninh ở phía bắc bang Virginia.

Sở Mật vụ sẽ phụ trách an ninh tại sự kiện nhậm chức, song có rất nhiều quân nhân và sĩ quan cảnh sát khác tham gia, từ lính Vệ binh Quốc gia, FBI đến Sở Cảnh sát thủ đô Washington, Cảnh sát Quốc hội Mỹ và Cảnh sát Công viên Mỹ.

"Chúng tôi không thể để tái diễn tình trạng hỗn loạn và hoạt động bất hợp pháp mà Mỹ và thế giới chứng kiến hồi tuần trước", ông Matt Miller, người đứng đầu văn phòng hiện trường của Sở Mật vụ tại Washington, cho hay.

Các nhóm cực đoan manh động

Trong quá khứ, các mối đe dọa thường đến từ các lực lượng nổi dậy trong nước do al-Quaida, Nhà nước Hồi giáo hoặc các nhóm cực đoan tương tự giật dây.

Tuy nhiên, mối đe dọa lần đối với lễ nhậm chức của ông Biden lại liên quan đến người ủng hộ Tổng thống Trump, các nhóm cực hữu, người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và các nhóm cực đoan khác.

Căng thẳng cuộc điều binh bảo vệ thủ đô Washington trước ngày ông Biden nhậm chức - Ảnh 3.

Ông Martin Szelag đeo một tấm bảng đòi bằng chứng chứng minh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ không xảy ra gian lận. (Ảnh: AP).

Theo AP, rất nhiều người tin các cáo buộc vô căn cứ của ông Trump về gian lận bầu cử, dù tòa án, Bộ Tư pháp và các quan chức Đảng Cộng hòa ở các bang chiến địa đều lên tiếng bác bỏ.

Cuộc nổi dậy tại Điện Capitol bắt đầu sau khi ông Trump đưa ra những bình luận quá khích tại cuộc biểu tình ngày 6/1. Theo ông McCarthy, một số binh sĩ đã có mặt tại cuộc biểu tình nhưng không rõ cụ thể có bao nhiêu người hoặc ai tham gia chiếm đóng Điện Capitol. Cho đến nay, chỉ một số sĩ quan tại ngũ hoặc binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia bị bắt do có liên quan đến vụ tấn công Điện Capitol.

Từ ngày 17/1, các nhóm nhỏ người biểu tình cánh hữu, một số mang theo súng trường, đã tập trung bên ngoài các tòa nhà chính quyền bang. Lượng người biểu tình đông hơn hẳn so với lính Vệ binh Quốc gia và cảnh sát được điều đến để ngăn chặn bạo lực.

Một số người biểu tình cho biết họ đến để ủng hộ Tổng thống Trump. Số khác cho hay họ có mặt để lên tiếng ủng hộ quyền sử dụng súng hoặc chê trách chính phủ.

"Tôi không tin tưởng kết quả bầu cử tổng thống", ông Martin Szelag (67 tuổi), một người biểu tình tại Michigan nói. Ông Szelag đeo một tấm biển quanh cổ, nội dung ghi: "Chúng tôi sẽ ủng hộ Joe Biden làm tổng thống nếu bạn thuyết phục chúng tôi rằng ông ta chiến thắng một cách hợp pháp. Đưa bằng chứng ra đây! Rồi nước Mỹ sẽ hàn gắn".

Khi ngày trôi qua mà không có đổ máu trên nước Mỹ, một cảm giác nhẽ nhõm lan tỏa trong các quan chức chính phủ, dù họ chưa thể buông lơi cảnh giác.

Cũng ngày 17/1, một số tòa nhà chính quyền bang đã được bao quanh bởi hàng rào an ninh, cửa sổ được che chắn và có thêm sĩ quan tuần tra. Hàng rào cũng được bố trí khắp Điện Capitol. Khu phức hợp National Mall không đón khách trong khoảng thời gian này và Thị trưởng Washington cũng yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài.

Tại tòa nhà bang Ohio, khoảng hai chục người, trong đó có một số người mang súng, đã biểu tình bên ngoài dưới sự giám sát của các binh lính trước khi giải tán khi trời bắt đầu có tuyết rơi.

Kathy Sherman cho biết cô ủng hộ ông Trump nhưng không muốn liên quan đến đám đông đã đột nhập vào Điện Capitol hôm 6/1. "Tôi ở đây để ủng hộ quyền phát biểu quan điểm chính trị mà không sợ bị kiểm duyệt, sách nhiễu hoặc đe dọa mất việc hoặc bị hành hung", Sherman nói.

Khả Nhân