|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Gọi vốn thất bại trên Shark Tank, nhóm sản xuất kính râm vẫn thành công rực rỡ, bán sản phẩm ở 20 nước

13:23 | 22/01/2019
Chia sẻ
Dù gọi vốn bất thành trong Shark Tank, nhóm sản xuất kính râm gọng gỗ vẫn tăng doanh thu gấp 3 lần và đưa sản phẩm tới 20 quốc gia, trở thành những doanh nhân thành công.

Brook Dame, Tanner Dame, Taylor Dame là 3 anh em ruột. Với mơ ước trở thành doanh nhân thành công, năm 2010, họ thành lập công ty Proof Eyewear trong garage của gia đình ở bang Idaho, Mỹ để sản xuất kính râm gọng gỗ. Hồi đó, chỉ vài công ty ở Mỹ sản xuất kính gọng gỗ, song phần lớn sản phẩm mang tính nghệ thuật hơn thời trang, Business Insider đưa tin.

"Kính mắt là thứ chúng ta để trên mặt. Vì thế, nhiều người muốn sở hữu chiếc kính độc đáo và khiến họ cảm thấy tự hào. Nó mang tới cơ hội tạo ra bản sắc riêng. Nhiều người không có nhu cầu mua kính, song họ vẫn hay tới các cửa hàng kính để chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật", Tanner Dame bình luận.

goi von that bai tren shark tank nhom san xuat kinh ram van thanh cong ruc ro ban san pham o 20 nuoc
Kính râm gọng gỗ Proof Eyewear trên trang thương mại điện tử Amazon.

Lợi thế của 3 anh em là ông nội của họ có một xưởng cưa ở bang Utah do bố và chú ruột của họ quản lý. Họ lấy gỗ từ vùng tây bắc Thái Bình Dương và Canada để sản xuất kính. Tiêu chí của họ là vật liệu sản xuất phải không gây hại cho môi trường.

Kính gọng nhựa là sản phẩm chiếm đa số trên thị trường. Để cạnh tranh, nhóm sáng lập chọn cellulose acetate, vật liệu có nguồn gốc từ bột gỗ. Ngoài ra, họ dùng nhôm tái chế để sản xuất gọng cổ điển.

"Gỗ là vật liệu thân thiện môi trường, còn nhôm cho phép chúng ta tái chế vô hạn. Vì thế, nhôm là lựa chọn tối ưu cho sản phẩm tiêu dùng", Tanner Dame phát biểu.

Gọi vốn thất bại trên Shark Tank

Hồi tháng 2/2013, nhóm sáng lập Proof Eyewear tham gia chương trình Shark Tank để gọi vốn. Họ muốn huy động 150.000 USD để đổi lấy 10% cổ phần công ty. Hai nhà đầu tư đưa ra đề nghị, Một người muốn rót 150.000 USD nhưng muốn 25% cổ phần, còn người kia sẵn sàng chi 200.000 USD để lấy 20% cổ phần. Nhóm sáng lập từ chối cả hai đề xuất.

goi von that bai tren shark tank nhom san xuat kinh ram van thanh cong ruc ro ban san pham o 20 nuoc
3 anh em Brook Dame, Tanner Dame, Taylor Dame xuất hiện trong chương trình Shark Tank hồi năm 2013. Ảnh: Business Insider

Dù gọi vốn thất bại, sự xuất hiện trên Shark Tank thực sự là cú hích lớn đối với công việc kinh doanh của 3 anh em nhà Dame. Số người biết thương hiệu Proof Eyewear tăng lên hàng chục triệu, và người dân nhận ra 3 anh em ở mọi nơi. Doanh số tăng gấp 3 trong năm 2014, đạt 1,4 triệu USD. Vào năm 2017, doanh số của công ty đạt 1,6 triệu USD và họ không có khoản nợ nào.

Với mức giá từ 75 tới 140 USD, họ hợp tác với 8 nhà phân phối quốc tế để bán kính râm ở 20 quốc gia, trong đó Nepal là quốc gia mới nhất mà họ xâm nhập. Mặc dù đạt doanh số hàng triệu USD mỗi năm, công ty chỉ thuê 8 nhân viên toàn thời gian và 3 nhân viên bán thời gian.

Bí quyết thành công

Sự hiện diện trên Shark Tank không phải yếu tố duy nhất giúp Proof Eyewear tăng trưởng ngoạn mục và nhóm sáng lập trở thành những doanh nhân thành công. Trong thời đại thương mại điện tử phát triển chóng mặt, 3 anh em vẫn mở các cửa hàng để người tiêu dùng có thể trải nghiệm kính râm.

"Cơ hội để khách hàng sờ, đeo thử kính thực sự là yếu tố mang tính sống còn đối với sự phát triển của chúng tôi", họ phát biểu.

3 anh em nhà Dame thuyết trình trong Shark Tank hồi năm 2013.

"Cho trước khi nhận" là phương châm sống của nhóm sáng lập Proof Eyewear. Họ trích 12% lợi nhuận để làm từ thiện hoặc đóng góp cho các tổ chức nhân đạo. Mỗi tháng, toàn bộ nhân sự của công ty dành một ngày để tham gia hoạt động tình nguyện với một tổ chức từ thiện nào đó.

3 anh em nhà Dame thường xuyên đến các quốc gia như Ấn Độ, Philippines, Nepal và El Salvador, nơi công ty tài trợ cho các vụ thử nghiệm, phẫu thuật và cung cấp kính thuốc. Ở Ấn Độ, họ hợp tác với những người tiên phong trong phong trào chăm sóc mắt để mang tới cơ hội điều trị các bệnh về mắt miễn phí cho người nghèo.

Văn hóa doanh nghiệp của Proof Eyewear chú trọng tới tình cảm và sự thoải mái. Mọi người thường xuyên dành thời gian tụ tập với nhau sau thời gian làm việc. Cuối tuần, họ cùng nhau leo núi, dã ngoại hay du lịch, làm từ thiện.

"Môi trường của chúng tôi khá thoải mái, song mọi người không hành xử tùy tiện", Vierra Reid, người phụ trách tiếp thị tại công ty, phát biểu.

Xem thêm

Nhạc Dương