|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Giữa dịch COVID-19, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn 'đắt hàng'

08:27 | 03/04/2020
Chia sẻ
19 đã xuất hiện hơn ba tháng trên thế giới với hầu hết các quốc gia đều có người bị nhiễm bệnh. Dưới tác động của đại dịch, nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ lâm vào khó khăn.
Giữa dịch COVID-19, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn 'đắt hàng' - Ảnh 1.

Người lao động làm hàng công nghiệp hỗ trợ tại một nhà máy ở P.Phước Tân, TP.Biên Hòa. Ảnh: Văn Gia

Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp (DN) ngành hàng công nghiệp hỗ trợ cho hay, lượng đơn hàng họ nhận được lại gia tăng mạnh. 

Nguyên nhân là nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khó nhập hàng trong thời điểm dịch bệnh nên tìm kiếm nguồn hàng trong nước. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho các DN sản xuất, mà còn giúp rút ngắn thời gian giao dịch, giảm chi phí vận chuyển.

Đơn hàng, doanh số tiêu thụ tăng 30-40%

Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, sẽ có hơn 60% DN được khảo sát bị giảm trên 50% doanh thu, gần 29% DN bị giảm 20-50% doanh thu. 

Tuy nhiên, với các DN ngành hàng công nghiệp hỗ trợ, ở thời điểm hiện nay, đơn đặt hàng lại gia tăng.

Vừa sửa sang, mở rộng nhà máy sản xuất trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thời điểm này, Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp An Phát (TP.Biên Hòa) nhận được đơn đặt hàng nhiều hơn. 

Do vậy, những ngày qua công nhân của công ty phải tăng tốc sản xuất, làm thêm giờ để đảm bảo thời hạn giao hàng cho khách hàng. “Chúng tôi vừa lo mở rộng xưởng, vừa lo tập trung sản xuất để đáp ứng nhu cầu đặt hàng của đối tác. 

Vấn đề lo lắng không phải là đơn hàng mà lo dịch bệnh kéo dài, sợ ảnh hưởng đến công nhân sản xuất, đồng thời phải ngăn ngừa, không để sự cố dịch bệnh xảy ra” - ông Nguyễn Hòa An, Giám đốc công ty cho hay.

Tương tự, lượng đơn hàng của Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cũng tăng cao. 

Để đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất của đối tác, DN này đã sắp xếp lại hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất một cách bài bản, xem đây là giải pháp khẳng định tên tuổi, chất lượng với các đối tác FDI.

“Chúng tôi vừa làm việc với đối tác Nhật Bản và nhận thấy rằng nhu cầu về các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ các nhà máy sản xuất hiện nay đang rất cao nên thời gian tới sẽ có thuận lợi về đơn hàng” - ông Phan Văn Tứ, Giám đốc công ty khẳng định.

Theo ông Lê Trí Minh, Hội trưởng Chi hội DN hàng công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đại Á Thành (TP.Biên Hòa), nhiều DN trong chi hội nhận được đơn hàng tăng từ 30-40% so với cùng thời điểm năm trước. 

Đặc biệt là hầu hết các đơn hàng đến từ các DN FDI.

Nguyên nhân đơn hàng tăng là vì các DN thiếu nguyên phụ liệu sản xuất do bị hạn chế nhập khẩu hàng từ Trung Quốc. 

Cùng với đó, chuyên gia nước ngoài của các DN FDI không thể sang Việt Nam để giám sát, nên không sản xuất được và phải chuyển sang đặt hàng gấp tại các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Cần chiến lược 'dài hơi'

Dù đơn đặt hàng tăng từ 30-40%, song theo các DN, điều họ lo lắng hiện nay là thực trạng thiếu nguyên phụ liệu sản xuất.

Để sản xuất thiết bị, phụ tùng, linh kiện công nghiệp hỗ trợ, DN cũng cần phải có nguyên liệu sắt thép. Hiện nay, các DN trong nước đã cung ứng được lượng thép khá lớn ra thị trường, nhưng còn một số chủng loại vẫn phải nhập khẩu.

“Là đơn vị sản xuất các sản phẩm đúc bằng gang, một số chi tiết khuôn mẫu nên chúng tôi cũng cần nhập các loại sắt, thép đặc thù. Hiện tại vẫn ổn nhưng nếu dịch bệnh kéo dài thêm 1-2 tháng thì nguyên liệu cũng sẽ trở nên khan hiếm. 

Càng kéo dài dịch bệnh càng khó khăn về nguyên liệu, ảnh hưởng đến các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ” - ông Phan Văn Tứ cho hay.

Một vấn đề nữa, theo các DN, việc gia tăng đơn hàng đột biến như hiện nay chỉ là tức thời từ thị trường vì các DN FDI đang thiếu nguồn cung. Do đó, các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có thêm khách hàng. 

Tuy nhiên về lâu dài, khi tình hình dịch bệnh qua đi, chắc chắn sẽ có sự khác biệt, nếu DN không đảm bảo các tiêu chí, đơn hàng thì có thể sẽ bị phía đối tác cắt hợp đồng.

“Hiện nay tín hiệu vui là đơn hàng gia tăng, công việc của anh em công nhân làm thường xuyên, song nhiều mặt hàng khó có thể sản xuất được do thiếu máy móc, trình độ nhân công chưa cao. 

Cùng với lo đáp ứng đơn hàng, các DN trong chi hội còn phải lo về nguyên liệu nhưng nguyên liệu trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu” - Chi hội trưởng Chi hội DN hàng công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai Lê Trí Minh trăn trở.

Cũng theo ông Lê Trí Minh, để ngành hàng công nghiệp hỗ trợ phát triển đúng hướng, về lâu dài cần các giải pháp như: đầu tư nguồn lực từ Nhà nước, tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như: thép chế tạo, vải, vật liệu mới... 

Các giải pháp cần có là sự hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai.

Đồng thời, tỉnh cũng cần xây dựng chiến lược phát triển “dài hơi”, tập trung vào các thế mạnh mà DN trong tỉnh đang có. 

Từ đó liên kết DN, hội viên lại với nhau, khắc phục hạn chế để có thể tiếp tục đáp ứng nhu cầu hợp tác với khối FDI, tăng niềm tin để các DN này thay thế hàng nhập khẩu bằng sản phẩm, linh kiện, nguyên phụ liệu trong nước.

Văn Gia