|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mức giảm của ngành công nghiệp điện tử đang dần thu hẹp

10:18 | 05/10/2023
Chia sẻ
9 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp điện tử giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước, con số này đã thu hẹp so với giai đoạn trước. Đây là những tín hiệu tích cực về sự phục hồi ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam.

Trong báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại 9 tháng đầu năm, Bộ Công Thương cho biết mức giảm của chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học có xu hướng thu hẹp, điều này cho thấy những tín hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất cũng như xuất khẩu đối với các sản phẩm của ngành.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp điện tử giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước, biên độ giảm nhẹ hơn so với mức 3,9% của 8 tháng; 4,3% của 7 tháng và 4,6% của 6 tháng.

Tính đến hết quý III, Việt Nam có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Trong đó, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong 9 tháng ước đạt 41,2 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Đứng sau hàng máy tính và điện tử, nhóm điện thoại và linh kiện mang về hơn 39 tỷ USD, giảm 13% so với 9 tháng năm 2022 và chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Các thị trường xuất khẩu lớn của hai nhóm hàng này là chủ yếu vẫn là EU, Mỹ, Trung Quốc.

 

Tại tọa đàm “Việt Nam – Địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Nguyễn Thắng Vượng, đại diện Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết thời gian qua xu hướng dịch chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra mạnh mẽ. Mới đây, tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam.

Xuất khẩu điện thoại trong thời gian qua có chịu ảnh hưởng bởi tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, song Việt Nam vẫn đang là địa điểm hấp dẫn thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Liên quan đến việc các tập đoàn đa quốc gia chuyển chuỗi ứng ứng về Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) đánh giá đây là một cơ hội tốt, tuy nhiên doanh nghiệp trong nước có thể nắm bắt được hay không còn phụ thuộc vào năng lực của mỗi công ty.

Khi chuyển nhà máy sang Việt Nam, các tập đoàn FDI sẽ kéo theo cả chuỗi cung ứng đi theo, do vậy muốn trở thành mắt xích trong chuỗi, doanh nghiệp Việt phải vượt qua các quy trình đánh giá năng lực khắt khe về chất lượng sản phẩm và hoạt động nhà máy.

Trong khi, nguồn nhân lực có tay nghề cao trong ngành điện tử vẫn đang là hạn chế lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam, điều này ảnh hưởng đến sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Còn theo quan điểm của Bộ Công Thương, xuất khẩu các mặt hàng linh kiện và phụ tùng vẫn chủ yếu thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các tập đoàn đa quốc gia từ Hàn Quốc, Nhật Bản đang đóng vai trò chủ đạo.

Liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa còn lỏng lẻo do phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, năng lực còn hạn chế.

Trong khi đó, dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ, chưa đảm bảo quy mô công suất sản xuất kinh tế đối với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cũng đang thiếu các doanh nghiệp có tầm cỡ khu vực và quốc tế có thể dẫn dắt, tạo hệ sinh thái phát triển bền vững.

Mặt khác, các doanh nghiệp Việt thiếu nguồn lực và công nghệ để đổi mới, nâng cao nâng lực sản xuất và áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất sạch và thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng với lãi suất phù hợp.

Hoàng Anh