|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp điện tử trở thành động lực phục hồi cho nền kinh tế

07:40 | 19/09/2023
Chia sẻ
Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp điện tử, bao gồm máy tính và linh kiện, điện thoại và linh kiện đã tăng trưởng dương qua các tháng. Sự hồi phục của ngành hàng chủ lực này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng của nền kinh tế những tháng cuối năm.

Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất quan trọng đối với kinh tế Việt Nam khi chiếm gần 18% giá trị sản xuất công nghiệp, theo số liệu của Tổng Cục Thống kê.

Nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology, LG Display Hải Phòng…

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, xuất khẩu hai nhóm hàng công nghiệp điện tử càng thể hiện vai trò trụ đỡ khi tăng trưởng liên tiếp qua các tháng và trở thành một trong những động lực cho xuất khẩu hàng hóa nói chung.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy cho thấy xuất khẩu máy tính và linh kiện trong tháng 8 đạt gần 5,3 tỷ USD, tăng 4% so với tháng 7. Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng dương.

Tương tự, xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong tháng 8 đạt 5,2 tỷ USD, tăng 16% so với tháng 7 và tăng trưởng dương ba tháng liên tiếp.

 

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy 8 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học giảm xuống còn 3,9%, thấp hơn mức giảm 5,1% của 5 tháng; 4,6% của 6 tháng và 4,3% của 7 tháng.

“Đây là một tín hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất cũng như xuất khẩu sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện trong năm 2023 và đóng góp vào sự phục hồi của cả nền kinh tế Việt Nam” Tổng cục Thống kê nhận định.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng máy tính và linh kiện 35,9 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước, đây cũng là mức giảm thấp nhất trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu dẫn đầu.

Trong khi đó, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 33,9 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm gần 15% tổng kim ngạch xuấ khẩu hàng hóa.

 

Hiện, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các sản phẩm điện tử của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, chiếm gần 48% tổng kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng điện tử chính. Tuy nhiên xuất khẩu hàng điện tử này có diễn biến trái chiều. 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu máy tính, điện thoại và linh kiện sang thị trường Trung Quốc đạt 17,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, xuất khẩu hàng điện tử sang Mỹ lại sụt giảm 18% so với cùng kỳ, còn 15,9 tỷ USD.

 

Bộ Công Thương cho biết với những ngành 90% nguồn cung dành cho xuất khẩu như điện tử, việc các đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Bên cạnh đó, Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.

Dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn, ngành điện tử của nước ta vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tại hội thảo “Kết nối công nghiệp 4.0”, bà Đỗ Thị Thuý Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết hiện có nhiều hãng điện tử lớn đang chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam tìm kiếm nhà cung cấp.

"Apple có nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam, đã đặt hàng sản xuất các sản phẩm cao cấp hơn như máy tính bảng, máy tính để bàn… thay vì chỉ sản xuất tai nghe như trước đây. Hoặc trong lĩnh vực sản xuất chip, một số ông lớn sản xuất chip trong chuỗi cung ứng của Apple cũng đang xem xét đặt nhà máy tại Việt Nam", bà Hương cho biết. 

Theo đại diện VEIA, đây là cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên con đường để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple chắc chắn sẽ còn dài và không dễ dàng.

“Khi các ông lớn như Apple, Samsung mở rộng chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp trong nước có được hưởng lợi nhưng rất mỏng bởi FDI sẽ đưa cả hệ thống sản xuất, nhân lực sang nước ta.

Trong khi, các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ, khó có thể đáp ứng những yêu cầu về vốn và công nghệ, ngay cả khi được chuyển giao công nghệ, đội ngũ nhân sự chưa đủ khả năng tiếp nhận”, bà Hương nói.

Một điểm yếu khác của hàng điện tử Việt Nam là doanh nghiệp chưa tập trung vào chế biến sâu, chưa phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao còn thấp.

Do vậy, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp điện cần bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực, có chiến lược cạnh tranh, tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực.

“Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố để trở thành trung tâm sản xuất điện tử của châu Á”, đây là nhận định của ông Darren Seah, Giám đốc khối đầu tư và chuyển đổi công nghiệp của Công ty Constellar.

Để tiến gần hơn với mục tiêu này, ông Darren Sean cho rằng điều quan trọng nhất với doanh nghiệp Việt là cần kiểm soát về chất lượng sản phẩm, tăng cường kết nối và hỗ trợ từ các đối tác khác như Malaysia, hay Thái Lan nhằm đảm bảo xuất khẩu. 

Phạm Mơ