|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2023 đổi chiều sang tăng trưởng 1,65%

13:40 | 29/09/2023
Chia sẻ
Trong 8 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp vẫn giảm 0,4% nhưng tính chung tháng 9 đã đổi chiều sang tăng trưởng 1,65%.

Sáng 29/9, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2023.

Bên cạnh các chỉ tiêu về tăng trưởng GDP, lạm phát,.. thì việc giá trị tăng thêm công nghiệp lần đầu tiên đổi chiều tăng trưởng dương trong năm nay cũng là chỉ số đáng chú ý.

Theo TCTK, trong quý III/2023, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 4,57% so với quý III/2022. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98%.

Trước đó, tính chung 8 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp vẫn giảm 0,4% nhưng tính chung tháng 9 chỉ số này đã chính thức đổi chiều sang tăng trưởng 1,65%.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98% nhờ quý III tăng 5,61%, đóng góp 0,51 điểm % vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,9%, đóng góp 0,11 điểm %; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,69%, đóng góp 0,03 điểm %; riêng ngành khai khoáng giảm 3,01%, làm giảm 0,1 điểm % trong mức tăng chung.

10 địa phương có tốc độ tăng IIP 9 tháng cao nhất và 10 địa phương có tốc độ giảm mạnh nhất. (Nguồn: TCTK).

Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Trong đó, Trà Vinh là địa phương có mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp lớn nhất cả nước 24,7% còn Quảng Nam là địa phương giảm sâu nhất với 29%.

TCTK lý giải, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2023. (Ảnh: Hạ An).

Phân tích thêm về tình hình sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm nay, bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng cho rằng từ tháng 5 đến nay, sản xuất công nghiệp hàng tháng liên tục tăng so với cùng kỳ với mức tăng tháng sau tăng cao hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo có sự cải thiện rõ rệt với mức tăng khá so với cùng kỳ.

Từ số liệu thống kê các tháng gần đây và theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, TCTK dự báo quý IV/2023 khả quan hơn quý III/2023 cả về tình hình sản xuất kinh doanh, khối lượng sản xuất, đơn đặt hàng, đơn đặt hàng xuất khẩu.

"Hoạt động sản xuất công nghiệp các tháng còn lại của năm 2023 chưa thể trở lại đà tăng trưởng cao nhưng vẫn tiếp tục khởi sắc hơn so với 9 tháng đầu năm", bà Nga dự báo.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, có 39,1% số doanh nghiệp đánh giá quý IV/2023 sẽ hơn quý III/2023; 37,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 23,7% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Chưa đến 1/4 số doanh nghiệp dự báo tình hình khó khăn hơn cho thấy tâm lý doanh nghiệp đang rất tích cực. Dù vậy, theo bà Nga, các doanh nghiệp hiện cũng đề xuất nhiều kiến nghị liên quan đến bình ổn giá điện, nước, nhiên liệu để hạn chế gia tăng chi phí sản xuất sản phẩm cũng như kích cầu thị trường trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.

Đặc biệt, các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, mong muốn được giảm lãi suất vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất kinh doanh kịp thời và hiệu quả hơn, bà Nga cho hay.

Hạ An

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.