|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

PGS. TS Phạm Thế Anh: PMI thấp nhưng sản xuất công nghiệp lại tăng trưởng dương là điều bất thường, nền kinh tế vẫn chưa thể 'thoát đáy'

12:35 | 30/06/2023
Chia sẻ
Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, mặc dù PMI rất thấp, tình trạng lao động mất việc, doanh nghiệp dừng sản xuất diễn ra phổ biến nhưng sản xuất công nghiệp lại tăng trưởng dương cho thấy điều bất thường. Các tín hiệu của nền kinh tế cho thấy vẫn đang ở vùng đáy và có thể sẽ còn kéo dài.

Một trong những điểm đáng chú ý tại báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê là việc chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) từ mức giảm 2% của quý I đã tăng trưởng dương trong quý II.

Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37%.

Tổng cục Thống kê đánh giá, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp trong quý II/2023 ước tính đạt 1,56% so với cùng kỳ năm trước đã kéo chỉ số này từ mức âm sang dương 0,44%.

Nhìn sâu vào những lĩnh vực đóng góp cho chỉ số sản xuất công nghiệp dễ dàng nhận thấy, trong 6 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 0,37% nhưng đã đóng góp 0,1 điểm % trong mức tăng 0,44% tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Dù trước đó, trong quý I,ngành này giảm 0,49% nhưng quý II tăng 1,18% khiến luỹ kế 6 tháng tăng trưởng dương và kéo IIP dương. Đây cũng là một trong những chỉ số liên quan mật thiết tới tăng trưởng GDP 4,14% trong quý II.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô Đại học Kinh tế quốc dân. (Ảnh chụp màn hình).

Đánh giá về con số này, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, khu vực sản xuất chế biến, chế tạo là khu vực đóng góp chính trong ngành công nghiệp.

Giá trị sản xuất của ngành này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp, đây cũng là ngành sử dụng lao động nhiều nhất. Do đó, sự hồi phục của nền kinh tế nói chung phụ thuộc rất nhiều vào ngành chế biến, chế tạo, ông Thế Anh nhận định.

Trong quý I, ngành chế biến, chế tạo ghi nhận tăng trưởng âm nhưng sang đến quý II đã có tăng trưởng dương trở lại. Tuy nhiên, các con số liên quan đến ngành chế biến, chế tạo lại cho thấy nhiều điểm bất thường.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng trong quý II trong khi PMI liên tục lao dốc và dưới 50 điểm trong một thời gian dài. (Nguồn: S&P Global).

Thứ nhất, chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI do S&P Global thống kê vẫn ở mức thấp và dự báo tháng 6 cũng chỉ dưới 50 điểm. Trong tháng 4 và tháng 5, PMI chỉ còn 46,7 điểm và 45,3 điểm, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Tháng 4 và tháng 5 năm trước, PMI của Việt Nam lần lượt là 51,5 điểm và 54,7 điểm.

"Năm nay, PMI của hai tháng trở lại đây chỉ dao động khoảng 45 – 46 điểm và cũng thấp hơn so với quý I. Việc PMI dưới 50 điểm phản ánh tình trạng ngành sản xuất đang xấu đi so với mức trung bình  nhưng giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp lại tăng trưởng là điều bất thường", ông Thế Anh phân tích.

Thứ hai là, giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong quý II chỉ bằng khoảng 85, 86% so với cùng kỳ năm trước. Ngành sản xuất chế biến, chế tạo của Việt Nam hướng tới xuất khẩu rất nhiều, đặc biệt là khu vực FDI.

Trong quý I, giá trị xuất khẩu bằng khoảng 90% so với cùng kỳ năm trước do giảm khoảng 10%, sang quý II thậm chí còn giảm mạnh hơn lên khoảng 15%. Trong khi hầu hết sản phẩm của ngành chế biến, chế tạo được xuất khẩu mà giá trị xuất khẩu giảm so với cả cùng kỳ năm trước và quý I mà giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp lại tăng cho thấy có sự bất thường.

Ngay trong số liệu về sản lượng công nghiệp mà Tổng cục Thống kê đưa ra cũng cho thấy xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng số tăng trưởng ngành lại dương cũng thể hiện sự vênh nhau.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Thứ ba là, báo chí phản ánh và qua các cuộc điều tra, phỏng vấn các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo, nhiều doanh nghiệp nhận định họ đang khó khăn so với quý trước. Tình trạng sa thải lao động trong tháng 4, tháng 5 diễn ra phổ biến, doanh nghiệp dừng sản xuất nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp quý II lại tăng so với cùng kỳ năm trước là một quý tăng trưởng rất cao.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2023 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, số doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh khó khăn nhiều hơn số doanh nghiệp đánh giá tình hình có vẻ khả quan.

35,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn, cao hơn khá nhiều so với con số 27,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I/2023. Số còn lại 36,7% số doanh nghiệp thì cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

"Vì vậy, ngành sản xuất chế biến, chế tạo có thực sự tăng trưởng hay không, chỉ số sản xuất công nghiệp có phản ánh đúng thực tế hay không là điều phải lưu ý", ông Thế Anh nói.

Các số liệu về sản xuất công nghiệp hay tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá, dịch vụ có sự tăng trưởng nhẹ nhưng theo chuyên gia Phạm Thế Anh, những diễn biến của nền kinh tế thực cho thấy chưa có tín hiệu nào cho thấy nền kinh tế đã vượt đáy và trên đà đi lên.

“Các tín hiệu của nền kinh tế cho thấy vẫn đang ở vùng đáy và có thể sẽ còn kéo dài”, chuyên gia Phạm Thế Anh nhìn nhận.

 

Hạ An

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.