|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tín hiệu phục hồi của sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu đang dần rõ nét hơn

08:04 | 04/08/2023
Chia sẻ
Trong tháng 7 vừa qua, chỉ số sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất nhập khẩu đều có mức cải thiện đáng kể so với những tháng trước đó. Điều này cho thấy tín hiệu phục hồi của những tháng cuối năm 2023.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy một số tín hiệu tích cực với sản xuất công nghiệp (IIP) và xuất nhập khẩu đã dần xuất hiện. Theo đó, chỉ số IIP tháng 7 đã khởi sắc hơn, tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng 7 tiếp tục có những tín hiệu tích cực khi tăng 0,8% so với tháng trước, ước đạt 29,68 tỷ USD. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ hai kể từ tháng 11/2022 đến nay.

Tương tự, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước

 

Bộ Công Thương cho rằng lạm phát tại các nền kinh tế lớn tiếp tục hạ nhiệt, nhất là các nền kinh tế là đối tác quan trọng của Việt Nam. Lạm phát giảm có thể kích thích tiêu dùng, trong khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng thường tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã cam kết tăng cường hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế, tập trung vào việc thúc đẩy nhu cầu trong nước, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm ô tô, điện tử, gia dụng, thúc đẩy tiêu dùng du lịch.

Ngoài ra, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đã dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư (Trung Quốc +1) sẽ giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này được cho là sẽ tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Nhìn lại bước tranh kinh tế 7 tháng đầu năm nay, suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến lượng đơn hàng của nhiều ngành xuất khẩu trọng điểm như dệt may, da giày, gỗ, công nghiệp phụ trợ… ghi nhận giảm mạnh. Điều này kéo theo sự suy giảm cả về chỉ số sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất nhập khẩu.

Cụ thể, 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành ước giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8,6%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 1% (cùng kỳ tăng 9,5%); ngành khai khoáng giảm 1,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,4%.

Còn về thương mại, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 374,2 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 194,7 tỷ USD, giảm 11%; nhập khẩu đạt 179,5 tỷ USD, giảm 17%.

  (Nguồn: Tổng cục Thống kê, Biểu đồ: Phạm Mơ)

Bộ Công Thương lý giải hiện các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm.

Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.

Bên cạnh đó, giá hàng hoá xuất khẩu có xu hướng giảm trong 7 tháng đầu năm, ví dụ như giá hạt tiêu xuất khẩu giảm 28%; cao su giảm 21%; giá xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chế biến giảm mạnh ở mức hai con số như: dầu thô giảm 25%; xăng dầu các loại giảm 17%; phân bón các loại giảm 36%; chất dẻo nguyên liệu giảm 25%; xơ, sợi dệt các loại giảm 23%; sắt thép các loại giảm 25%...

Mặt khác, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…

Hoàng Anh