Nhiều nhà máy sản xuất ô tô tại Việt Nam liên tục thông báo đóng cửa, tác động kép từ cú đấm COVID-19
4 nhà máy sản xuất ô tô lớn của Việt Nam dừng hoạt động trong một tuần
Các nhà máy sản xuất ô tô tại Việt Nam mới đây đồng loạt thông báo tạm dừng hoạt động sản xuất, ít nhất trong giai đoạn cách li toàn xã hội để đối phó dịch COVID-19 đang lây lan nhanh.
Ford Việt Nam nổ phát súng đầu tiên khi đóng cửa nhà máy tại Hải Dương từ 26/3; kế tiếp, lần lượt Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam thông báo tạm dừng hoạt động các nhà máy tại Vĩnh Phúc và Hà Nam; trong khi TC MOTOR đóng cửa nhà máy sản xuất xe Hyundai tại Ninh Bình.
Theo thông báo, đại diện các nhà sản xuất cho biết đây là động thái phối hợp cùng cơ quan quản lí nhà nước để đảm bảo an toàn cho đội ngũ công nhân viên. Việc quay trở lại của các nhà máy phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh chung và chỉ đạo của Chính phủ.
Thông tin người viết có được, nhà máy ô tô VinFast - Hải Phòng cho biết vẫn sẽ hoạt động bình thường; trong khi ban lãnh đạo CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) đang thảo luận về vấn đề này.
Số liệu sản xuất công nghiệp từ Tổng cục Thống kê (GSO) quí I/2020 cho thấy, sản lượng ô tô chỉ đạt 19.000 chiếc, giảm 10,4% so với cùng kì. Trong khi quí I năm ngoái, tốc độ tăng sản lượng của ngành công nghiệp sản xuất ô tô lên tới 22,3%.
Chỉ số tăng tồn kho ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có sản xuất ô tô) tăng vọt lên tới 122,5%, so với chỉ 9% cùng kì. Điều này cho thấy khó khăn lớn của các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong việc tiêu thụ sản phẩm.
COVID-19 như hai cú đấm, đánh vào cả phía cung và phía cầu
COVID-19 tác động sâu, rộng đến nhiều mặt của nền kinh tế, trong đó ngành ô tô không ngoại lệ.
Theo văn bản của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) gửi đến Chính phủ và các Bộ ngành, số lượng khách hàng tới tìm hiểu xe tại các đại lí giảm sút đáng kể dẫn đến lượng hợp đồng kí mới giảm tương ứng.
Tổ chức này cho biết doanh số tháng 3 sụt giảm và có thể kéo dài trong tương lai khi COVID-19 không sớm được kiểm soát. VAMA dự báo, thị trường cả năm có thể giảm 15% so với dự báo trước đó. Ngay cả với hoạt động dịch vụ, lượng xe đến sửa chữa cũng giảm từ 30 - 40%; dự báo về lâu dài có thể giảm 60 - 70%.
Không chỉ ảnh hưởng mạnh đến lực cầu, COVID-19 cũng khiến các doanh nghiệp ô tô khó khăn để có thể triển khai hoạt động sản xuất cũng như đầu tư.
Các kĩ sư, chuyên gia, cán bộ tay nghề cao được cử sang xây dựng nhà máy chưa thể nhập cảnh. Một số máy móc, thiết bị phục vụ mở rộng nhà máy cũng chưa thể vận chuyển sang làm chậm tiến độ đầu tư và hoạt động sản xuất.
Hoạt động cung ứng linh kiện đầu vào cho sản xuất tạm thời vẫn được duy trì; tuy nhiên VAMA dự báo trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà sản xuất linh kiện bị ảnh hưởng trực tiếp do lệnh phong tỏa của các quốc gia. Do đó, nhiều nhà máy đã buộc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất và tính đến phương án đóng cửa tạm thời cho đến khi tìm được nguồn cung thay thế.
Các qui đinh về nhập cảnh và việc dừng các chuyến bay quốc tế của Việt Nam cũng đã ngăn cản các chuyên gia và kĩ sư từ công ty mẹ của các nhà sản xuất ô tô; một số đang phải cách li; một số được bố trí làm việc tại nhà. VAMA cho biết tuy chưa ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất, nhưng diễn biến phức tạp của dịch có thể dẫn đến khả năng công ty bị cách li để khoanh vùng dập dịch và dừng sản xuất.
Việc cấm nhập cảnh của các nước trên thế giới cũng khiến cho công tác tổ chức đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng (COP) tại cơ sở sản xuất ô tô và linh kiện nước ngoài không thể thực hiện.
Không chỉ Việt Nam, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu cũng đang khốn đốn
Trong một bài phân tích về tác động của COVID-19 đến ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, chuyên gia của KPMG Global - ông Dieter Becker cho biết các nước như Hàn Quốc, Italy, Nhật Bản đang phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất.
Khảo sát cho thấy, 80% doanh nghiệp sản xuất ô tô và ngành nghề liên quan cho rằng COVID-19 sẽ tác động trực tiếp đến doanh thu; một tỉ lệ tương tự cho biết không có đủ nhân viên để điều hành một dây chuyền sản xuất đầy đủ.
Theo chuyên gia của KPMG Global, thực tế hơn 80% chuỗi cung ứng ô tô trên toàn cầu có liên kết với Trung Quốc, nơi bùng phát của đại dịch. Trong tháng đầu năm, doanh số bán xe của Trung Quốc đã giảm tới 18%. Hiệp hội xe khách của nước này (VPCA) cho biết, thậm chí doanh số hai tháng đầu năm giảm tới 40% so với cùng kì năm 2019.
Hệ quả COVID-19 dẫn đến và việc thiếu hụt sản xuất do gián đoạn chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sẽ gây hiệu ứng domino ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô toàn cầu. Và tại Việt Nam chắc chắn không ngoại lệ.
Tâm dịch Hồ Bắc là một trong 4 cơ sở sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, nơi đây có hơn 100 nhà cung ứng ô tô. Đến 11/3 các nhà máy này vẫn còn đóng cửa, tuy nhiên tin vui là đã bắt đầu sản xuất trở lại. Trung Quốc sau hai tháng bùng phát dịch COVID-19 khiến cho doanh số bán xe giảm xuống gần như bằng không, nhưng số liệu của tháng 3 sẽ phản ánh chính xác hơn về tác động này.
Các thống kê cho thấy rằng, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đang phục hồi sau khi dịch bệnh phần nào được khống chế. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), từ hồi cuối tháng 2, hơn 90% trong số 300 nhà cung ứng bên ngoài Hồ Bắc đã bắt đầu sản xuất. Tuy vậy, công suất hoạt động vẫn còn thấp khi số đơn hàng từ các nhà sản xuất sụt giảm và vấn đề gặp phải trong hoạt động logistics.
Theo ông Dieter Becker, với tình hình hiện tại, doanh số ô tô toàn cầu có thể sụt giảm từ 6 - 8% trong năm nay và thậm chí có thể tác động sang năm 2021. Tuy vậy, chuyên gia này cũng lưu ý rằng việc người dân e ngại di chuyển qua phương tiện công cộng lại có thể là yếu tố thúc đẩy mua xe.
Phân tích của KPMG Global kì vọng vào khả năng phục hồi của ngành ô tô trên thế giới bắt đầu từ quí III năm nay. Nhưng diễn biến phức tạp của dịch tại Châu Âu có thể sẽ trì hoãn việc khởi động lại các hoạt động kinh tế, bất chấp Trung Quốc đang bắt đầu phục hồi. Các vấn đề tồn đọng (như căng thẳng thương mại, doanh số giảm) có khả năng sẽ vẫn còn ảnh hưởng trong quí III.
Quan điểm của KPMG Global cho rằng, điều quan trọng nhất là xem COVID-19 như một làn sóng toàn cầu, ngành công nghiệp ô tô phải được đánh giá cả ở phía cung và phía cầu. Các công ty sản xuất và bán hàng tại Trung Quốc đã chịu tác động trực tiếp và đang trong giai đoạn phục hồi. Và giờ ảnh hưởng lan đến các khu vực khác của Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ khi làn sóng COVID-19 hướng đến các khu vực này.