|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Xu hướng thuê mọi thứ tạo nên ngành kinh doanh mới ở Mỹ

08:09 | 10/06/2019
Chia sẻ
Thay vì mua nhà, áo quần, bàn ghế, giường ngủ, máy hút bụi, tủ lạnh, một bộ phận giới trẻ Mỹ chỉ muốn thuê chúng để đơn giản hóa cuộc sống của họ.

Một bộ phận giới trẻ đô thị mới đi làm đang theo đuổi lối sống không sở hữu bất kỳ thứ gì, tránh xa những giấc mơ mà các thế hệ trước từng theo đuổi.

Ban đầu, xu hướng không sở hữu bắt nguồn từ lý do tài chính vì nhiều người thấy mua đồ đạc là việc không cần thiết khi cuộc sống và công việc chưa thực sự ổn định. Ngoài ra, nhiều người thuê đồ đạc, quần, áo không phải vì thiếu tiền, mà do họ muốn trải nghiệm những thứ cao cấp ở mức thường xuyên nhất, The New York Times đưa tin.

Việc thuê đồ đạc, áo quần và văn phòng làm việc không phải là hiện tượng mới mẻ, song nhu cầu thuê đang lớn dần trong những năm gần đây. Hàng nghìn thanh niên Mỹ đang chất đầy ngôi nhà tạm thời của họ với những đồ đạc mà họ thuê - từ bàn uống nước, ghế sofa của các thương hiệu Crate & Barrel và West Elm. Họ chất vào quần áo những bộ trang phục thời thượng từ các thương hiệu Theory, Vince hay từ các chuỗi cửa hàng thời trang như Loft, Express. Họ có thể trả lại những bộ trang phục tại các thùng đặt ở các không gian làm việc chung của WeWork, nơi những người kinh doanh dịch vụ thuê tài sản có thể đang thuê bàn để làm việc.

Giới trẻ Mỹ chạy theo xu thế thuê mọi thứ - Ảnh 1.

Miki Reynolds, đang ở căn hộ thuê ở Los Angeles, Mỹ. Chiếc váy cô đang mặc, trường kỷ, bàn uống nước, đèn ngủ tại nhà cô... đều được thuê từ nhiều công ty khởi nghiệp khác nhau. Ảnh: New York Times

Ngoài quần áo, đồ trang trí, nhiều công ty khởi nghiệp cũng cho thuê lều cắm trại, máy xay sinh tố Vitamix, máy hút bụi Dyson và kính thực tế ảo Oculus Rifts.

Giới quan sát nói rằng nước Mỹ đang bước vào thời kỳ hoàng kim của các dịch vụ cho thuê đồ đạc.

“Thế hệ trước dạy chúng tôi phải tiết kiệm, đầu tư và mua một căn nhà hoặc những thứ kiểu như vậy. Nhưng bây giờ tôi thích thuê mọi thứ”, Miki Reynolds, người đang trả phí hàng tháng để thuê phần lớn những đồ đạc cô đang sử dụng trong cuộc sống hàng ngày tại Los Angeles, phát biểu.

Reynolds, giám đốc một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các doanh nhân, thuê một căn hộ ở trung tâm thành phố và cũng thuê không gian làm việc. Cô cũng thường xuyên thay đổi các trang phục cao cấp và phụ kiện thời trang nhờ dịch vụ thuê thời trang trả phí hàng tháng của Rent the Runway, một công ty mới ra đời.

Nữ giám đốc 38 tuổi cũng trả phí hàng tháng để thuê một giường ngủ và một cây đèn ngủ cũng như bàn cà phê, sofa từ công ty khởi nghiệp cho thuê nội thất có tên gọi Fernish. Reynolds nhận định lối sống “thuê mọi thứ” giúp cô cảm thấy linh hoạt và thoải mái.

Không gian làm việc chung giúp cô không phải lo toan công việc quản lý hành chính một văn phòng. Cô cũng có thể thường xuyên sử dụng những bộ trang phục và những đồ đạc có chất lượng tốt mà không phải chi khoản tiền quá lớn. Reynolds khẳng định ý nghĩa của quyền sở hữu không phải là chiếm hữu mà là trải nghiệm.

Giới trẻ Mỹ chạy theo xu thế thuê mọi thứ - Ảnh 2.

Chỉ cần vài thao tác nhấp chuột, người tiêu dùng trẻ ở Mỹ có thể thuê mọi đồ đạc mà họ muốn. Ảnh: New York Times

Một bộ phận giới văn phòng và thanh nhiên ở Mỹ, những người đã chứng kiến cơn suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009, có cùng quan điểm với Reynolds.

Tỷ lệ sở hữu nhà ở của những người ở độ tuổi 20-30 tại Mỹ vẫn đang ở mức thấp nhất trong vòng ba thập kỷ. Điều này đặc biệt thấy rõ ở các thành phố nơi nhiều người không đủ tài chính để mua nhà. Một số giới trẻ thích tính cơ động của việc thuê đồ đạc khi họ đang trong quá trình tìm kiếm các mối quan hệ, công việc và nơi ở phù hợp.

Đồ đạc mà nhóm người này chọn thuê khác xa với những thứ thường được cho thuê đối với những người tiêu dùng đang kẹt tiền và không tiếp cận được tín dụng. Chẳng hạn, công ty Fernish, đang nhắm đến những khách hàng trẻ có cảm quan về thời trang và thiết kế dựa trên những gì họ thấy từ các mạng xã hội Instagram và Pinterest hay từ catalog của công ty nội thất nổi tiếng West Elm.

Fernish ra đời vào năm 2017, đang cho thuê những chiếc ghế shell (ghế thư giãn) đắt tiền, những tủ áo quần cửa kéo mang phong cách của thập niên 1950, các đồ đạc của các thương hiệu như Crate & Barrel, Campaign.

Neela Montgomery, Giám đốc điều hành Crate & Barrel, nói về nhóm khách hàng mới: “Họ không nhất thiết phải cam kết trung thành với sản phẩm nhưng họ có thu nhập khá để mua sắm. Họ muốn những thương hiệu tốt, muốn những đồ đạc tốt và đánh giá cao những kiểu thiết kế đẹp”.

Những người đồng sáng lập Fernish cho biết họ xây dựng công ty này để phục vụ những người có trình độ đại học và đi làm chưa lâu ở các thành phố giống như họ. Những người này có xu hướng di chuyển giữa nhiều thành phố khi họ đổi việc, đổi nơi sống hoặc theo đuổi các chương trình sau đại học. Và mỗi lần như vậy, họ thường phải vứt bỏ những đồ đạc rẻ tiền và phải lãng phí thời gian, tiền bạc để mua những vật dụng tạm thời.

Công ty Fernish cho thuê đồ đạc theo gói đóng phí hàng tháng từ 3-12 tháng. Chẳng hạn, khách thuê sofa sẽ đóng phí 50 đô la Mỹ/tháng và thuê tủ áo quần thì phải trả 40 đô la/tháng. Công ty đảm nhận mọi khâu liên quan từ giao và dọn đồ đạc cũng như vệ sinh, chùi rửa đồ đạc sau mỗi lần cho thuê.

Lili Morton, 36 tuổi, gần đây di chuyển chỗ ở từ New York đến Seattle và cô đã phải xoay sở nhồi nhét tất cả đồ đạc vào một chiếc xe thuê. Song giờ đây, cô bắt đầu chuyển sang thuê đồ đạc của Fernish. Cô đang làm việc cho một công ty khởi nghiệp cho thuê áo quần có tên gọi Armoire ở Seattle.

Morton nói: “Tôi muốn những thứ đẹp và tốt nhưng tôi cũng không muốn bỏ ra một lúc hàng ngàn đô la Mỹ để mua một mớ đồ đạc khi mà tôi không chắc rằng trong vòng một năm nữa, tôi vẫn làm việc cùng một chỗ hiện tại hay không”.

Cô cho biết các quyết định chi tiêu của cô thường liên quan đến mục đích cải thiện hình ảnh bản thân thay vì tiêu thụ vật chất. Cô nói: “Tôi sẽ đi đắp mặt nạ hay mát-xa cơ thể hoặc nhuộm tóc, những điều làm tôi cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn là mua những đồ đạc có thể khiến tôi vui thích trong chốc lát nhưng rồi sẽ chán chúng”.

Michelle Pellizzon, 30 tuổi, người sáng lập một công ty khởi nghiệp về lĩnh vực công nghệ sức khỏe ở Los Angeles, cũng ủng hộ ý tưởng thuê quần áo và đồ đạc.

“Tôi không cần sở hữu nhiều vật chất, chẳng hạn một gara chứa hai xe, một ngôi nhà ba tầng ở ngoại ô, để chứng tỏ mình thành đạt. Tôi thực sự muốn tạo một lối sống khác, phù hợp với tôi”, cô phát biểu.

Rent the Runway đang được định giá 1 tỉ USD được thành lập vào năm 2009 để cho thuê các trang phục cao cấp thường mặc ở các sự kiện. Nhưng sau đó, công ty mở rộng sang cho thuê các  trang phục hàng ngày.

Từ lâu, Rent the Runway cạnh tranh với các nhiều đối thủ khác chẳng hạn Le Tote nhưng gần đây, các thương hiệu thời trang và các nhà bán lẻ thời trang cũng tung ra dịch vụ cho thuê áo quần theo hình thức đóng phí hàng tháng. Nhờ đó, người tiêu dùng ở Mỹ có thể đăng ký đóng phí hàng tháng để thuê trang phục từ các thương hiệu và cửa hàng thời trang như như Vince, Rebecca Taylor, American Eagle, Express, Ann Taylor.

Nhạc Dương